Mọi thành phần kinh tế đều được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông
15:2', 5/6/ 2009 (GMT+7)

Nên có quy định DN phải bồi thường cho người dùng nếu cung cấp dịch vụ kém chất lượng - ẢNh: ITC News

Hai dự luật đáng chú ý được Chính phủ trình Quốc hội sáng ngày 5.6 là Dự án Luật Viễn thông và Dự án Luật Tần số vô tuyến điện. Các dự án luật này được đánh giá là đưa ra nhiều chính sách mới thúc đẩy năng lực cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên thị trường viễn thông.

Mở cho mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông

Trong tờ trình về Dự án Luật Viễn thông, Chính phủ cho biết, sau một thời gian triển khai các quy định về viễn thông, đặc biệt khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông năm 2002 đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp. Vì vậy, việc xây dựng Luật Viễn thông là hết sức cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với sự thay đổi của thị trường, công nghệ và luật pháp chung nhằm tiếp tục tạo điều kiện và thúc đẩy ngành viễn thông phát triển.

Kể từ năm 2000, thị trường viễn thông Việt Nam ngày càng  mang tính cạnh tranh cao hơn và có những thay đổi lớn, công nghệ mới được áp dụng nhanh, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, giá cước ngày càng hạ, doanh số ngành viễn thông (năm 2008: trên 90.000 tỷ VNĐ) tăng với tỷ lệ khoảng 30% năm, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước (năm 2008: trên 11.000  tỷ VNĐ). Đồng thời nhiều doanh nghiệp hạ tầng mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã được cấp phép (tính đến hết năm 2008 đã có 10 doanh nghiệp hạ tầng mạng và hơn 60 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép). Số lượng thuê bao điện thoại, Internet phát triển nhanh chóng (năm 2008: hơn 70 triệu thuê bao điện thoại và  hơn 20 triệu người sử dụng Internet).

Dự thảo Luật Viễn thông mà Chính phủ trình gồm 6 chương, 66 điều, trong đó có một số nội dung quan trọng như: mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế trong kinh doanh viễn thông, đặc biệt là đối với lĩnh vực thiết lập hạ tầng mạng, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa và tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động viễn thông.

Cụ thể, dự thảo Luật Viễn thông quy định, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo pháp luật Việt Nam đều được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như thiết lập hạ tầng mạng viễn thông (Khoản 2 và Khoản 3 Điều 14); Giao Thủ tướng Chính phủ, tuỳ theo từng thời kỳ, quyết định việc Nhà nước tiếp tục nắm quyền kiểm soát thông qua việc nắm cổ phần chi phối trong một số doanh nghiệp viễn thông chủ lực (VNPT; VIETTEL...) có tầm quan trọng đặc biệt đối với toàn bộ mạng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước (Khoản 1 Điều 19); Xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các mạng viễn thông chuyên dùng phục vụ chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trên cơ sở bóc tách rõ chức năng phục vụ chính trị với sản xuất kinh doanh để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong quá trình mở cửa thị trường (Khoản 4 Điều 27). Đây là các yếu tố quan trọng để thúc đẩy đa sở hữu trong các doanh nghiệp viễn thông và hình thành một thị trường viễn thông được mở cửa cạnh tranh hoàn toàn, bình đẳng và đúng pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết của Việt Nam trong WTO, nhưng vẫn giữ được vai trò kiểm soát, điều tiết của nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động viễn thông.

Dự thảo luật cũng quy định theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động quản lý viễn thông. Trong đó, yêu cầu phải minh bạch và công khai hóa việc cấp phép viễn thông, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm thông qua việc bỏ bớt các thủ tục về đăng ký, thẩm tra dự án đầu tư (Khoản 4, 5 Điều 20), danh mục các dịch vụ Nhà nước quy định giá cước, chuyển từ  việc cấp chứng nhận sang tự công bố chất lượng dịch vụ... Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp về các nội dung nghiệp vụ chuyên sâu về thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông sẽ là người trọng tài công khai, minh bạch theo đúng thông lệ quốc tế và cam kết gia nhập WTO của Việt Nam.

Việc áp dụng cơ chế thị trường cũng sẽ được thể hiện trong quản lý tài nguyên viễn thông. Việc phân bổ tài nguyên viễn thông, đặc biệt là đối với các băng tần số mang tính thương mại cao sẽ được thực hiện chủ yếu thông qua các hình thức thi tuyển, đấu giá (Khoản 2 Điều 51 dự án Luật Viễn thông). Nhà nước cũng cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng tài nguyên viễn thông có được thông qua đấu giá (Điều 52 dự án Luật Viễn thông); thực hiện đền bù khi Nhà nước giải phóng tài nguyên viễn thông theo quy hoạch (Điều 53 dự án Luật Viễn thông).

