Liên quan đến việc Trung Quốc gần đây thực hiện lệnh cấm đánh cá tại một số vùng trên biển Đông, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam tại ngư trường truyền thống của Việt Nam, hôm qua (11.6), bên hành lang kỳ họp Quốc hội, báo chí đã có cuộc trao đổi với Đại tướng Lê Văn Dũng (ảnh), Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Đại tướng Lê Văn Dũng nói:
Khi có tranh chấp thì các bên có liên quan nên ngồi lại để bàn, để phân định rõ vùng biên giới. Chỉ trên cơ sở phân định rõ vùng biên giới trên biển thì vấn đề bảo vệ ngư trường, bảo vệ an toàn cho ngư dân mình hoạt động mới thuận lợi. Nếu ra ngoài vùng biển của mình thì không được phép, ví dụ vừa rồi một số tàu đánh cá của Việt Nam bị phía Malaysia bắt, chúng ta phải thông qua đường ngoại giao để đưa ngư dân mình về. Ở đây chính là do đánh bắt cá trên vùng biển chồng lấn, mà chủ yếu là của người ta. Ngư dân mình đi trên biển có thể vô tình mà không biết vùng biển nào của mình, hay là của nước khác.
- PV: Thưa Đại tướng, vậy đối với các vùng biển chắc chắn xác định được chủ quyền như các vùng chung quanh Trường Sa, thì chúng ta có biện pháp gì để bảo vệ ngư dân khai thác?
Đại tướng LÊ VĂN DŨNG: Chúng ta có tàu của lực lượng Cảnh sát biển và tàu Hải quân đi tuần tra trên vùng biển của mình, vừa là cảnh giác với những xâm nhập của tàu lạ hoặc là tàu nước ngoài để kịp thời ngăn chặn, mặt khác cũng là chỗ dựa bảo vệ cho ngư dân trên các vùng biển.
Như trên các vùng biển xung quanh đảo Trường Sa, những đảo mà mình quản lý thì ngư dân đánh cá theo đó rất tốt. Có điều đi ra xa khu vực đó thì cũng khuyên bà con cố gắng liên kết với nhau thành những đội đánh cá mạnh, để rồi chống những hoạt động của tàu nước ngoài, bảo đảm đội hình, bảo đảm an toàn cho ngư dân.
Hải quân đi tuần tra theo vùng biển, chứ không thể đi theo từng tàu, mà ngư dân mình lại không đi thành đoàn mà đánh cá từng tàu. Vậy nên mênh mông trên một vùng biển lớn như thế, mình chỉ bảo vệ vùng biển của mình bằng hoạt động của tàu hải quân và tàu cảnh sát biển trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình.
- Ở vùng biển Hoàng Sa, nơi Việt Nam và Trung Quốc chưa phân định được ranh giới, chúng ta có biện pháp gì mạnh mẽ hơn để bảo đảm được ngư trường cho người dân?
Giải quyết tranh chấp chỗ này phải dựa vào cơ sở đấu tranh trên bàn ngoại giao, thương lượng. Hiện nay đã kết thúc biên giới trên bộ, đã làm xong phân định ranh giới trên vịnh Bắc bộ và xác định khu vực chồng lấn đánh cá chung.
Tới đây Việt Nam cùng với Trung Quốc và một số nước sẽ phân định biên giới trên biển. Việc này phải có thời gian nhưng cũng phải rất quyết liệt mới phân định được…
- Thưa Đại tướng, vậy về phía ngư dân họ phải có giải pháp gì trong việc đánh bắt?
Mình cũng đang động viên bà con mình phải đánh bắt trong ngư trường mà nơi vùng biển mình đã được xác định là điều tốt nhất, cũng không nên sang vùng biển còn đang tranh chấp, mà tranh chấp tương đối căng thẳng, và vùng biển người ta.
- Trường hợp có tàu lạ nước ngoài rượt đuổi ngư dân trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì xử lý thế nào, thưa Đại tướng?
Khi đó có thể ngư dân báo cho lực lượng chức năng hoặc qua hệ thống rađa, hệ thống tàu tuần tiễu của mình trên biển. Như ngoài Trường Sa thường xuyên có một đội tàu để vừa cứu hộ, cứu nạn, nhưng cũng vừa tuần tra, bảo vệ biên giới trên biển.
- Ở vùng biển nào của mình ngư dân có thể hoàn toàn yên tâm khi ra khơi khai thác, và chúng ta có đủ lực lượng bảo vệ?
Yên tâm chứ. Mình đủ sức. Những tàu của ngư dân ta bị bắt vừa qua chủ yếu là ở vùng tiếp giáp, không nhận biết được ranh giới ở vùng biển mênh mông, những tàu mà không đủ trang thiết bị thì có thể đi nhầm qua. Với những nơi ổn định như vùng biển từ Trường Sa kéo về đến mình hoặc xung quanh Trường Sa, rồi vùng biển Nam Côn Sơn thì bà con đánh cá an toàn, yên tâm.
- Xin cảm ơn Đại tướng.
. Theo SGGP |