Ngày thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009
Thí sinh: đề môn Địa lý dài và dễ
14:22', 3/6/ 2009 (GMT+7)

Các thí sinh trao đổi sau giờ thi môn Địa lý.

Sáng nay, 3.6, hơn 1,1 triệu học sinh cả nước tiếp tục môn thi thứ 3 của kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT.

Môn Địa: đề dài, nhiều lý thuyết

Kết thúc môn thi Địa lý sáng nay, hầu hết các em đều thoải mái vì cho rằng đề thi dễ, không khó khăn để hoàn thiện bài làm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng đề Địa lý quá dài, nhiều lý thuyết. Ít thí sinh ra ngoài trước khi hết giờ. Đề dài nên các thí sinh đều phải căng sức để làm bài tới cuối giờ thi.

“Đề thi không khó, chỉ hỏi những kiến thức cơ bản, dung hoà được phần lý thuyết và phần bài tập. Tuy hơi dài với 4 câu hỏi, trong đó lại chia thành quá nhiều ý nhỏ nên phải tập trung cao độ”, Nguyễn Ánh Ngọc, học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định.

Theo cô Nguyễn Thị Thuỷ, giáo viên môn Địa trường THPT Yên Dũng 1 (Bắc Giang) thì đề Địa lần này ra rất cơ bản, phân bố hợp lý giữa phần lý thuyết và bài tập, nhưng tương đối dài và chia thành nhiều ý nhỏ nên đòi hỏi thí sinh phải huy động nhiều kiến thức và cần có sự tập trung cao độ”.

Tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn nhăn nhó vì làm bài thi không tốt. Tại điểm thi trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), rất nhiều thí sinh cho biết đề Địa ra quá chung chung trong khi đề cương ôn tập lại chi tiết, cụ thể nên học sinh không có khả năng khái quát. “Đề thi là điều kiện tự nhiên của ĐBSCL có thuận lợi và khó khăn gì cho phát triển kinh tế. Còn trong đề cương ôn tập của cô giáo cụ thể hơn, phân tích các đặc điểm về khí hậu hoặc về địa hình nên chúng em làm bài rất chán”, một thí sinh phân bua.

Hà Nội: Thi Địa, nhưng vẫn râm ran chuyện lộ đề Văn

Tại Hà Nội, sáng nay trời lại đổ mưa vào giờ các em đến trường thi khiến việc đi lại khó khăn hơn. Nhiều em bị ướt lướt thướt. Tại một số hội đồng thi mà chúng tôi ghi nhận như Trung tâm GDTX Thanh Xuân, trường Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội), Trung Hoà, Nhân Chính... đều có thí sinh đến muộn. Rất may là do các em đến chưa quá trễ nên vẫn được lực lượng bảo vệ châm chước cho vào.

Sáng nay, trước khi bước vào môn thi Địa lý, nhiều học sinh ở một số hội đồng thi Hà Nội vẫn bàn tán chuyện lộ đề Văn vào ngày thi 2.6. Nhiều em nói rằng, lẽ ra đề thi văn có câu về Hemingway, tuy nhiên, do lộ đề thi nên ở Hà Nội đề thi phải chuyển sang Lỗ Tấn, trong khi ở miền Nam vẫn là Hemingway.

Khi chúng tôi nói rằng không có chuyện miền Nam một đề, Hà Nội một đề, thì một vài thí sinh ở điểm thi Trần Hưng đạo (xã Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) quả quyết “bạn em ở TPHCM nói vậy”.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, gần như năm nào cũng có thông tin lộ đề thi Văn, tuy nhiên thông tin về đề văn rò rỉ bao giờ cũng trật lất so với đề thi chính thức.

Tại các hội đồng thi của Hà Nội sáng nay vẫn giữ được trật tự chung. Không có cảnh người dân tụ tập đứng chờ con gây tắc đường. Đường phố Hà Nội cũng thông thoáng, do các thí sinh đi đến điểm thi trước 7h nên gần như không ảnh hưởng gì đến việc đi lại của người dân nói chung.