Dự thảo luật cũng dành một chương cho các quy định nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh viễn thông cạnh tranh công bằng, minh bạch, công khai. Riêng đối với việc đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực viễn thông, dự án Luật quy định áp dụng theo lộ trình Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO.

Nên có quy định DN phải bồi thường cho người dùng nếu cung cấp dịch vụ kém chất lượng

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Viễn thông cơ bản nhất trí với những căn cứ về sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1), đa số ý kiến của Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Viễn thông. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong hoạt động viễn thông, bên cạnh việc đầu tư, xây dựng, kinh doanh viễn thông thì việc khai thác, sử dụng dịch vụ viễn thông là một phần quan trọng. Do đó, để đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này đề nghị bổ sung quy định về việc “khai thác, sử dụng” vào Điều 1 “Phạm vi điều chỉnh” của dự thảo Luật.

Có ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh cần thể hiện mối quan hệ giữa Internet và viễn thông trên khía cạnh hạ tầng kỹ thuật. Ủy ban KH,CN&MT cho rằng để Luật được toàn diện hơn, cần chỉnh sửa Điều 1 theo ý kiến nêu trên và làm rõ mối quan hệ giữa Internet và viễn thông.

Về quản lý tài nguyên viễn thông, một số ý kiến cho rằng phổ tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông, tên miền Internet, địa chỉ Internet là dạng tài nguyên viễn thông hữu hạn, quý hiếm, mang tính thương mại cao cần có sự quản lý thống nhất.

Có ý kiến cho rằng vì tài nguyên viễn thông là một loại tài sản thuộc sở hữu Nhà nước nên cần chỉnh sửa lại nội dung của khoản 2 Điều 53 cho phù hợp với pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản Nhà nước.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần bổ sung những quy định cụ thể hơn về điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ thông tin di động được cung cấp số thuê bao điện thoại di động (SIM), cũng như quy định hoạt động kinh doanh số thuê bao điện thoại này là hoạt động kinh doanh có điều kiện nhằm giảm số thuê bao ảo và quản lý được các số thuê bao trên mạng.

Về phân bổ tài nguyên viễn thông, Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, trên thế giới đã áp dụng nhiều phương thức như phân bổ trực tiếp, đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tài nguyên viễn thông. Tuy nhiên, đây là một vấn đề mới ở nước ta, việc đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tài nguyên viễn thông phụ thuộc vào giá trị của tài nguyên đó trong từng thời kỳ cụ thể. Vì vậy, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy việc áp dụng phương thức đấu giá, thi tuyển như quy định tại Điều 51 của dự thảo Luật là phù hợp.

Các quy định về cạnh tranh và các quy định nhằm phát triển thị trường viễn thông trong dự thảo Luật là tương đối đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần rà soát, chỉnh lý các quy định trong dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện tham gia phát triển dịch vụ viễn thông cũng như trách nhiệm đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ đối với khách hàng. Cần thể hiện rõ hơn quy định tại Điều 19 về sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, Điều 22 về tập trung kinh tế trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, làm rõ cơ sở quy định về thời hạn của giấy phép viễn thông, quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp giấy phép viễn thông (Điều 38); trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xác định giá cước viễn thông (Điều 60)....

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban cũng đề cập đến việc bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông; về đo lường, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động viễn thông.

Thực trạng hiện nay cho thấy nhìn chung chất lượng mạng viễn thông chưa cao, đặc biệt là khâu truy cập của mạng viễn thông chưa được thiết kế tối ưu, chưa có chiến lược quy hoạch phát triển lâu dài. Xu hướng khai thác lợi nhuận ngắn hạn các tài nguyên trên mạng viễn thông và Internet của quốc gia đang gây ảnh hưởng đến sự phát triển về chất lượng, do đó cần ban hành các quy định về tiêu chuẩn chất lượng mạng viễn thông, tiêu chuẩn dịch vụ viễn thông.

Có ý kiến cho rằng, tại Điều 16 (Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông) nên bổ sung quy định doanh nghiệp phải bồi thường cho người sử dụng dịch vụ viễn thông nếu làm phương hại đến lợi ích của họ do chất lượng dịch vụ không đảm bảo, do bị gián đoạn dịch vụ hay các lý do khác, tương tự như quy định người sử dụng phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông tại điểm e khoản 2 Điều 18.

Một số ý kiến đề nghị cần tách các quy định về quyền lợi và quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông cũng như người sử dụng dịch vụ viễn thông cho rõ ràng.

Về xử lý vi phạm trong hoạt động viễn thông, Ủy ban KH, CN&MT nhận thấy phần lớn các vi phạm trong hoạt động viễn thông như trộm cắp sóng viễn thông, cáp viễn thông, lắp đặt trái phép các thiết bị viễn thông... là loại hành vi mới, có sử dụng công nghệ cao. Do vậy, đề nghị trong dự thảo Luật cần có các quy định, chế tài xử lý loại hành vi này hoặc dẫn chiếu các điều khoản trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các luật, văn bản pháp luật khác có liên quan.

Liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về viễn thông, có nhiều luồng ý kiến khác nhau nhưng đa số thành viên Ủy ban đề nghị cần có điều riêng quy định rõ hơn về vai trò, vị trí và chức năng của cơ quan này để nâng cao tính khả thi của Luật và phù hợp với yêu cầu của WTO về việc thành lập cơ quan chuyên ngành quản lý viễn thông độc lập.

Tần số vô tuyến điện: Cấp phép qua đấu giá hoặc thi tuyển

Dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện gồm 8 chương, 48 điều. Một số nội dung mới quan trọng trong dự thảo Luật là: Quy định có tính nguyên tắc về Cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng tham mưu và thực thi quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện trên phạm vi cả nước; giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan này (khoản 4, điều 7). 

Dự thảo quy định hai hình thức cấp phép mới, đó là đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ (đối với những băng tần có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng đáp ứng) để từng bước thiết lập phương thức cấp phép tần số dựa theo cơ chế thị trường thay vì việc cấp phép theo cơ chế “cấp – phát”, “đến trước - cấp trước” như trước đây. Với các hình thức cấp phép này sẽ cho phép lựa chọn những doanh nghiệp có khả năng khai thác, sử dụng một cách tốt nhất phổ tần số vô tuyến điện, mang lại lợi ích tối đa cho người tiêu dùng và toàn thể cộng đồng.

Với những đối tượng được cấp phép thông qua hình thức đấu giá tần số thì được phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ nhằm bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng. Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể về băng tần được đem ra đấu giá quyền sử dụng.

Dự luật cũng quy định trách nhiệm của tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng tần số vô tuyến điện về việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn bức xạ điện từ, đồng thời quy định trách nhiệm của nhà nước về xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn bức xạ điện từ (điều 15). Đây là vấn đề đang được xã hội rất quan tâm, vì vậy mặc dù nó thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng cũng cần có những quy phạm cụ thể hơn trong luật chuyên ngành. Dự thảo luật quy định cách thức quản lý cơ bản vấn đề đảm bảo an toàn bức xạ điện từ thông qua ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu kiểm định đối với các đài vô tuyến điện.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tần số vô tuyến điện của Ủy ban KH, CN&MT cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Tần số vô tuyến điện là cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng tần số VTĐ.

Về cơ bản, nội dung của dự thảo Luật có tính khả thi cao, đã tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước về tần số VTĐ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tình hình phát triển đất nước, các quy định của dự thảo Luật đã giải quyết phần lớn các vấn đề bất cập của pháp luật trong lĩnh vực tần số VTĐ.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1), ý kiến chung đều tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, mục tiêu của Luật này là điều chỉnh việc quản lý, khai thác, sử dụng, phân bổ tần số, băng tần VTĐ đối với các thiết bị phát, thiết bị thu - phát được sử dụng trong các nghiệp vụ thông tin VTĐ, chứ không phải đối với tất cả các loại thiết bị thu, phát VTĐ được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dân dụng.

Ủy ban KH,CN&MT thống nhất, tần số VTĐ không chỉ sử dụng cho các thiết bị thông tin VTĐ mà còn sử dụng cho các thiết bị khác như thiết bị điều khiển từ xa cho các máy công nghiệp, thiết bị cho trò chơi có điều khiển VTĐ, vô tuyến truyền hình, máy thu thanh, thiết bị kết nối không dây FM, Bluetooth v.v. Các loại thiết bị này có khả năng gây nhiễu cho các hệ thống thông tin VTĐ, có thể bị kẻ xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Việc quản lý các thiết bị VTĐ phải đảm bảo thống nhất với quy định của liên minh viễn thông quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bao gồm về thuật ngữ, quy trình quản lý, biện pháp xử lý kỹ thuật, giải quyết tranh chấp chủ quyền về tần số trong các hoạt động của mọi đối tượng sử dụng. Vì vậy, cần phải thống nhất quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý có thể thực hiện dưới các hình thức khác nhau.

Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện (Điều 5), đa số ý kiến tán thành với các nội dung đã quy định. Nhưng Ủy ban cũng đề nghị nên bổ sung các giải pháp hỗ trợ việc khai thác và sử dụng tần số VTĐ cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đồng thời cần thể hiện rõ những hoạt động Nhà nước ưu tiên sử dụng tần số VTĐ phục vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích công cộng...

