Sáng nay, Quốc hội bước vào ngày chất vấn thứ hai. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã đăng đàn, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Phối hợp chặt chẽ điều hành xuất khẩu gạo
|
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng |
Nhiều ĐB bày tỏ mối lo về lượng lúa đang tồn đọng rất lớn trong dân. Nông dân không bán được lúa. Rớt giá hàng ngày không có ai mua. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Tôi xin nhận trách nhiệm trước cử tri cả nước, trước QH về công tác tham mưu cho Chính phủ điều hành xuất khẩu gạo. Tuy năm 2009 này chúng tôi đã được đánh giá là có nỗ lực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tiếp tục phải khắc phục để vì lợi ích nông dân, lợi ích quốc gia”.
Về hướng giải quyết lượng gạo hàng hoá còn lớn trong những tháng cuối năm 2009, (còn khoảng 2 triệu tấn trong vu hè thu), Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã bàn và đặc biệt quan tâm đến vấn đề xuất khẩu gạo, vì liên quan trực tiếp đến lợi ích của 70% dân số là người nông dân.
“Hiện nay lượng tồn còn lớn, nhưng khả năng của kho chứa có hạn, dự trữ quốc gia thì đã đủ. Vì vậy, Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ những giải pháp cụ thể, đồng thời tiếp tục xây dựng thêm các kho chứa”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Về cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay, ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng với cơ chế hiện hành, người nông dân được hưởng lãi rất ít. Lại luôn bị động trong việc bán gạo. Nhiều ý kiến cho rằng vì sao xuất khẩu lương thực lại giao thẩm quyền cho Hiệp hội Lương thực? vì thực tế có rất nhiều “trục trặc”.
Về điều này, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ cũng đã bàn và yêu cầu các bộ ngành phải phối hợp chặt chẽ về điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Sẽ phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, Hiệp hội và các Tổng công ty nhà nước. Kinh doanh gạo sẽ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
ĐB Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ) chất vấn việc hàng hoá kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường. Đặc biệt, gần đây thông tin về đồ chơi, quần áo của Trung Quốc bị nghi nhiễm chất độc đang gây hoang mang dư luận, Bộ xử lý ra sao?
“Đây là vấn đề bức xúc. Chúng tôi cũng lo lắng. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành đã rất vất vả kiểm tra nhưng đúng là hiệu quả chưa tốt. Bản thân chúng tôi cũng không hài lòng. Gian lận thương mại vẫn nhiều, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, đến sản xuất trong nước” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cả nước chỉ có 6.000 người quản lý thị trường. Riêng HN, TPHCM đã chiếm 1.000 người. Nhiều tỉnh biên giới chỉ có vài chục người, không thể ngăn chặn tuyệt đối hành vi gian lận thương mại, nhất là buôn lậu.
“Chúng tôi đang xin bổ sung 1.000 người cho lực lượng quản lý thị trường, tăng cường cho các địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tăng cường các công cụ cho lực lượng quản lý thị trường, cũng như tăng cường sự phối hợp các lực lượng chức năng. Một mình ngành công thương không thể lo nổi”, Bộ trưởng phân trần.
Đối với đồ chơi, quần áo Trung Quốc nghi nhiễm chất độc, Bộ trưởng cho biết ngay sau khi có thông tin này, Bộ đã yêu cầu các tỉnh biên giới tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các mặt hàng này.
“Chúng tôi đang bàn với Bộ Y tế kiểm tra các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này để xử lý. Ngoài ra, mong cử tri cả nước giúp Bộ phát hiện những nơi kinh doanh mặt hàng này”, Bộ trưởng kêu gọi, đồng thời thừa nhận, hiện chưa có quy chuẩn để xác định thế nào là hàng nhiễm chất độc. Nguyên nhân là vì có những hoá chất mới mà thiết bị hiện hành chưa phát hiện được.
“Đó là bất cập. Và phải tiến tới xây dựng những hàng rào về kỹ thuật”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chốt lại và không quên kêu gọi bản thân nguời tiêu dùng nên tỉnh táo trong lựa chọn hàng hoá. “Những hàng này giá rất rẻ, thu hút nguời mua, nhưng có thể là hàng kém chất lượng”, Bộ trưởng khẳng định.
