Việt Nam đối phó rất tốt với khủng hoảng kinh tế
9:46', 11/6/ 2009 (GMT+7)

Đó là đánh giá của Đại sứ Anh Mark Kent trong cuộc trả lời phỏng vấn với VOV và khẳng định, Anh muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng một môi trường kinh doanh tốt và minh bạch.

Thực hiện quan hệ đối tác với Chính phủ Việt Nam, thời gian qua, Vương quốc Anh đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội. Nhân Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ vừa được tổ chức tại tỉnh Đắc Lắc, phóng viên VOV thường trú tại Tây Nguyên phỏng vấn ông Mark Kent - Đại sứ Anh tại Hà Nội về những kết quả và triển vọng trong quan hệ đối tác giữa hai nước.

PV: Thưa đại sứ, được biết Vương quốc Anh cam kết viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 250 triệu Bảng trong 5 năm, kể từ năm 2006. Ông có thể cho biết Vương quốc Anh đã hỗ trợ cho Việt Nam trong những lĩnh vực nào?

Đại sứ Mark Kent: Chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam ở rất nhiều lĩnh vực. Hơn một nửa trong số 250 triệu Bảng mà chúng tôi tài trợ được đưa thẳng vào ngân sách. Chúng tôi gọi đó là các khoản hỗ trợ về ngân sách. Chúng tôi cũng chú trọng đến việc hỗ trợ Chính phủ trong vấn đề quản lý tài chính. Chúng tôi hỗ trợ Chính phủ xây dựng một nền quản trị tốt, trong đó bao gồm tăng cường minh bạch và chống tham nhũng.

Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp 10 triệu Bảng Anh một năm cho chương trình giáo dục tiểu học. Chúng tôi cũng có nhiều dự án hỗ trợ trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, chúng tôi dành khoảng 50 triệu Bảng Anh hỗ trợ Chính phủ trong việc phát triển giao thông nông thôn, và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới. Lĩnh vực hỗ trợ cuối cùng là hỗ trợ Việt Nam đương đầu với những thách thức mới, ví dụ như biến đổi khí hậu.

PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả các dự án được tài trợ cũng như là sự phối hợp của các bộ ngành và các địa phương của Việt Nam trong việc thực hiện các dự án này?

Đại sứ Mark Kent: Nhận định đầu tiên của tôi, Việt Nam là một trong những quốc gia rất thành công trong việc thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển, đặc biệt là trong việc đảm bảo các quyền về kinh tế, xã hội của người dân.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng sự phối hợp giữa cấp cơ sở và cấp trung ương còn có thể cải thiện tốt hơn nữa. Có những chính sách do cấp Trung ương đưa ra rất tốt nhưng việc thực hiện ở các địa phương chưa hiệu quả lắm. Ví dụ như việc quà Tết không đến được tay người nghèo như báo chí đăng tin thời gian qua. Vì vậy, điều rất quan trọng cho cả Chính phủ và cả các nhà tài trợ là phải đảm bảo các khoản tiền được sử dụng một cách hiệu quả, không bị mất mát chỉ vì quản lý kém hay tham nhũng.

Chính vì vậy mà tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát việc sử dụng các nguồn lực tài chính cũng như giám sát việc giải ngân của các khoản viện trợ phát triển. Trong lĩnh vực này tôi cho rằng Quốc hội đang đóng vai trò ngày càng quan trọng, bên cạnh đó là các tổ chức xã hội và báo chí.

PV: Kinh tế thế giới hiện đang rơi vào khủng hoảng và Việt Nam đã bị tác động rất lớn. Ông đánh giá thế nào về thực trạng cũng như triển vọng của kinh tế Việt Nam hiện nay?.

Đại sứ Mark Kent: Tôi phải nói rằng chính phủ Việt Nam đã đối phó rất tốt với cuộc khủng hoảng kinh tế này, so với rất nhiều nước có mức thu nhập trung bình ở châu Âu thì Việt Nam đang làm tốt hơn và thậm chí so với cả chính phủ Anh nữa.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy quý 1 năm 2009, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 3,1%, như vậy tốt hơn nhiều so với nhiều nước khác tăng trưởng âm. Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam chính là phải vượt qua cuộc khủng hoảng một cách bền vững. Để đạt được điều này thì Việt Nam phải tiếp tục cải cách và tiếp tục tự do hóa nền kinh tế của mình. Một điều quan trọng là Việt Nam cần phải tiếp tục cam kết trong việc thực hiện những dự án, dù đó là các dự án đầu tư nước ngoài hay là các dự án viện trợ phát triển, bởi vì một khi đẩy mạnh việc thực hiện dự án sẽ giúp kích thích nền kinh tế.

PV: Trong tình hình này thì sự ưu tiên trong hợp tác và hỗ trợ của Vương quốc Anh dành cho Việt Nam sẽ nhằm vào những lĩnh vực nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Mark Kent: Nước Anh và Việt Nam đã thỏa thuận với nhau 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác. Thế nhưng trong thời gian ngắn tới nay, tôi cho rằng hiển nhiên hợp tác trong lĩnh vực kinh tế là vô cùng quan trọng. Trong lĩnh vực kinh tế, chúng tôi chú trọng 3 vấn đề, thứ nhất là hợp tác để đối phó với biến đổi khí hậu, thứ hai là hợp tác để xây dựng nền quản trị tốt, bao gồm xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp và cuối cùng chúng tôi muốn hỗ trợ chính phủ Việt Nam xây dựng một môi trường kinh doanh tốt và minh bạch cho tất cả mọi người.

PV:Xin cảm ơn ngài Đại sứ.

. Theo VOV News

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hà Nội phát hiện bệnh nhân đầu tiên mắc cúm A/H1N1  (11/06/2009)
Tăng giá xăng dầu 1.000 đồng/lít/lần có trái quy định?  (10/06/2009)
Báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm  (10/06/2009)
Hàng trái cây xuất sang Trung Quốc: Nguy cơ ứ đọng vì chưa rõ thủ tục  (10/06/2009)
Giá xăng dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít  (10/06/2009)
Vẫn còn 6-7 đợt nắng nóng gay gắt  (10/06/2009)
Lãng phí thông tư  (09/06/2009)
Giá xăng dầu trong nước điều chỉnh theo nguyên tắc thị trường  (09/06/2009)
GDP dự kiến tăng 6,5-7% trong năm 2010  (09/06/2009)
Nắng nóng gay gắt ở cả 3 miền-Nhiều người đổ ra biển, trẻ nhập viện tăng  (09/06/2009)
Chưa phải là thời điểm thích hợp để tăng học phí  (09/06/2009)
Đã tăng lên 15 người nhiễm cúm A/H1N1  (09/06/2009)
Tẩy chay trà xanh 0 độ, Number one, Dr.Thanh...  (08/06/2009)
Các nhà tài trợ đồng hành cùng Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội  (08/06/2009)
VN-Index vượt mốc 500 điểm  (08/06/2009)