Liên quan đến đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (khoản 3, Điều 18), dự thảo Luật quy định việc áp dụng phương thức đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ đối với các băng tần số, kênh tần số có giá trị thương mại cao, khi nhu cầu đăng ký sử dụng vượt quá khả năng phân bổ các băng tần số, kênh tần số đó và giao Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể về băng tần đấu giá, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể các băng tần được đem ra thi tuyển và quy định cụ thể về đấu giá, thi tuyển. 

Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, đấu giá quyền sử dụng tần số VTĐ là một vấn đề mới, việc đấu giá hay thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ đối với các băng tần, kênh tần phải phụ thuộc vào giá trị của nó ở từng thời kỳ cụ thể. Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi của Luật, dự thảo Luật cần quy định theo hướng cho phép áp dụng phương thức đấu giá trong cấp giấy phép quyền sử dụng tần số, còn việc áp dụng với băng tần nào, kênh tần số nào, vào thời điểm nào thì sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định để linh hoạt với từng thời kỳ cụ thể.

Về phí, lệ phí tần số vô tuyến điện (Điều 31), có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quản lý tần số VTĐ phải theo chính sách quản lý tài nguyên quốc gia; nghĩa là nếu coi tần số VTĐ là tài nguyên, thì sử dụng nó phải đánh thuế giống các dạng tài nguyên khác như đất đai, nước, khoáng sản... Có ý kiến đề nghị bỏ khoản 2 của điều này vì kinh phí cho việc quản lý tần số VTĐ là từ ngân sách nhà nước và do Nhà nước quy định. Mọi khoản thu được đều phải nộp vào ngân sách nhà nước. Nếu giữ lại một phần kinh phí có thể phát sinh bộ máy, và cũng có thể sử dụng không đúng, không hiệu quả nguồn kinh phí này.

Loại ý kiến thứ ba, đồng ý với quy định của dự thảo Luật, nhưng cần thiết phải có quy định quản lý chặt chẽ kho tần số để hạn chế việc đầu cơ tần số, đăng ký dải tần mà không đưa vào khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả.

Đa số thành viên Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, phổ tần số là tài nguyên viễn thông nhưng không phải có sẵn để khai thác sử dụng được ngay mà chỉ sử dụng được thông qua các ứng dụng công nghệ và hoạt động quản lý. Việc sử dụng tần số VTĐ không thể quy thành sản lượng thương phẩm khai thác để tính thuế. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng không quy định về thuế tài nguyên tần số mà chỉ quy định phí sử dụng tần số. Vì vậy, dự thảo Luật chỉ cần quy định về phí tần số và các nguyên tắc xác lập phí sử dụng tần số là phù hợp, không cần thiết phải quy định “một phần phí sử dụng tần số VTĐ được dùng để bù đắp những chi phí cho công tác quản lý tần số VTĐ” (khoản 2).

Ủy ban cũng đề nghị cần bổ sung, làm rõ một số quy định trong dự thảo Luật như: Điều 19 “Những hành vi bị nghiêm cấm” còn chung chung; Chương II “Quy hoạch tần số vô tuyến điện” là một nội dung rất cơ bản, rất quan trọng của luật nhưng chỉ thể hiện chung chung trong 3 điều là chưa phù hợp; Khoản 1, Điều 18 về việc cấp phép tần số VTĐ quy định thông qua 4 hình thức (cấp trực tiếp, cấp thông qua thi tuyển, cấp thông qua đấu giá, cấp theo các hình thức khác) nhưng chưa rõ điều kiện với từng trường hợp cụ thể để đảm bảo tính khả thi của Luật....

. Theo HNM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều nước đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người  (05/06/2009)
Phát hiện thêm hai mẹ con nhiễm cúm A/H1N1  (05/06/2009)
Từ 14.7, dân thành thị sẽ phải nộp phí nước thải  (05/06/2009)
Kết thúc 3 ngày thi an toàn và đúng quy chế  (05/06/2009)
Nâng chất lượng, tránh “xin - cho”  (05/06/2009)
Các ngân hàng tăng lãi suất tiền Việt  (04/06/2009)
Từ ngày 2.7, thêm 4 đường hàng không nội địa mới  (04/06/2009)
Sớm sửa Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước; thông qua Luật Báo chí sửa đổi; xây dựng pháp lệnh về tiếng Việt  (04/06/2009)
Kinh tế Việt Nam tháng 5: Hồi phục tích cực  (04/06/2009)
Tuyến vận tải container trực tiếp đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ  (04/06/2009)
Kỷ luật phòng thi chưa nghiêm  (04/06/2009)
Hơn 170 câu chất vấn chờ Chính phủ  (04/06/2009)
Không thể biện minh cho việc quản lý lỏng lẻo  (03/06/2009)
Gần 4.500 thí sinh bỏ thi trong ngày đầu tiên  (03/06/2009)
Thí sinh: đề môn Địa lý dài và dễ  (03/06/2009)