|
Nhiều ĐBQH đề nghị miễn học phí cho bậc học mầm non |
Sáng nay 9.6, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Đức Kiên, QH thảo luận tại hội trường về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục.
Đại biểu (ĐB) Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu ý kiến: “Đồng ý là tăng học phí nhưng tại sao trong thời điểm hiện nay khi kinh tế khó khăn?”. ĐB Nghĩa cho biết, Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục thực chất là tăng học phí, và điều này sẽ tác động đến đời sống của hàng chục triệu hộ gia đình. Theo ĐB Nghĩa, trước khi QH thảo luận tại Hội trường, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) đã yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, Hiệu trưởng của hơn 100 trường ĐH và CĐ gửi văn bản thuyết phục các Đoàn ĐBQH. “Cách làm này thể hiện sự lúng túng, thiếu tự tin của Bộ GD&ĐT trong việc soạn thảo đề án” - ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) bày tỏ: “Nội dung của Đề án thiếu tính khách quan, khoa học và thực tiễn. Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhưng trong các nhóm giải pháp đưa ra thì chủ yếu nhắm vào tăng học phí còn các nhóm giải pháp khác hết sức mờ nhạt”.
ĐB Cuông cho biết thêm, Đề án nói là với mức học phí như dự thảo thì chỉ cần sau khi ra trường ba đến bốn năm là hoàn trả đủ được học phí của cả bốn năm học. Nhưng Bộ đã quên rằng ngoài học phí thì trong bốn năm học ĐH, sinh viên phải chi trả rất nhiều khoản khác, mỗi tháng lên tới 2 triệu đồng/sinh viên.
ĐB Võ Đình Tuyến (Bình Phước) cho rằng khung học phí mà Đề án đưa ra là quá cao, quá sức chịu đựng của người dân. ĐB Tuyến nhấn mạnh: “Lý do mà Đề án đưa ra để tăng học phí tôi cho là chưa thuyết phục. Về trượt giá, đâu chỉ có giáo dục mới chịu tác động, mà học sinh và gia đình học sinh cũng chịu tác động hết sức nặng nề”.
ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) lên tiếng: “Việc quản lý thu nhập hiện nay chưa tốt, tính toán thu nhập bình quân của hộ gia đình khó chính xác, nên việc xác định mức học phí 6% thu nhập của người dân là không đảm bảo được công bằng”. Thêm nữa, ĐB Thanh cũng cho rằng: “Quy định như vậy không khuyến khích được các trường đại trà nâng cao chất lượng, chưa công bằng giữa các trường đạt chuẩn với những trường đại trà. Các trường chuẩn quốc gia sẽ quá tải, dẫn đến tiêu cực”.
Về mức học phí không quá 6% thu nhập, ĐB Thanh cho là cao, và đề nghị: “mức học phí không quá 5% thu nhập của người dân”.
ĐB Phùng Văn Toàn (Phú Thọ) tiếp lời: “6% để làm căn cứ miễn giảm nhưng quy định về thủ tục hồ sơ thì rất phức tạp, dễ nảy sinh tiêu cực”.
ĐB Phan Thị Mỹ Bình (Tuyên Quang) cho biết, Đề án yêu cầu phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương về mức thu nhập để được miễn, giảm học phí nhưng thực tế việc xin xác nhận của địa phương về mức thu nhập là không dễ, dẫn đến tình trạng nể nang.
Cùng với ĐB Bình, nhiều ĐB khác đề nghị miễn học phí cho bậc học mầm non.
Các ĐBQH cũng cho rằng, Đề án đưa ra mức học phí của trung cấp nghề và cao đẳng nghề như nhau là không hợp lý. ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho biết: “Việc cào bằng giữa hai đối tượng này không khuyến khích được việc phân luồng, không khuyến khích được học sinh đi học nghề”.
ĐB Huỳnh Nghĩa chốt: “Ngoài học phí, khi Đề án này được thông qua thì Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có dám hứa với QH, với cử tri là không thu thêm bất kỳ một khoản nào nữa không, tình trạng học thêm có chấm dứt không?”.
. Theo TNO |