Cần cấm hàng hóa chứa formaldehyde
10:3', 8/6/ 2009 (GMT+7)

Ông Hồ Tất Thắng

Từ sữa có melamine, xăng pha acetone, nay là quần áo, đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc chứa chất formaldehyde ở ngưỡng nguy hiểm... các cơ quan nhà nước đều phải đợi được thông báo mới biết.

Gặp gỡ đầu tuần với Tuổi Trẻ, TS Hồ Tất Thắng - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - cho rằng trước vụ việc quần áo chứa chất formaldehyde, các cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền ban hành quyết định cấm ngay các mặt hàng có chứa chất này.

Ông Hồ Tất Thắng cho biết: - Có thể thấy hàng nhái, đặc biệt là hàng kém chất lượng, thời gian qua được nhập vào VN không ít, từ vải, quần áo, đồ chơi đến hoa quả, thịt gia súc gia cầm, hàng tiêu dùng... nhưng việc phòng chống của chúng ta luôn trong tình thế bị động. Sữa có melamine, vải, quần áo, đồ chơi... nếu phía Trung Quốc không phát hiện chắc ta không thể biết. Mà đã bị động, để hàng hóa kém chất lượng tràn vào rồi thì việc thu hồi, hạn chế nó gây tác hại cực khó, chỉ mang tính tuyên truyền là chính.

* Một trong những lý do hay được đưa ra lý giải hàng kém chất lượng vẫn vào được VN là chúng ta đang thiếu những tiêu chuẩn chất lượng. Điều này có đúng?

 

Quần áo trẻ em sản xuất tại Quảng Đông, Trung Quốc đang bày bán tại chợ An Đông, Q.5, TP.HCM

 

- Tôi có thể khẳng định các tiêu chuẩn tổng thể, mang tính định hướng VN không thiếu. Các tiêu chuẩn quốc gia đối với vải, đồ chơi trẻ em hay xăng dầu, thực phẩm, sữa... đều đã có. VN đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn trong vòng 40 năm nay và hiện chúng ta đã có 6.000-7.000 tiêu chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên, cần hiểu rằng hệ thống tiêu chuẩn đó chỉ mang tính định hướng. Các nguyên liệu, phụ kiện, phụ gia được các nhà sản xuất cho vào sản phẩm luôn biến đổi, như người ta có thể pha melamine vào sữa để tăng độ đạm, pha acetone vào xăng để tăng trị số octan hay dùng formaldehyde để thay chất làm mềm vải... nhưng họ cũng có thể dùng một chất khác. Vì vậy tiêu chuẩn kỹ thuật không thể dự đoán, đưa tất cả mức cho phép của các hóa chất vào một sản phẩm.

Khi Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được ban hành đã quy định rõ các vấn đề cụ thể liên quan đến vệ sinh an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì các bộ, ngành sẽ phải ban hành các “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”. Đây mới chính là hàng rào kỹ thuật mà các nước vẫn sử dụng để bảo vệ lợi ích quốc gia và người tiêu dùng. Quy chuẩn này quy định cụ thể mặt hàng A có yêu cầu chất lượng ra sao, độ an toàn đến đâu... Nên có thể khẳng định tiêu chuẩn ở VN không thiếu mà thiếu thực thi, cụ thể hóa nó và thiếu quy chuẩn kỹ thuật cho các mặt hàng cụ thể.

* Việc lập hàng rào kỹ thuật đã được nói đến nhiều nhưng ở VN rất chậm?

- Đúng vậy, các quy chuẩn kỹ thuật do các bộ ngành ban hành hiện nay còn rất ít. Việc xây dựng một quy chuẩn ở VN có thể mất 1-2 năm vì phải qua trình tự, thủ tục nhất định, phải lấy ý kiến, thẩm tra, ký duyệt, ban hành. Nhưng theo tôi, VN có thể học kinh nghiệm ban hành các quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật của nhiều nước.

Ví dụ trước vụ việc như quần áo chứa chất formaldehyde, chúng ta có quyền ban hành quyết định cấm ngay các mặt hàng như vải, quần áo, đồ chơi có chứa chất fomaldehyde, yêu cầu các nhà cung cấp Trung Quốc phải có kiểm định, công bố hoặc chứng nhận mới được xuất sang VN. Tất nhiên, ngoài việc chờ nước ngoài phát hiện, ta nên tự kiểm định để phát hiện, cấm những mặt hàng có hóa chất độc hại. Như thế sẽ ngăn ngừa được từ xa cho người dân.

 

Người tiêu dùng chọn mua quần áo có xuất xứ từ Trung Quốc tại chợ An Đông, TP.HCM (ảnh chụp chiều 7.6)

 

* Vấn đề là hiện ít cơ quan nào chủ động lấy mẫu đi phân tích?

