Cuộc thảo luận tại tổ ĐBQH TPHCM – Quảng Ngãi sáng nay, 3.6, về Đề án cải cách cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 – 2014 đã diễn ra hết sức sôi nổi.
Thẳng thắn chỉ ra một số điểm bất hợp lý trong đề án, trong đó có chế độ đãi ngộ đối với giáo viên và sinh viên ngành sư phạm, ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) ví von: “Nếu không coi trọng đúng mức việc thu hút người tài làm việc trong ngành giáo dục, chúng ta sẽ mất chìa khóa, không thể nào mở được cánh cửa đi vào xã hội hiện đại”. Ông cho rằng đề án chưa “chín” và đề nghị Chính phủ lắng nghe thêm ý kiến của người dân trước khi ban hành, áp dụng vào thực tiễn.
Ở khía cạnh khác, các ĐB Huỳnh Thành Lập (TPHCM) và đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng, hiện tại chính là thời điểm phải có cơ chế huy động nguồn lực của các thành phần khác chung tay, góp sức với nhà nước để phát triển giáo dục – đào tạo. Tuy nhiên, ĐB Mã Điền Cư băn khoăn: “Một nước đang phát triển với đại đa số là nông dân như Việt Nam thì mức chi 6% thu nhập của hộ gia đình cho học tập của con em là cao, chỉ nên bằng hoặc dưới 5%”.
ĐB Nguyễn Việt Dũng (TPHCM) đồng tình và phân tích thêm: “Tính chi phí học tập cho con em theo thu nhập bình quân của hộ gia đình cũng có những bất cập. Khoảng cách giàu nghèo hiện nay rất lớn, tính như vậy sẽ rất khó khăn cho những đối tượng có thu nhập thực tế dưới mức thu nhập bình quân”.
Ông Dũng đưa ý kiến rằng ngành giáo dục đào tạo nhìn lại chính mình, hạn chế tối đa tình trạng lãng phí vẫn đang tồn tại. Tăng học phí là nên làm, nhưng ngành giáo dục phải hết sức tiết kiệm. Đơn cử là chuyện SGK. Chi hàng tỷ USD cho biên soạn SGK mới trong khi nội dung không thật sự thiết thực; thiết kế SGK chỉ dùng được một năm rồi bỏ (vì học sinh làm thẳng bài tập vào sách)... là những ví dụ mà “công luận nói mãi rồi vẫn không chuyển” – ông Dũng bình luận.
. Theo SGGP |