|
Khách hàng gửi tiền sẽ được hưởng lợi khi ngân hàng đua nhau tăng lãi suất. |
Sau một thời kỳ im ắng, từ đầu tháng 5, các ngân hàng bắt đầu lao vào cuộc "chạy đua" mới về lãi suất huy động VND. Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất trần cho vay chỉ là 10,5%/năm, nhưng một số ngân hàng đã đẩy lên hơn 9%/năm. Theo các chuyên gia, do nhu cầu vốn cho vay phục vụ gói kích cầu của Chính phủ ngày càng lớn, việc tiếp tục điều chỉnh lãi suất là điều dễ hiểu…
Lãi suất hấp dẫn, khách hàng hưởng lợi
Dù không "nóng" như thời điểm tháng 6.2008 khi các ngân hàng thi nhau đẩy lãi suất huy động VND lên mức 19%/năm, nhưng mức lãi suất như hiện nay cũng được đánh giá là khá hấp dẫn. Sau Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank… hàng loạt ngân hàng khác cũng đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động VND, tạo ra một "làn sóng" lãi suất mới ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế, xã hội.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tăng lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn với mức tăng 0,1-0,9%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất là 8,7%/năm; các kỳ hạn ngắn 3-9 tháng, lãi suất dao động trong khoảng 8-8,5%/năm. ABBank còn khuyến khích khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài để hưởng mức lãi suất cao. Cụ thể: Kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 9%/năm; 24 tháng: 9,2%/năm; 36 tháng: 9,4%/năm; 60 tháng: 9,5%/năm. Đặc biệt, nếu gửi số tiền lớn, khách hàng được cộng lãi để hưởng lãi suất tối đa 9,7%/năm. Khách hàng gửi từ 50 triệu đồng hoặc 3.000 USD trở lên sẽ được nhận quà tặng.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) áp dụng mức lãi suất cao nhất là 9,5%/năm dành cho kỳ hạn 36 tháng. Đối với kỳ hạn 18-24 tháng, lãi suất là 9-9,3%/năm; các kỳ hạn 1-12 tháng: 7,8-8,35%/năm. Lãi suất USD cũng được điều chỉnh tăng lên 3,1%/năm với kỳ hạn 24-36 tháng. Đại diện Maritime Bank cho biết, mục đích của đợt tăng lãi suất tiền gửi này là nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn của ngân hàng trong thời gian tới, đồng thời tăng quyền lợi cho khách hàng. Ngân hàng TMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank) điều chỉnh lãi suất thêm 0,2-0,75%/năm từ giữa tháng 5. Các ngân hàng như Kỹ thương (Techcombank), Quốc tế (VIP) cũng đẩy lãi suất lên hơn 9%/năm…
Một số ngân hàng quốc doanh cũng tham gia cuộc "chạy đua" này. Từ ngày 15.5, Ngân hàng Công thương (VietinBank) phát hành chứng chỉ ghi danh bằng VND, lãi suất cao nhất là 9%/năm dành cho kỳ hạn 36 tháng. Các kỳ hạn khác có lãi suất 7,9-8,6%/năm. Khách hàng mua chứng chỉ có giá trị từ 100 triệu đồng (với cá nhân), 500 triệu đồng (doanh nghiệp) trở lên sẽ được cộng thêm lãi suất 0,2-0,3%/năm. Như vậy, lãi suất tại VietinBank có thể đạt tới 9,3%/năm.
Ngân hàng buộc phải tăng lãi suất
Hiện nay, lãi suất cơ bản theo quy định của Ngân hàng nhà nước vẫn là 7%/năm, có nghĩa là mức lãi suất trần mà các NHTM có thể cho vay chỉ dừng lại ở 10,5%/năm. Theo các chuyên gia, mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động tối thiểu là 3%/năm thì ngân hàng mới có thể duy trì hoạt động. Nhưng khi lãi suất huy động được đẩy lên gần 10%/năm như hiện nay, ngân hàng phải làm gì để có lợi nhuận? Đại diện của hầu hết ngân hàng đều cho biết sẽ phải cân đối lại nguồn thu, chi. Trong điều kiện phải cạnh tranh với nhiều kênh đầu tư hấp dẫn khác, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để thu hút tiền gửi phục vụ cho nhu cầu vay vốn của cá nhân, doanh nghiệp nhằm phục vụ cho gói kích cầu ngắn hạn, trung và dài hạn của Chính phủ. Tuy nhiên, ngân hàng cũng có các chương trình cho vay thỏa thuận với lãi suất 12-15%/năm để "bù đắp" chi phí.
Lãi suất tiếp tục tăng?
Do nhu cầu về vốn cho đầu tư dài hạn vào máy móc, nhà xưởng tăng, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi. Thời gian qua, thị trường chứng khoán phục hồi đã khiến nhiều người không còn tha thiết gửi tiền tiết kiệm. Sự hấp dẫn trở lại của thị trường bất động sản cũng đã thu hút một lượng vốn lớn khỏi ngân hàng. Chưa kể đến kênh được coi là an toàn như vàng cũng kéo không ít nhà đầu tư. Chính vì vậy, không chỉ tăng lãi suất huy động, ngân hàng còn đưa ra nhiều chương trình hấp dẫn để tăng cường vốn. Cuộc đua tăng lãi suất này chủ yếu là để thu hút thêm khách hàng mới.
Các chuyên gia dự báo, do nền kinh tế bị suy giảm mạnh thời gian qua, nhiều nước đã phải thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng. Vì thế, trong tương lai, lạm phát có thể xảy ra, kéo theo lãi suất có thể phải tăng theo cho phù hợp.
. Theo HNM |