|
Hệ thống kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay đặt trong tình trạng báo động. |
Theo kết quả xét nghiệm bước đầu tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, một bệnh nhân sinh sống tại Hà Nội, vừa bay từ Mỹ trở về, có kết quả dương tính với cúm A/H1N1.
Chiều 10.6, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho biết, Viện đã chuyển mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân trên về Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, sau bốn giờ nhận mẫu, sẽ khẳng định chính xác người này có mắc cúm A/H1N1.
Nếu kết quả xét nghiệm của Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định kết quả dương tính, thì đây là bệnh nhân đầu tiên ở khu vực phía Bắc nhiễm cúm A/H1N1.
Được biết, bệnh nhân là nam thanh niên 27 tuổi, sinh sống tại Hà Nội. Sau 11 ngày tham quan nhiều thành phố ở Mỹ, anh này trở về Việt Nam trong chuyến bay số K681 của hãng Hàng không Hàn Quốc ngày 5.6.
Ngày 9.6, bệnh nhân có biểu hiện sốt, nên đến Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia khám bệnh. Kết quả xét nghiệm ban đầu tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho thấy, bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1.
Ngay sau đó, bệnh nhân được điều trị, theo dõi và cách ly theo quy định. Hiện, sức khỏe bệnh nhân tương đối ổn định, nhiệt độ cơ thể là 37,5 độ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn yêu cầu Cục y tế Dự phòng Việt Nam khẩn trương khoanh vùng, giám sát những người liên quan đến bệnh nhân trên, ngăn không cho dịch lan rộng.
19 ca nhiễm cúm A/H1N1 ở TPHCM
Chiều 10.6, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa xác nhận thêm hai ca nhiễm cúm A/H1N1, nâng số bệnh nhân nhiễm cúm tại đây lên 19 người.
Hai trường hợp nhiễm cúm mới nhất là chị V.T.T.A, 45 tuổi, đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và bé P.N.N, sáu tuổi, đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch ngày 9/6, cũng đang được cách ly điều trị.
Trước đó, bệnh nhi N đi chuyến bay UA 869, từ Mỹ, quá cảnh tại Hồng Kông, đến sân bay Tân Sơn Nhất vào 22 giờ 46 phút ngày 9.6. Ngay sau đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông báo những hành khách đi cùng chuyến bay này tự cách ly, mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.
Nếu thấy sức khỏe bất thường, có thể thông báo cho các cơ sở y tế hoặc gọi điện đến đường dây nóng của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh: (08) 39 309981 để được hướng dẫn.
Cũng trong ngày 10.6, qua kiểm tra thân nhiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên y tế phát hiện tám hành khách có thân nhiệt cao trên 38 độ C. Các trường hợp này đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và Bệnh viện Nhi Đồng 1, chờ kết quả xét nghiệm.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nếu trên 50 ca nhiễm cúm A/H1N1, có thể áp dụng phương pháp mới, không xét nghiệm 100% các ca nghi ngờ nhiễm cúm, chỉ xét nghiệm một số lượng nhất định để thấy xu hướng của bệnh.
Những trường hợp nhiễm cúm nặng, mới đến điều trị tại bệnh viện, còn nhẹ có thể tự điều trị tại nhà.
Đồng thời, cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh của người dân, yêu cầu thực hiện các biện pháp vệ sinh theo khuyến cáo của ngành y tế.
Trong cuộc họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng nay, Việt Nam đề nghị được cung cấp thường quy các kinh nghiệm phòng chống cúm của các nước trên thế giới.
Theo ông Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh: Trong năm chuyến bay có bệnh nhân nhiễm cúm đầu tiên, có khoảng 900 hành khách đi cùng, nhưng hiện chỉ giám sát được khoảng 300 người. Vì thế, khả năng bệnh lây lan ngầm trong cộng đồng có thể xảy ra.
Một số ca nhiễm cúm tại Việt Nam thời gian qua chỉ có triệu chứng nhẹ, có thể tự khỏi bệnh trong bảy ngày mà không cần điều trị. Điều mà ngành y tế lo lắng hiện nay là sự tái tổ hợp của vi rút, tức sự kết hợp giữa hai đặc tính: sự dễ lây lan của vi rút cúm A/H1N1 và khả năng gây tử vong cao của vi rút cúm A/H5N1.
Cả nước phát hiện 20 ca nhiễm cúm A/H1N1
Chiều 10.6, Tiến sĩ Trịnh Quân Huấn - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống đại dịch cúm ở người.
Tiến sĩ Huấn nhấn mạnh: Số người mắc cúm A/H1N1 trên thế giới đang tăng nhanh, nhất là ở các nước Nam bán cầu.
Tại Việt Nam, tình hình dịch cúm này cũng đang diễn biến nhanh, cơ chế lây bệnh không rõ ràng. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân có vi rút cúm A/H1N1 nhưng không biểu hiện lâm sàng hoặc biểu hiện chậm, khiến công tác giám sát, khoanh vùng ổ dịch khó khăn.
Cùng với đó, nguy cơ vi rút cúm A/H1N1 tái tổ hợp với vi rút cúm A/H5N1, tạo thành chủng vi rút mới có khả năng lây lan nhanh và độc lực cao. Đó là chưa kể đến khả năng kháng thuốc Tamiflu (hiện đang điều trị hết sức hiệu quả với bệnh nhân cúm A/H1N1), trở thành thách thức với công tác phòng chống dịch.
Thứ trưởng Huấn nhận định: Nguy cơ dịch cúm A xâm nhập và lây lan ở cộng đồng rất lớn. Đến nay, dịch cúm A/H1N1 xuất hiện cả ở phía Bắc lẫn phía Nam. Hơn thế, công tác giám sát các hành khách và nguồn lây bệnh từ các vùng có dịch cũng như việc cách ly bệnh nhân đang trở nên quá tải.
Tính đến ngày 10.6, 74 nước, vùng lãnh thổ ghi nhận có bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 với 25.288 trường hợp, trong đó, 139 trường hợp tử vong. |
Tại Việt Nam, cả nước phát hiện 20 ca nhiễm cúm A/H1N1, trong đó tại thành phố Hồ Chí Minh: 19 ca, Hà Nội: một ca.
Tuy nhiên, theo quy định, đến chiều nay, Bộ Y tế mới chính thức ghi nhận 17 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, ba ca còn lại (có thể mắc) đang đợi kết quả xét nghiệm chính thức trong ngày mai.
Hiện, ba người nhiễm cúm A/H1N1 đã khỏi bệnh, trở về gia đình, các trường hợp còn lại tiếp tục điều trị cách ly, sức khỏe hồi phục tốt.
Ấn Độ: Sau khi thử nghiệm bán bảo hiểm thành công cho 5.000 nông dân chỉ trong hai ngày của tháng 5.2009, Tập đoàn Micro Ensure, chuyên cung cấp bảo hiểm cho các cộng đồng nghèo, có kế hoạch ra mắt một chiến dịch quy mô hơn vào năm tới, nhắm đến khoảng 600.000 nông dân ở tỉnh Kolhapur (Ấn Độ) phòng khi mùa màng của họ thất bát do hạn hán hay mưa nhiều trong thời gian cây trái trổ bông.
. Theo TTXVN |