Dự án dùng một luật để sửa 6 luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (ĐTXDCB) được Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp toàn thể sáng nay, 8.6.
Đa số các ý kiến phát biểu tại hội trường đồng tình với việc ban hành luật để giải quyết kịp thời những vướng mắc trong lĩnh vực ĐTXDCB, song vẫn phân vân về phạm vi sửa đổi quá rộng của dự án luật cũng như thời gian quá gấp gáp của công tác soạn thảo và thẩm định văn bản pháp quy này.
Xuất phát từ thực tế đó, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị một cách làm khác: “Đề nghị QH ra nghị quyết sửa đổi 6 luật này, cho phép thực hiện, rồi giao cho Chính phủ nghiên cứu kỹ, sửa tách riêng từng luật, tránh sửa đi sửa lại nhiều lần, phá vỡ tính hệ thống của các văn bản luật”. Bà Loan nhấn mạnh, dự thảo luật phải rất chi tiết để đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu. “Thế nào là “gói thầu có tính chất bí mật quốc gia hoặc mang tính chất cấp bách? Làm rõ mới tránh được tình trạng tránh dán mác “cấp bách” để sử dụng quyền chỉ định thầu chia nhau dự án”, ĐB thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
ĐB Nghiêm Vũ Khải (Điện Biên) thì đặc biệt quan tâm tới việc sửa Luật Bảo vệ môi trường tại luật này (theo hướng báo cáo đánh giá tác động môi trường có thể trình duyệt cùng lúc với báo cáo khả thi dự án, cũng có nghĩa là báo cáo khả thi có thể được duyệt, giấy phép đầu tư có thể được cấp trước khi báo cáo tác động môi trường được duyệt). Ông Khải bình luận: “Bề ngoài thì có vẻ thuận cho doanh nghiệp, nhưng thực ra lại tạo ra nguy cơ, rủi ro cho DN và toàn xã hội nhiều hơn! Quy định như thế này còn dung dưỡng thói quen xấu “làm trước báo cáo sau”.
Liên quan đến nội dung sửa đổi các điều của Luật Đất đai và Luật Nhà ở, có ý kiến ĐBQH cho rằng, đây là việc QH đã quyết định chủ trương từ lâu, mấu chốt nằm ở khâu triển khai. “Vấn đề chỉ là hai Bộ Xây dựng và Tài nguyên phải thống nhất thực hiện, không cần đưa vào luật. Khi sửa toàn diện Luật Đất đai ta đưa nội dung này vào”, ĐB Trần Văn Hùng (Hưng Yên) nói. Đây cũng là quan điểm của ĐB Phùng Văn Toàn (Phú Thọ): “Trong kỳ họp này có tới 2 luật sửa đổi một số điều của Luật Đất đai và Nhà ở. Xé lẻ ra để sửa trong các luật khác nhau như thế sẽ làm mất tính hệ thống của văn bản luật”.
. Theo SGGP |