Sáng nay (27.5), Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Lạm phát có thể quay trở lại nảy sinh cơ chế xin - cho khiến tiêu cực có thể phát sinh khi triển khai các gói kích cầu vẫn là âu lo chung của các đại biểu (ĐB).
Dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cho rằng: “Mặc dù quý I.2009 chúng ta nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương nhưng vẫn ở mức dưới tiềm năng”. ĐB Trần Du Lịch cảnh báo nếu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng thấp này sẽ phát sinh nhiều vấn đề hết sức nguy hiểm. Theo ông Lịch, “Mức độ nguy hiểm này còn hơn cả lạm phát quay trở lại, đó là trì phát”. Và đây là “tình trạng cực kỳ nguy hiểm vì nó vô hiệu hóa các chính sách tài chính, tiền tệ”, ông Lịch cho biết.
Trong việc thu hút vốn đầu tư, ĐB Trần Du Lịch băn khoăn: “Cần phải kiểm tra, giám sát, coi chừng nguồn vốn không chảy vào đầu tư mà là đầu cơ”. Theo ông, tình trạng nhập siêu tiếp tục gia tăng và sự chênh lệch giá USD giữa thị trường chợ đen và ngân hàng đang đặt ra thách thức lớn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát tỷ giá.
Ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra trong thời gian tới, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch đưa ra 4 kiến nghị đối với Chính phủ: “Cần sớm minh bạch các gói kích cầu; đẩy mạnh đào tạo nghề vì đây là vấn đề lớn hiện nay; nhanh chóng tháo được các “nút thắt” trong đầu tư xây dựng cơ bản; tận dụng cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế”. Ông Lịch đồng ý với kiến nghị của Chính phủ về điều chỉnh chỉ tiêu bội chi ngân sách nhưng đề nghị khi thông qua, QH phải kèm theo điều kiện là bội chi vào cái gì. QH cũng nên yêu cầu Chính phủ trình gói tái cấu trúc nền kinh tế và phương án đối phó sau khủng hoảng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh (ĐB Nam Định) giải thích thêm về việc điều chỉnh mức bội chi ngân sách. Theo đó, ba nguyên nhân dẫn đến nguồn thu giảm là do suy giảm kinh tế, thứ hai là miễn giảm thuế cho doanh nghiệp và nhân dân và thứ ba là giá dầu thô. Trong khi đó, tổng chi không cắt giảm (Chính phủ trình và đã được QH, HĐND các cấp quyết định). Điều này dẫn đến bội chi là đương nhiên. “Đề xuất bội chi không quá 8% GDP nhưng khi điều hành, Chính phủ sẽ cố gắng để mức bội chi thấp hơn” - Bộ trưởng Ninh cam kết. Và theo ông Ninh, việc cố gắng để mức bội chi thấp hơn 8% là có thể vì hiện tại giá dầu đang lên và kinh tế đã có dấu hiệu tích cực. Bộ trưởng Ninh khẳng định: “Mức bội chi này, an ninh tài chính quốc gia vẫn đảm bảo”.
Đề nghị hỗ trợ nông dân hơn nữa
Nhiều ĐB than phiền về việc triển khai các chính sách đối với nông nghiệp và nông thôn. Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Tháp Nguyễn Hữu Nhơn lên tiếng: “Chúng ta đã có Nghị quyết Trung ương VII về phát triển nông nghiệp nông thôn nhưng so với yêu cầu thì việc triển khai còn chậm, chưa kịp thời”. ĐB Nguyễn Hữu Nhơn liệt kê ra hàng loạt các bất cập khiến cho đời sống người dân khốn khó, đó là sản phẩm làm ra không có chỗ tiêu thụ, nông dân đã nhiều lần phải điêu đứng với cây mía, cây đay, lúa.
ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) bổ sung: “Vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp có không ít mặt hàng kém chất lượng, trong khi khâu quản lý lỏng lẻo khiến người nông dân bị thiệt hại”. Ngay cả phân bón, thuốc trừ sâu, mỗi chỗ bán một giá.
. Theo TNO |