|
Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. |
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ kết thúc chiều 3-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan ngay cả khi kinh tế tháng 5 tiếp tục đà hồi phục tích cực nhất kể từ đầu năm đến nay.
Bởi lẽ cuộc khủng hoảng toàn cầu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi đó kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng chậm, chưa vững chắc… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo khủng hoảng kinh tế đã chạm đáy từ tháng 1 và tháng 2 năm nay, giờ là lúc tăng trưởng trở lại.
Những tín hiệu lạc quan
Ngay sau khi phiên họp thường kỳ của Chính phủ kết thúc, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo. Tại đây, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Bộ KH-ĐT) cho biết, khủng hoảng kinh tế đã xuống đáy từ tháng 1 và tháng 2. Từ tháng 3 đến nay, tình hình kinh tế tiến triển ngày càng tốt hơn. Về sản xuất công nghiệp, tháng 1 và 2 đạt mức thấp nhất, tháng 3 đã tăng 2,4% (so với tháng 2), mức tăng liên tục hai tháng tiếp theo lần lượt là 5,4% vào tháng 4 và 6,8% vào tháng 5. Nông nghiệp tiếp tục cho thấy những dấu hiệu khả quan với sản lượng lúa vụ đông xuân ở miền Nam đạt xấp xỉ mức kỷ lục của năm 2008. Dự kiến năm nay cả nước xuất khẩu được 4,5-5 triệu tấn gạo.
Tổng doanh thu bán lẻ và kinh doanh dịch vụ cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Tính chung 5 tháng, lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu trừ đi yếu tố trượt giá, mức tăng thực về lượng là hơn 8%. Đây là chỉ số rất tích cực về sức mua của thị trường Việt Nam giữa lúc tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng như vậy. Vận tải tháng 5 tiếp tục tăng, nhưng không nhiều. Bưu chính viễn thông tăng trưởng khá với hơn 90 triệu máy điện thoại, tương đương mỗi người dân có hơn 1 máy điện thoại. Do giá dầu tăng trở lại nên thu ngân sách nhà nước cũng ngang bằng với cùng kỳ năm 2008.
Tuy nhiên xuất nhập khẩu vẫn còn rất khó khăn. Xuất khẩu tháng 5 đã tăng so với tháng 4, nhưng tổng kim ngạch 5 tháng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2008 đến 6,8%. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu giảm đến 37%. Nhập siêu 5 tháng chỉ vào khoảng 5%, nguyên nhân do chúng ta xuất khẩu một lượng rất lớn vàng và đá quý (khoảng 3,5 tỷ USD), nên nếu trừ lượng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, mức nhập siêu sẽ tăng lên trên 18%. Chính phủ dự tính sẽ kiểm soát mức thâm hụt thương mại cả năm khoảng 20%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,44% so với tháng 4 và tăng 2,12% so với tháng 12-2008. Tính chung 5 tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,58% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 19,09%). Chính phủ xác định sẽ khống chế chỉ số này khoảng 6% khi kết thúc năm 2009.
Kết luận phiên họp thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp của Chính phủ, theo sát tình hình và có phản ứng phù hợp, kịp thời...
Chưa tái cấu trúc nền kinh tế
Trả lời báo chí về việc xây dựng đề án tái cấu trúc nền kinh tế, ông Bùi Hà cho biết, Bộ KH-ĐT đã được Chính phủ giao nghiên cứu đề án này, nhưng tại phiên họp thường kỳ tháng 4, Thủ tướng nhận định tình hình kinh tế có nhiều ẩn số, việc lập đề án này cần có tầm nhìn sâu rộng và thận trọng trong các bước đi. Đề án cần gắn với xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2011-2015. Hiện nay, Viện Nghiên cứu kinh tế TƯ đã được giao nghiên cứu xây dựng đề án này.
Giải đáp về vấn đề đấu giá trái phiếu chính phủ và giải ngân nguồn vốn này quá chậm, ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, không phải phiên đấu giá trái phiếu chính phủ nào cũng đều không thành công. Việc đấu giá sẽ tiếp tục được xem xét để nâng cao hiệu quả, tuy nhiên sẽ được kiểm soát để tránh tạo sức ép lãi suất lên thị trường tiền tệ. Việc giải ngân nguồn vốn còn chậm sẽ được rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Liên quan đến vấn đề tài chính, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao và báo cáo hằng tuần về tổng phương tiện thanh toán để có điều chỉnh lãi suất phù hợp.
Cũng theo ông Trần Văn Hiếu, để hạn chế tình trạng tăng giá sữa quá cao hiện nay, Bộ Tài chính đang cùng các bộ, ngành liên quan tính toán để đưa mặt hàng này vào nhóm các mặt hàng thiết yếu có điều chỉnh và bình ổn giá.
. Theo HNM |