|
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, TPHCM, phát biểu tại hội trường. |
Sáng nay, 4.6, QH thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010. Nhiều ĐBQH kiên quyết yêu cầu các cơ quan xây dựng luật đảm bảo thời hạn trình dự án luật đúng quy định để QH có đủ thời gian thẩm tra, xem xét.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), ĐB Danh Út (Kiên Giang) nêu ví dụ: “Tối 27.5 các ĐBQH mới nhận được dự thảo Luật sửa đổi bổ sung các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, sáng hôm sau Chính phủ trình - mà đó lại là dự thảo luật thông qua tại một kỳ họp - là không ổn”.
ĐB Chu Sơn Hà thẳng thắn: “Nhiều cơ quan cứ “đặt gạch, xếp chỗ” như trong thời kỳ bao cấp, nhưng rồi không có khả năng hoàn thành dự án luật, lại xin rút. Tiêu biểu là dự án sửa 3 luật thuế, được bổ sung ngay trước khi kỳ họp QH bắt đầu, giờ lại xin rút khỏi chương trình kỳ họp”.
Đây cũng là quan điểm của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng). Bà Thúy yêu cầu phân công các cơ quan xây dựng luật hợp lý hơn, tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan, ảnh hưởng đến chất lượng chuẩn bị luật.
Liên quan đến các dự án luật cụ thể, đại đa số ý kiến phát biểu tại nghị trường sáng nay yêu cầu Chính phủ đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh, trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và Luật Ngân sách nhà nước. “Những tồn tại trong hai luật này gây bức xúc rất lớn trong nhân dân, vậy mà việc ban hành luật sửa đổi đã “lỗi hẹn” tới hai lần”, ĐB Danh Út bình luận.
Các văn bản pháp quy khác được các ĐBQH chờ đợi là Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính... và đặc biệt là Luật Tổ chức QH, Bầu cử QH và HĐND các cấp để kịp thời phục vụ công tác bầu cử vào tháng 5.2011.
Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị bổ sung Luật Báo chí (sửa đổi) vào chương trình để QH xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 7. ĐB cũng tỏ ra lo ngại về tình hình sử dụng tiếng Việt một cách tùy tiện, lai căng trong xã hội hiện nay và đề xuất QH có chủ trương xây dựng, ban hành Pháp lệnh ngôn ngữ văn tự hoặc Pháp lệnh về tiếng Việt.
Có ý kiến đề nghị bổ sung Luật Thủ đô vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2010, song cũng có ý kiến cho rằng, những vấn đề dự kiến điều chỉnh trong Luật này hầu hết đã có trong các văn bản pháp quy khác, vì vậy việc xây dựng luật là chưa thật sự cần thiết.
. Theo SGGP |