Báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm
14:55', 10/6/ 2009 (GMT+7)

Hiện chỉ có khoảng 20% diện tích trồng cây ăn quả đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Sáng nay (10.6), Quốc hội (QH) nghe Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH Đặng Vũ Minh trình bày.

Báo cáo giám sát cho biết, hiện nay mỗi năm nước ta sản xuất 11,5 triệu tấn rau các loại, nhưng diện tích đủ điều kiện để trồng rau an toàn mới chỉ đạt 8,5% diện tích rau cả nước, diện tích trồng cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20%. Ở một số thành phố lớn như TP.HCM cũng chỉ kiểm soát được 20 – 30% nhu cầu rau xanh của thành phố.

Kết quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên rau, quả tại các chợ đầu mối, các siêu thị, các vùng sản xuất tại TP Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh lân cận trong năm 2008 cho thấy, trong 412 mẫu rau các loại được kiểm tra phát hiện 48 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn tối đa cho phép (chiếm 11,65%), 1 mẫu có dư lượng thuốc BVTV cấm sử dụng Endosunfal (chiếm 0,2%); trong 99 mẫu quả được kiểm tra có 15 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn tối đa cho phép (chiếm 15,15%). Theo báo cáo của 22 tỉnh, thành, với 11.716 mẫu kiểm tra thì tồn dư hóa chất trong rau quả năm 2008 chiếm 7,08%, và đây là mức cao nhất trong 4 năm gần đây.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát mới đạt 58,1%. Số lượng cơ sở giết mổ đạt tiêu chuẩn ngày càng giảm, cụ thể là giai đoạn 2004 – 2006 có 61,8 cơ sở giết mổ đạt yêu cầu nhưng đến giai đoạn 2007 – 2008 thì số cơ sở đạt tiêu chuẩn giảm xuống còn 51,8%. Báo cáo giám sát cũng cho biết, một số hoóc môn tăng trưởng như Salbutamol và Clenbuterol là chất cấm sử dụng do có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng vẫn còn tồn dư trong thịt. Năm 2008, số mẫu thịt và sản phẩm thịt tươi sống có tồn dư hóa chất chiếm tới 11,08%, là mức cao nhất trong 5 năm gần đây. “Đây là vấn đề rất cần được quan tâm” - Chủ nhiệm Đặng Vũ Minh nhấn mạnh.

Việc quản lý nhập khẩu thực phẩm qua đường tiểu ngạch; phát hiện, phòng chống buôn lậu chưa được kiểm soát chặt chẽ. Qua khảo sát thực tế tại một số cửa khẩu, Đoàn giám sát cho biết, tình trạng chung là trang thiết bị phục vụ kiểm nghiệm còn thiếu và lạc hậu, thiếu các phương tiện kiểm tra cơ động, thiết bị kiểm tra nhanh. Việc kiểm tra chủ yếu dựa vào cảm quan.

Đoàn giám sát nhận xét: “Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP mới đạt 11,2%”. Ngoài ra, Trưởng đoàn giám sát Đặng Vũ Minh còn lo lắng về lượng tồn dư thuốc kháng sinh, các chất độc hại khác như melamine, chất độc do vi khuẩn thải ra trong sữa.

Báo cáo giám sát cũng chỉ ra, đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, mới chỉ có 6,1% cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.

Phó trưởng đoàn đại biểu (ĐB) QH Trà Vinh Dương Kim Anh và ĐB Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đồng thanh lên tiếng: “Vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động”. Trước những số liệu của Đoàn giám sát đưa ra, ĐB Kim Anh cho biết, bà thực sự lo lắng cho mỗi bữa ăn của người dân. Trong kỳ họp thứ 4, khi nói về trách nhiệm của ngành trong lĩnh vực quản lý chất lượng VSATTP, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, quy trình đảm bảo VSATTP từ vườn lên bàn ăn là trách nhiệm của nhiều bộ, nhưng đăng đàn ngày hôm nay 10.6, ĐB Kim Anh lại không đồng tình với lập luận của Bộ trưởng, và khẳng định: “Trách nhiệm về vấn đề này là Bộ Y tế’.

ĐB Đặng Thị Nga (Lâm Đồng) cho biết, để xảy ra tình trạng báo động về chất lượng VSATTP là do chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, trong khi đó địa phương là nơi nắm rõ nhất các cơ sở vi phạm. ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) tiếp lời: “Phải có quy định về trách nhiệm của địa phương về vấn đề này”. Ngoài ra, theo ĐB Hoa, còn đưa ra một nguyên nhân khác là do chế tài xử phạt thấp. “Mức phạt thấp nên người vi phạm sẵn sàng chịu nộp phạt để tồn tại” – ĐB Hoa nói. ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) bức xúc trước tình trạng làm theo chiến dịch, trong khi VSATTP lại là vấn đề ngày nào cũng phải quan tâm. “Mỗi năm có một tháng VSATTP, tháng VSATTP thì tập trung vào làm, hết tháng thì thôi” – ĐB Sinh lên tiếng.

. Theo TNO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hàng trái cây xuất sang Trung Quốc: Nguy cơ ứ đọng vì chưa rõ thủ tục  (10/06/2009)
Giá xăng dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít  (10/06/2009)
Vẫn còn 6-7 đợt nắng nóng gay gắt  (10/06/2009)
Lãng phí thông tư  (09/06/2009)
Giá xăng dầu trong nước điều chỉnh theo nguyên tắc thị trường  (09/06/2009)
GDP dự kiến tăng 6,5-7% trong năm 2010  (09/06/2009)
Nắng nóng gay gắt ở cả 3 miền-Nhiều người đổ ra biển, trẻ nhập viện tăng  (09/06/2009)
Chưa phải là thời điểm thích hợp để tăng học phí  (09/06/2009)
Đã tăng lên 15 người nhiễm cúm A/H1N1  (09/06/2009)
Tẩy chay trà xanh 0 độ, Number one, Dr.Thanh...  (08/06/2009)
Các nhà tài trợ đồng hành cùng Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội  (08/06/2009)
VN-Index vượt mốc 500 điểm  (08/06/2009)
Tránh dán nhãn “cấp bách” để xin chỉ định thầu  (08/06/2009)
Đề nghị Trung Quốc không cản trở ngư dân Việt Nam  (08/06/2009)
Đề nghị Trung Quốc không cản trở ngư dân Việt Nam  (08/06/2009)