- Chúng ta vẫn biết các nước họ kiểm soát hàng nhập khẩu rất chặt chẽ. Các cơ quan chức năng của họ luôn công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn và đúng là vấn đề nằm ở chỗ họ có những cơ quan chuyên trách, tập trung và thường xuyên kiểm tra, kiểm soát.

Tại VN, Chính phủ đã quy định trách nhiệm kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhiều bộ khác nhau. An toàn thực phẩm do Bộ Y tế; nhãn, chất lượng hàng hóa có Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học - công nghệ rồi Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, hải quan cũng có trách nhiệm liên quan. Lĩnh vực kiểm dịch động thực vật liên quan đến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn... Nghĩa là khi một doanh nghiệp nhập khẩu đi khai báo họ sẽ phải qua nhiều cơ quan. Nhưng chúng ta lại chủ yếu kiểm tra trên hồ sơ. Mà kiểm tra qua hồ sơ thì khó lòng phát hiện hàng kém chất lượng.

* Như vậy, để ngăn được hàng kém chất lượng từ nước ngoài vào VN, chỉ còn cách các cơ quan nhà nước phải năng động và có trách nhiệm hơn?

- Với hàng nhập khẩu, VN đã quy định rõ mặt hàng nào phải kiểm tra, ai kiểm tra, căn cứ kiểm tra là gì... Nhưng nếu kiểm tra chủ yếu là thẩm định hồ sơ như hiện nay sẽ khó có hiệu quả.

Theo tôi, cần quy định những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm có nguy cơ cao thì dứt khoát phải kiểm tra, thử nghiệm mẫu nhằm phát hiện, ngăn ngừa nguy cơ. Hiện người tiêu dùng băn khoăn rất lớn tại sao hoa quả nhập để mấy tháng vẫn tươi, băn khoăn đó cần được giải thích rõ chứ? Có rất nhiều cái khác nhưng chúng ta vẫn bỏ ngỏ. Hành động các cơ quan chức năng vẫn thiên về giải quyết tình thế, như việc vải, đồ chơi trẻ em có chất độc hại khi mọi người biết cả rồi mới thúc giục đi kiểm tra. Như vậy hàng đã vào, người dân đã mua, hiệu quả của kiểm tra khó lòng cao được.

* Thật ra tiền kiểm, hậu kiểm nên thế nào cứ hỏi các nhà xuất khẩu VN sẽ biết ngay vì họ bị đối tác nước ngoài kiểm soát rất chặt?

- Hiện các nước chủ yếu tập trung kiểm tra ngay tại nước xuất khẩu để giảm chi phí. Khi VN xuất thủy sản, nhiều nước cử người sang kiểm tra điều kiện an toàn vệ sinh sản xuất, nguồn nước, chất lượng nguyên liệu, đủ điều kiện họ mới đưa vào danh mục được xuất khẩu. Họ còn ủy quyền một đơn vị của VN có đủ uy tín thay họ kiểm tra lô hàng xuất khẩu. VN nên làm như vậy.

Phía Trung Quốc cũng hay yêu cầu hàng hóa VN, như thủy sản sang họ phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, có xuất xứ hàng hóa, tại sao VN lại không công bố những tiêu chuẩn, quy chuẩn và yêu cầu tương tự với hàng Trung Quốc? Tất nhiên, việc tiền kiểm này không loại trừ được nguy cơ từ hàng nhập lậu. Nhưng ít nhất với việc kiểm tra như thế, chúng ta biết được loại hàng nào, của những nhà nhập khẩu nào đạt chuẩn để khuyến cáo người dân không dùng hàng không rõ nguồn gốc. Hiện người dân không phân biệt được hàng chính ngạch, hàng lậu hơn nhau ra sao nên hàng không rõ nguồn gốc vẫn tiêu thụ tốt.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên:

Nếu dựng hàng rào, hàng VN bị tác động đầu tiên

Khi gia nhập WTO, VN có quyền lợi và nghĩa vụ xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa sản xuất trong nước cũng như hàng nhập khẩu.

Và theo cam kết gia nhập WTO thì bất cứ tiêu chuẩn nào chúng ta đưa ra đều phải mang tính chất không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, ví dụ áp dụng với quần áo sản xuất tại VN như thế nào thì áp dụng với quần áo nhập khẩu như thế. Ngược lại áp dụng với quần áo nhập khẩu như thế nào thì quần áo VN sản xuất cũng phải phù hợp các tiêu chuẩn như thế. Đây là thực tế rất khó trong quá trình thực hiện, hiện nay Bộ Công thương, Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Y tế và các bộ ngành hữu quan đang xử lý.

Trình độ sản xuất, điều kiện sản xuất và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của chúng ta đang đối mặt, nhiều khi kém xa các nước trên thế giới, nên nếu dựng lên một hàng rào thì hàng VN bị tác động đầu tiên chứ không phải hàng nhập khẩu.

