Bộ Tài chính và Bộ Công Thương vừa ban hành thông tư liên tịch 111/2009/TTLT/BTC-BCT quy định cán bộ, công chức, viên chức lãng phí điện phải bồi thường.
Cụ thể hơn, nếu do thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng quy định sử dụng điện, cơ quan phải xác định rõ cán bộ, công chức, viên chức gây lãng phí điện và yêu cầu bồi thường. Hai bộ tin tưởng, quy định này là một trong những biện pháp được áp dụng để thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
Một văn bản quy phạm pháp luật chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó đi vào đời sống xã hội. Muốn các quy định của pháp luật đi vào đời sống thì chính nó phải phù hợp với thực tiễn, không phải là bằng ý chí của người soạn thảo. Trên thực tế, có nhiều nghị định, thông tư, thậm chí là luật đã bị phá sản ngay sau khi ban hành. Trên tinh thần đó, thử phân tích thông tư liên tịch vừa nêu trên.
Trước hết xin đặt vấn đề, một cơ quan nhiều người sử dụng điện, làm sao xác định được một người lãng phí cụ thể để bắt buộc người đó chịu trách nhiệm bồi thường. Lãng phí là một khái niệm rất trừu tượng, rất khó định lượng mức độ thiệt hại. Khái niệm đó còn được gắn thêm một khái niệm trừu tượng khác nữa là "thiếu tinh thần trách nhiệm" trong sử dụng điện thì càng khó đo đếm được.
Trong trường hợp sử dụng điện của một cơ quan, sự xác định thiệt hại do lãng phí điện trên từng cá nhân cũng là việc hết sức khó khăn. Sự lãng phí tồn tại trong một cơ quan, mỗi cá nhân đều có thể là người gây ra lãng phí, hành vi đó kéo dài thường xuyên ngày này qua tháng khác. Trong trường hợp số lượng điện sử dụng tại một cơ quan quá cao so với mức tiêu thụ đã đăng ký, việc truy tìm người lãng phí, định lượng lãng phí bao nhiêu kWh điện để bắt bồi thường là điều khó thực hiện.
Thông tư là một văn bản dưới luật, nó không phải là một khẩu hiệu tuyên truyền đọc qua rồi thôi. Văn bản pháp luật chỉ có uy lực khi được cuộc sống tiếp nhận bởi tính thuyết phục của từng nội dung quy định và cao nhất là làm cho cuộc sống con người ổn định hơn, xã hội tiến bộ hơn.
Đối với thông tư liên tịch 111, chắc chắn là rất khó áp dụng để bắt ai bồi thường được, lúc đó thì quy định của pháp luật lại trở thành tờ giấy vô nghĩa.
. Theo Lao Động |