* Nhiều ca nhiễm A/H1N1 từ người sang người
* Việt Nam sắp sản xuất vắc-xin cúm A (H1N1)
|
Một hành khách (82 tuổi, thường trú Q.10, TP.HCM) đi trên chuyến bay VN 740 từ Singapore về sân bay Tân Sơn Nhất bị máy đo thân nhiệt phát hiện sốt cao. Hành khách này được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để cách ly và theo dõi (ảnh chụp lúc 16g ngày 8.6 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) |
Chiều tối 8.6, bác sĩ Nguyễn Văn Châu - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết tại TP.HCM đã có 15 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (trong đó một ca mới có kết quả xét nghiệm dương tính lần 1). Ngoài ra, tại các bệnh viện còn tám trường hợp đang được cách ly, theo dõi chờ kết quả xét nghiệm.
Sáng cùng ngày, Sở Y tế TP đã tổ chức họp khẩn ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1 để triển khai các giải pháp trong tình huống dịch đang có chiều hướng phát sinh, phát triển và lan rộng. Sở Y tế thống nhất kể từ 17g ngày 9.6, Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch sẽ là nơi cách ly kiểm dịch các trường hợp có thân nhiệt cao tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các trường hợp có dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ cúm A/H1N1 khi giám sát tại cộng đồng. Chiều 8.6, Sở Y tế TP tiến hành kiểm tra nơi cách ly kiểm dịch (quy mô 50 giường bệnh) tại BV Phạm Ngọc Thạch và ghi nhận BV đáp ứng được các điều kiện cần thiết.
Tại cuộc họp báo trưa cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Văn Châu cho biết đã xác định 5-6 trường hợp đi cùng chuyến bay UA869 bị nhiễm cúm A/H1N1. Chuyến bay này có 293 hành khách, trong đó 210 người đến TP.HCM. Sở Y tế TP và các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện tiếp cận được 111 hành khách đi cùng chuyến bay và thực hiện tư vấn, tiến hành xử lý môi trường, cấp hóa chất khử khuẩn và các phương tiện phòng ngừa cho gia đình, đồng thời thực hiện giám sát tất cả các người thân trong gia đình. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Văn Châu, không thể kiểm soát được 100% hành khách đi cùng chuyến bay với người bệnh do địa chỉ bị sai, hoặc hành khách đi nơi khác ở... Cho nên sở chỉ có thể thông báo chuyến bay có bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 để các hành khách khác biết và tự cách ly, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cộng đồng.
Chiều cùng ngày, Sở Y tế có công văn gửi các đơn vị liên quan về việc triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng chống dịch cúm A/H1N1. Theo công văn này, kể từ hôm nay 9.6 hành khách đến từ các vùng có dịch bắt buộc phải khai tờ khai y tế màu đỏ và phiếu đăng ký theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú ở TP.HCM.
* Ngày 8.6, báo Bangkok Post xác nhận Thái Lan có ca nhiễm cúm A/H1N1 thứ chín. Nhưng đáng chú ý hơn là ca nhiễm thứ tám trước đó, một thanh niên 19 tuổi chưa hề ra nước ngoài được khẳng định đã nhiễm virus cúm A/H1N1. Các bác sĩ cho rằng anh này bị nhiễm cúm sau khi tiếp xúc với mẹ, người bị nhiễm virus khi từ Mỹ trở về.
Cùng ngày, AP đưa tin tại New Zealand, giám đốc Cơ quan Y tế công cộng Mark Jacobs cũng xác nhận trường hợp nhiễm cúm của một bé trai 7 tuổi chưa từng ra nước ngoài, bị lây bệnh từ cha cũng từ Mỹ trở về. Cơ quan y tế ở nhiều nước cũng xác nhận đã xuất hiện những ca nhiễm cúm “nội địa”, tức là người bị nhiễm chưa hề tới vùng được xác định là có dịch, mà chỉ tiếp xúc với những người trở về từ đó.