Tuy nhiên, có cảm giác ngày thi thứ hai, công tác an ninh của kỳ thi đã có phần nới lỏng hơn so với ngày đầu. Tại điểm thi Trần Hưng Đạo (Phú Lãm, Hà Đông), đến giờ gọi học sinh vào phòng thi, vẫn còn nhiều người không phận sự đi lại ngoài phòng thi. Đây cũng là 1 trong 10 điểm “nhạy cảm” của Hà Nội trong kỳ thi này vì có nhà dân ở sát ngay khuôn viên trường học, từ cửa sổ nhà dân nhìn thấy cửa sổ phòng thi, nhưng lực lượng bảo vệ ở đây chưa đến 10 người. Thắc mắc tại sao lực lượng bảo vệ quá mỏng, chúng tôi được trả lời là nếu có sự cố sẽ... tăng cường.

Ngày thi thứ 2, nhiều bậc phụ huynh có con đi thi xa bắt đầu tỏ rõ sự mệt mỏi. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, kỳ thi năm nay, ngành GD-ĐT tổ chức thi theo cụm, nên nhiều em phải đi thi xa hàng chục cây số, vừa tốn kém, vừa mất thời gian. Và đáng ngại nhất là ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, sức khoẻ của thí sinh.

Một Phó Chủ tịch Hội đồng thi ở Hà Đông, Hà Nội cũng cho rằng, việc thi theo cụm là “hành dân”, không những thế cũng rất gây khó khăn cho các trường trong việc tổ chức thi.

* TPHCM: Hơn 62.000 TS  dự thi.

Kết thúc môn thi, hầu hết thí sinh (TS) đều hớn hở vì đề quá dễ, dễ hơn cả kiểm tra trong lớp. Nhiều TS cho rằng không cần thuộc bài, chỉ cần có đi học, biết nhận xét biểu đồ, đọc Atlat là có thể làm được 6-8 điểm.

TS Trần Thị Kim Châu tại Hội đồng thi Nguyễn Thượng Hiền (Tân Bình) “bức xúc” sau giờ thi: “Môn Địa lý là môn học bài nhiều nhất, lấy nhiều sức nhất trong quá trình ôn tập 6 môn thi thế nhưng sau khi đọc đề xong thì chỉ cho những câu linh tinh lang tang không cần phải học bài”.

Cụm Hội đồng thi Ngô Quyền, Trường Chinh, Nguyễn Thượng Hiền nằm gần nhau và có nhiều lô cốt đào đường trước những HĐT này dễ gây kẹt xe sau giờ thi.

Trong ngày thi thứ 2, nhiều CSGT đã cấm chốt tại đây để tránh kẹt xe trước trường thi. Một số TS là học sinh của trường THPT Trương Vĩnh Ký chạy xe gắn máy phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm nhưng vẫn được CSGT thông cảm cho qua.

PV SGGP đã có mặt ở Cần Giờ, ghi nhận sự nỗ lực của UBND huyện, Phòng Giáo dục Cần Giờ và hợp tác xã vận tải Thành Long đã huy động nhiều xe du lịch, xe buýt phục vụ đưa rước 591 TS.  Nhờ vậy, dù đường xa, trời mưa, đi lại khó khăn, Cần Giờ không có TS nào trễ giờ hay bỏ thi.

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, sáng nay, Sở GD - ĐT đã gửi công văn khẩn đi theo xe đưa đề nhắc nhở hội đồng thi tuân thủ quy định kỳ thi, không đi ra, đi vào trong giờ thi; giám thị và TS không mang điện thoại vào phòng thi. Nhờ vậy, giờ làm bài thi môn Địa lý không có TS nào bị bắt vì mang điện thoại.

Tuy nhiên, hệ phổ thông phát hiện 2 TS mang tài liệu trong khi hệ bổ túc không phát hiện TS nào vi phạm.

