|
Chuẩn bị thuốc để phát cho bệnh nhân diện BHYT tại Bệnh viện Nhân dân 115. |
Ngày 4.6, thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các ĐBQH cho rằng luật này sẽ góp phần đẩy mạnh xã hội hóa, tạo ra môi trường bình đẳng giữa các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) của Nhà nước với cơ sở KCB tư nhân. Tuy nhiên, một số quy định cần được xem xét kỹ để khi triển khai có thể nâng cao được chất lượng KCB, đồng thời tránh được cơ chế “xin - cho”.
Cần cấm bác sĩ nhận “hoa hồng”
“Một số quy định vẫn loay hoay với cái cũ, không có tính đột phá và định hướng cho nền y tế” – ĐB Trần Hoàng Thám (TPHCM) nhận xét. Còn ĐB Nguyễn Việt Dũng (TPHCM) đề nghị, luật cần phải bổ sung quy định cấm bác sĩ nhận “hoa hồng” khi môi giới bán thuốc.
Ngoài ra, ĐB Nguyễn Huy Cận (TPHCM) đề cập tới tình trạng khá phổ biến hiện nay là bác sĩ vừa khám bệnh, vừa kê đơn bán thuốc, thậm chí khi bán thuốc bác sĩ còn lột hết nhãn thuốc, tránh trường hợp để bệnh nhân biết tên thuốc, sử dụng hết sẽ ra hiệu thuốc mua mà không mua của bác sĩ khám bệnh. “Cần có chế tài cụ thể và nghiêm minh đối với các trường hợp này” – ông Cận kiến nghị.
Một số ĐBQH cho rằng, luật phải quy định về quyền được bồi thường của bệnh nhân khi bác sĩ để xảy ra sai sót, vì “đó là quyền rất quan trọng, thực tế đã có nhiều trường hợp bác sĩ bỏ quên dao, kéo trong bụng bệnh nhân sau khi mổ” - ĐB Nguyễn Việt Dũng nói.
Thực tế còn có nhiều trường hợp người dân bị bệnh nặng cần phải cấp cứu ngay, nhưng khi vào bệnh viện, bác sĩ vẫn yêu cầu phải có mặt người nhà và phải nộp tiền mới chữa bệnh. Điều này khiến ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Quảng Ngãi) bức xúc: “Phải có chế tài thật nghiêm đối với bác sĩ từ chối cứu người”.
Tránh cơ chế “xin - cho”
Một quy định mới trong dự thảo luật là cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Giấy phép này có giá trị 5 năm đối với bệnh viện và 3 năm đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. Chậm nhất là 3 tháng trước khi hết hạn, nếu muốn tiếp tục hoạt động thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải làm thủ tục đề nghị gia hạn tại Bộ Y tế hoặc Sở Y tế đã cấp.
Một số ĐBQH băn khoăn: rất nhiều bệnh viện nhà nước đã và đang hoạt động trong mấy chục năm qua, vậy việc cấp mới giấy phép hoạt động và cứ 5 năm 1 lần lại phải xin cấp giấy phép, liệu có hình thức hay không? Và trên thực tế, một số cơ sở KCB nhà nước chưa đủ điều kiện, liệu có được cấp giấy phép hay không, ví dụ hiện nay gần 60% bệnh viện công không có hệ thống xử lý nước thải, nhiều bệnh viện huyện miền núi thiếu bác sĩ trầm trọng, nhiều trạm y tế xã không đạt chuẩn...
ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM) cho rằng, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thì phải được cấp phép mới hoạt động, còn đối với y tế nhà nước thì bản thân quyết định thành lập cũng là cấp phép rồi. Vì thế, “không nên đặt vấn đề đã có quyết định thành lập rồi mà vẫn phải xin cấp phép”. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng cho rằng, quy định như vậy là không phù hợp.
Cần ưu tiên sửa đổi Luật Đất đai
Tại phiên họp sáng 4.6, nhiều ĐBQH đề nghị các cơ quan soạn thảo luật nghiêm túc thực hiện các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quy trình, thời hạn trình thẩm tra, phê duyệt các dự án luật. Có ý kiến ĐBQH cho rằng, cần ưu tiên cho những dự án luật giải quyết bức xúc lớn nảy sinh trong thực tế như Luật Đất đai (sửa đổi), Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Bảo hiểm tiền gửi, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Quảng cáo… chứ không nên “chia đều cho các bộ ngành hoặc chọn luật dễ làm trước”.
Tham dự phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (ĐBQH tỉnh Quảng Bình) giải thích thêm: “Chính phủ rất quyết tâm cải tiến công tác chuẩn bị luật, pháp lệnh trình QH. Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về tăng cường trách nhiệm của các cơ quan được giao xây dựng luật”.
Riêng về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mà rất nhiều ĐBQH mong muốn sớm ra đời, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: “Những vướng mắc lớn nhất trong lĩnh vực này, gây bức xúc trong nhân dân lại nằm ở những nghị định hướng dẫn thi hành, chứ không phải trong nội dung luật. Do đó, Chính phủ cho rằng, trước mắt nên tập trung sửa các nghị định hướng dẫn. Dự kiến, nghị định sửa đổi sẽ được Chính phủ thông qua trong tháng 6 hoặc tháng 7 tới. Sau khi thực hiện một thời gian, có tổng kết, đánh giá thực tiễn mới luật hóa (theo hướng sửa đổi toàn diện) thì hợp lý hơn. Như vậy, dự kiến dự án luật sẽ được trình tại kỳ họp đầu tiên của QH khóa XIII”. |
. Theo SGGP |