Trước đó ngày 7.6, Reuters cho biết một người đàn ông Chile 56 tuổi có tiền sử bệnh tim ở phía nam thành phố Osorno đã qua đời vì cúm A/H1N1. Đây là người thứ hai ở khu vực Nam Mỹ tử vong vì loại dịch cúm đã làm thiệt mạng 125 người trên toàn thế giới. Cùng ngày, Tân Hoa xã dẫn lời các quan chức y tế Trung Quốc thông báo nước này đã có thêm tám người bị xác nhận nhiễm virus, nâng tổng số người nhiễm cúm A/H1N1 lên 80 người ở đại lục.
Tổ chức Y tế thế giới khẳng định lại rằng loại virus cúm mới này là kết hợp của các chủng virus cúm từ heo, chim và người, đã lây nhiễm cho gần 22.000 người ở 69 quốc gia khác nhau.
* Việt Nam sắp sản xuất vắc-xin cúm A (H1N1)
Với virus cúm A (H1N1), Việt Nam cũng có thể sản xuất được vắc-xin vì quy trình sản xuất các loại vắc-xin cúm về cơ bản là giống nhau. Trong tuần này, khả năng chủng giống virus A(H1N1) đầu tiên sẽ về đến Việt Nam và các nhà sản xuất trong nước có thể bắt tay vào sản xuất.
Việt Nam đang có và lưu hành nhiều chủng virus cúm gồm: cúm mùa, cúm A (H5N1) và mới đây nhất là dịch cúm A (H1N1).
Sự tồn tại cùng lúc của nhiều chủng virus cúm này dẫn đến một nguy cơ: virus cúm A(H1N1) có thể kết hợp với virus cúm A(H5N1) để tái tổ hợp thành một chủng virus mới có độc lực cao hơn.
Do đó, việc chủ động sản xuất, cung ứng vắc-xin phòng bệnh cho người dân là rất cần thiết, nhất là trong tình hình dịch cúm A(H1N1) đang diễn biến phức tạp tại khu vực phía Nam.
Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến thời điểm này, đã có ít nhất 30 nhà sản xuất trên thế giới đã bắt tay vào sản xuất vắc-xin cúm A(H1N1), nhưng chưa có nước nào sản xuất thành công.
Việt Nam mới chỉ sản xuất được và đưa vào thử nghiệm lâm sàng vắc-xin cúm A(H5N1), còn vắc-xin cúm mùa chủ yếu phải nhập khẩu.
Tuy nhiên, các nhà chuyên môn khá lạc quan về khả năng sản xuất vắc-xin cúm A(H1N1) của Việt Nam, vì quy trình sản xuất các loại vắc-xin cúm về cơ bản là giống nhau.
TS Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Công ty Văc-xin và sinh phẩm số 1 cho biết: “Trong tuần này, khả năng chủng giống virus A(H1N1) đầu tiên sẽ về đến Việt Nam và các nhà sản xuất trong nước có thể bắt tay vào sản xuất”.
Trong giai đoạn đầu, loại vắc-xin này chỉ được sản xuất cho công tác y tế dự phòng. Nếu mọi chuyện thuận lợi thì khoảng 2 năm tới mới có thể sản xuất dịch vụ, với giá thành dự kiến sẽ khá cao.
WHO và các tổ chức y tế quốc tế sẵn sàng giúp đỡ, liên hệ và cung cấp miễn phí các chủng giống virus A(H1N1) cho nhà sản xuất ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, WHO còn liên hệ với các nước tiên tiến, kêu gọi nhà sản xuất ở các nước này sẵn sàng chia sẻ vắc-xin để cung cấp cho các nước nghèo trong trường hợp cần thiết.
Ông Jean Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cam kết: “WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam sản xuất vắc-xin phòng chống cúm gia cầm A(H5N1) cũng như các cúm khác, đặc biệt là cúm A(H1N1)”.
Theo ông Olivé, hiện nay Việt Nam đã có các cơ sở sản xuất vắc-xin cúm gia cầm nhưng cần đạt được các tiêu chuẩn ở mức cao hơn.
. Theo TTO,VNN |