Sáng nay, hệ phổ thông vắng 19 TS, trong số này có 3 em ( thuộc Hội đồng thi Hai Bà Trưng, Trung Phú, Lương Văn Can) bị tai nạn giao thông. Hệ bổ túc có 10.274 TS không đi thi.

Tiếp tục siết chặt kỷ luật trường thi

Kết thúc ngày thi thứ nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009, theo nhận định của Bộ GD, hai buổi đầu tiên: môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận và môn Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, đã diễn an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, có tiến bộ đáng kể so với kỳ thi năm 2008.

Phương án thi theo cụm đã được các địa phương trên toàn quốc tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, nhiều địa phương có địa bàn phức tạp, điều kiện giáo dục còn khó khăn cũng đã tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực để tổ chức thi theo cụm. Các nhà trường phối hợp với các lực lượng xã hội và phụ huynh học sinh đảm bảo an toàn, đề phòng tai nạn giao thông ở các địa bàn phức tạp như vùng lũ, vùng sông nước và vùng đồi núi hiểm trở; đáp ứng việc ăn, nghỉ, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thí sinh tham gia thi tại các Hội đồng coi thi trong mỗi cụm, nhất là những thí sinh thi xa gia đình. Tỷ lệ thí sinh dự thi đạt cao hơn, số thí sinh bị tai nạn giao thông, bị ốm không thể dự thi giảm đáng kể so với kỳ thi năm 2008.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm tồn tại ở một số ít Hội đồng coi thi như còn hiện tượng thiếu đề thi ở phòng thi nên phải sử dụng đề dự phòng của Hội đồng coi thi. Cơ sở vật chất cho tổ chức thi còn chưa được chuẩn bị tốt nên chậm khắc phục được những trường hợp bất thường xảy ra như mất điện không đảm bảo ánh sáng, mưa gió lớn làm ướt giấy thi.

Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng “xả phao” sau mỗi buổi thi. Một số giám thị còn chưa nắm vững quy chế và nghiệp vụ thi. Vì vậy, để bảo đảm các buổi thi còn lại tiếp tục an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã ký công văn hỏa tốc gửi Trưởng Ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành; GĐ các sở GD-ĐT yêu cầu Ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, đặc biệt là các Hội đồng coi thi phát huy những ưu điểm; biểu dương kịp thời những cá nhân và tập thể làm tốt; phê bình, rút kinh nghiệm để khắc phục ngay đối với những việc làm chưa tốt.

Chiều nay các thí sinh bước vào môn thi thứ 4, môn Vật lý. Thời gian làm bài là 60 phút.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bệnh nhân H1N1 đầu tiên ở VN đã khỏi  (03/06/2009)
Tăng học phí, nhưng phải tiết kiệm  (03/06/2009)
Triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm A/H1N1  (03/06/2009)
Việt Nam đạt 8 mục tiêu quan trọng  (03/06/2009)
Cho phép doanh nghiệp khai thác được chuyển vàng sơ chế về Việt Nam  (02/06/2009)
Lo tác động đến thị trường bất động sản  (02/06/2009)
Thi tốt nghiệp THPT năm 2009: Đề thi môn văn hay  (02/06/2009)
Thị trường vàng gần như tê liệt bất chấp giá tiếp tục leo thang  (02/06/2009)
Việt Nam lần đầu tổ chức tuần lễ biển, đảo  (02/06/2009)
Hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp  (02/06/2009)
Ngày mai (2.6), thi tốt nghiệp THPT: Những điều cần biết khi “vượt vũ môn”  (01/06/2009)
Việt Nam phát hiện thêm 2 người nhiễm cúm A/H1N1  (01/06/2009)
Bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan tới 75 năm là quá dài!  (01/06/2009)
Vì sao thời trang Quảng Châu tràn ngập TPHCM?  (01/06/2009)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN - Hàn Quốc  (01/06/2009)