Chúng tôi đi theo hướng tăng cường quản lý hàng hóa nhập khẩu theo các thể chế mà chúng ta đã ban hành. Trước đây chúng ta có quyết định 50 của Thủ tướng về việc kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi nhập khẩu, ví dụ xăng dầu, bình gas... Hiện quyết định 50 đã được thay thế bằng các văn bản hướng dẫn Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo đó các bộ, ngành cùng phối hợp với Bộ Khoa học - công nghệ xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm được sản xuất và nhập khẩu phù hợp với quy định của VN. Bộ Công thương cũng đang xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn đối với các mặt hàng mà bộ quản lý. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa có thể gọi là “hàng rào” áp dụng chung cho hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu. Việc đưa ra tiêu chuẩn như thế nào phải cân nhắc hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, người sản xuất và trình độ của nền sản xuất VN.

 

Chưa kiểm soát hàm lượng chất độc trong nhiều sản phẩm

Trên thị trường thế giới, sau hàng thực phẩm, hàng dệt may thuộc số mặt hàng chịu sự giám sát chặt chẽ về các yêu cầu an toàn sức khỏe cho người sử dụng. Theo ông Nguyễn Văn Thông - viện trưởng Viện Dệt may VN, hiện không chỉ các nước mà những nhà bán lẻ hoặc các nhà nhập khẩu hàng dệt may lớn đều có danh mục các hóa chất bị cấm hoặc giới hạn nồng độ cho phép trong sản phẩm dệt may. Hàng dệt may VN xuất khẩu sang các nước khác đều phải tuân thủ các quy định trên, phải có chứng chỉ hoặc phiếu kết quả thử nghiệm chứng minh sự tuân thủ các yêu cầu về chất lượng sản phẩm.

Danh mục chất bị cấm của các nước và nồng độ cho phép có thể khác nhau, nhưng hầu như trong danh sách “đen” cấm được sử dụng của các nước đều có thể tìm thấy ở các loại thuốc nhuộm Azo, thuốc nhuộm nghi gây ung thư, thuốc nhuộm phân tán gây dị ứng da... Trong khi đó, hàng dệt may VN sử dụng tại thị trường nội địa lẫn nhập khẩu vẫn chưa có quy chuẩn hàng rào kỹ thuật nào trong lĩnh vực này. “Chưa có sự phân công rõ ràng cơ quan nào chịu trách nhiệm ban hành các quy định này, mặc dù Viện Dệt may hoàn toàn có đủ năng lực và điều kiện để xây dựng các quy chuẩn” - ông Thông khẳng định.

Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, cho biết ngành giày sử dụng rất nhiều loại nguyên liệu mà các nhà nhập khẩu kiểm soát rất chặt chẽ về hàm lượng hóa chất độc hại có trong da, PU, keo dán, đế giày...Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy chuẩn nào để kiểm soát hàm lượng hóa chất có trong sản phẩm giày dép nhập khẩu vào VN. Ông Hồ Đắc Lam, phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN, cũng khẳng định các sản phẩm tiêu dùng có sử dụng nhựa plastic đến nay vẫn chưa có quy định tiêu chuẩn rõ ràng về hàm lượng chất độc hại trong sản phẩm. Các chất phụ gia cho sản xuất nhựa có nhiều chất độc hại, như chất ổn định PVC có chứa kim loại nặng, hiện vẫn được nhập và sử dụng bởi chưa có quy định nào nói rằng không cho sử dụng.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
7 bộ trưởng sẽ đăng đàn tuần này  (08/06/2009)
Khẩn trương kiểm tra chất lượng quần áo, đồ chơi ngoại nhập   (07/06/2009)
Lăng Cô lọt vào danh sách “Vịnh đẹp thế giới”   (07/06/2009)
Vn-Index tiến gần mốc 500 điểm, giao dịch sôi sục   (07/06/2009)
Kỷ niệm lần thứ 98 ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước  (05/06/2009)
Mọi thành phần kinh tế đều được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông  (05/06/2009)
Nhiều nước đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người  (05/06/2009)
Phát hiện thêm hai mẹ con nhiễm cúm A/H1N1  (05/06/2009)
Từ 14.7, dân thành thị sẽ phải nộp phí nước thải  (05/06/2009)
Kết thúc 3 ngày thi an toàn và đúng quy chế  (05/06/2009)
Nâng chất lượng, tránh “xin - cho”  (05/06/2009)
Các ngân hàng tăng lãi suất tiền Việt  (04/06/2009)
Từ ngày 2.7, thêm 4 đường hàng không nội địa mới  (04/06/2009)
Sớm sửa Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước; thông qua Luật Báo chí sửa đổi; xây dựng pháp lệnh về tiếng Việt  (04/06/2009)
Kinh tế Việt Nam tháng 5: Hồi phục tích cực  (04/06/2009)