Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tại phiên trả lời chất vấn chiều 11.6.
Chiều 11.6, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (ảnh) tiếp tục phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Tính đến thời điểm trả lời chất vấn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nhận được 70 phiếu yêu cầu trả lời chất vấn của đại biểu và đoàn đại biểu, tập trung vào 22 vấn đề như: Lộ trình tăng giá điện; Xuất nhập khẩu; Quản lý thị trường; Phát triển ngành Công nghiệp… Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã tập hợp các phiếu chất vấn và trả lời 27 câu hỏi của các đại biểu.
Giá điện tăng, người nghèo không “thiệt”
Cơ cấu tổ chức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và lộ trình tăng giá điện được các đại biểu quan tâm nhiều nhất trong phần chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội), Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích rõ hơn về đề án cải cách cơ cấu tổ chức của EVN cũng như lộ trình tăng giá điện, giá điện giờ cao điểm tác động đối với các doanh nghiệp sản xuất, người lao động và công nhân viên chức thu nhập thấp. Các câu chất vấn đã được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời cụ thể.
Về đề án cải cách cơ cấu, tổ chức của EVN, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đã được Bộ Công thương trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội. Việc cải cách này nhằm hướng tới phát triển ngành Điện theo xu hướng cạnh tranh với khu vực và thế giới. Hiện nay, hoạt động của EVN không có dự phòng. Nếu như có sự cố bất thường, ví dụ như đường dây 500kV Bắc - Nam gặp sự cố, thì sẽ xảy ra mất điện liên hoàn. Vì vậy, đề án cải cách cơ cấu, tổ chức của EVN sẽ góp phần khắc phục những sự cố bất thường như trên.
|
Người dân và doanh nghiệp nên tiết kiệm điện ở giờ cao điểm |
Khác với hàng hóa khác, điện năng là sản phẩm hàng hóa có tác động tới đời sống dân cư và sản xuất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Khi xem xét tăng giá điện, Bộ Công thương đã cùng với các Bộ, ngành liên quan xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, giá điện cũ không khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển điện năng vì lợi nhuận rất thấp. Ngoài ra, giá điện thấp sẽ không khuyến khích người dân có ý thức tiết kiệm điện.
Chính phủ lấy năm 2009 là thời gian thích hợp để điều chỉnh giá điện nhằm từng bước xây dựng thị trường cạnh tranh về điện. Tăng giá điện nhưng không ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh… Vì vậy, Bộ Công thương đã đưa ra nhiều mức điện khác nhau, trong đó có mức giá hỗ trợ người nghèo, thu nhập thấp.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, Nhà nước vẫn bù lỗ khi tăng giá điện. Giá điện bậc 1 từ 1-100 KWh là giá bao cấp của Nhà nước. Nhà nước đã bù lỗ khoảng 30% về giá. “Giá điện giờ cao điểm không phải do Bộ Công thương hay ngành Điện lực nghĩ ra mà là do cơ cấu tải điện. Quy định giá giờ cao điểm để bù lỗ cho giờ thấp điểm. Ngoài ra cũng khuyến khích các doanh nghiệp tiết kiệm điện, không nên sử dụng điện ở giờ cao điểm và có kế hoạch sản xuất phù hợp” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Trong năm 2008, việc điều hành, quản lý của Bộ Công thương còn yếu kém nên ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ đã tăng thêm nguồn lực cho các đơn vị, trong đó có ngành Điện nên 5 tháng đầu năm 2009, tình hình cung cấp điện đã được cải thiện nhiều, không xảy ra tình trạng cắt điện trên diện rộng kéo dài mà mất điện chủ yếu là do sự cố về đường dây. Bộ Công thương sẽ có báo cáo về lộ trình thực hiện tăng giá điện ở giờ cao và thấp điểm để trình Chính phủ và Quốc hội xem xét.
Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên cần trình Quốc hội xem xét
Về dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, Điều 2 Nghị quyết 66 của Quốc hội quy định rõ: Quy mô tổng mức đầu tư của dự án quan trọng từ 20.000 tỷ đồng phải trình Quốc hội thông qua nhưng dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên cao hơn 20.000 tỷ đồng lại không thấy Bộ Công thương trình Chính phủ để đưa ra Quốc hội thông qua?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: Dự án quy hoạch, khai thác bô xít đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 167 ngày 1.11.2007, trong đó gồm nhiều dự án như: Khai thác, chế biến bô xít thành aromin; Sản xuất aromin thành nhôm nguyên liệu; Dự án đường sắt từ Tây Nguyên xuống biển… Những dự án này là những dự án độc lập, không phụ thuộc vào nhau. Có những dự án vượt mức 20.000 tỷ đồng nhưng cũng có những dự án dưới 20.000 tỷ đồng, thậm chí dưới 12.000 tỷ đồng. Vì thế, các dự án nhỏ này không cần phải đưa ra Quốc hội.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, những dự án như: Đắk Nông 2, Đắk Nông 3, Đắk Nông 4 khi công suất chế biến từ 1,5-2 triệu tấn aromin/năm, vốn đầu tư có khả năng trên 20.000 tỷ đồng thì chắc chắn Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ để đưa ra Quốc hội xem xét, thảo luận.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, vì đây là dự án có liên quan đến nhiều vấn đề: An ninh quốc phòng, môi trường, phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực Tây Nguyên, nên dự án cần phải trình trước Quốc hội xem xét, thông qua.
Sáng nay (12.6), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
. Theo VOV News |