Trong sáng nay, vấn đề các hộ dân sống dưới dòng điện cao thế bị ảnh hưởng mà không biết kêu ai cũng được nhiều ĐB nêu ra. "Tôi hứa sau kỳ họp này sẽ cho kiểm tra và khắc phục ngay”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Tuy nhiên, ngay lập tức ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) đứng dậy cho rằng, ngành điện đã hứa nhiều lần rồi, kiểm tra nhiều rồi, nhưng xong lại kết luận là không ảnh hưởng. “Nhưng thực tế là có ảnh huởng. Dân rất bức xúc. Đề nghị Bộ phải cử đoàn kiểm tra có năng lực, công tâm”, ĐB này gay gắt.
“Kiểm tra thì nhiều ngành, ngành điện chỉ là một kênh, còn bộ TN-MT, Uỷ ban KH-CN-MT của Quốc hội. Tới đây, chúng tôi sẽ có đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra”, Bộ trưởng tiếp tục hứa.
Phần chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tuy đã vượt thời gian nhưng cũng chỉ mới trả lời khoảng 2/3 câu hỏi mà các ĐBQH gửi đến.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đánh giá câu hỏi của ĐB sát thực tế, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng trả lời không dài như những lần trước, đồng thời đã thấy được trách nhiệm của mình, có hứa hẹn kế hoạch sắp tới. Tuy nhiên, Chủ tịch QH lưu ý về vấn đề kích cầu.
“ Nhu cầu thì nhiều, chỗ nào cũng cần kích thích, nên Bộ cần quan tâm, sử dụng tiền thế nào cho hiệu quả. Phải quan tâm kích cầu doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân; tránh xin cho, thất thoát, tránh kích vào chỗ thịnh”, Chủ tịch QH nói.
Chủ tịch QH Ngyễn Phú Trọng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cần lưu ý vấn đề phát triển thị trường nội địa, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.
Đặc biệt, Chủ tịch QH cho rằng, điều hành xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp theo cơ chế thị trường là đúng, “nhưng phải nhớ là có sự quản lý nhà nước. Cần có sự điều hoà của Chính phủ, đối với từng mặt hàng cụ thể, để tránh thiệt hại cho nông dân. Không phải lúc nào cũng tuyệt đối cơ chế thị trường. Không phải ngẫu nhiên mà qua mấy kỳ họp, các ĐB đều nêu vấn đề điều hành xuất khẩu gạo. Muốn thế phải nâng cao công tác dự báo”- Chủ tịch QH chốt lại phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Thi theo cụm để hạn chế tiêu cực, bảo đảm khách quan
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. |
ĐB Hồ Quốc Dũng (Bình Định) bức xúc về thực tế giáo dục mầm non hiện nay đang bị thả nổi, rất nhiều thực tế đáng báo động như nuôi nhốt trẻ, bạo hành, cho trẻ ăn thức ăn có chứa tăng trọng. ĐB này cho rằng có 80% trẻ em phải học mầm non ngoài công lập.
Trả lời điều này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói ngay, không phải 80%, mà chỉ 51% trẻ em học mầm non ngoài công lập.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thuỷ (Tây Ninh) cũng chất vấn hiện mới có 70% trẻ em từ 3-5 tuổi được học mầm non, còn lại không học thì tính sao? Các em có theo kịp chương trình khi vào lớp 1 hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận đây là vấn đề mà Chính phủ đang rất bức xúc. “Chính phủ đang xây dựng chương trình để đến 2015, có trên 95 % trẻ em đi học mầm non”, Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói.
Cũng theo giải trình của người đứng đầu ngành GD-ĐT, hiện nay điều kiện ngân sách Nhà nước chưa thể cho phép thực hiện miễn phí bậc mầm non, tức là chưa thể phổ cập bậc học này. Vì vậy, Chính phủ chỉ có thể tập trung phổ cập cho lứa tuổi 5 tuổi để các em được chuẩn bị chu đáo khi bước vào lớp 1.
“Hướng chung là miễn học phí mầm non cho những vùng khó khăn, bảo đảm những vùng này đủ các trường mầm non công lập để các cháu được đi học đầy đủ”, Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết. Với bức xúc của ĐB Hồ Quốc Dũng về những hiện tượng đáng báo động trong giáo dục mầm non, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết sau khi xảy ra các vụ việc như ĐB nêu, ngành đã cho kiểm tra.
“Hầu hết các vi phạm này rơi vào các cơ sở chưa được cấp phép. Ngay sau đó chúng tôi đã cho rà soát hệ thống mầm non trong cả nước, yêu cầu địa phương bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên mầm non, đến nay về cơ bản đã ổn. 100% cơ sở mầm non đã có giấy phép”, ông Nhân khẳng định.
Trong sáng nay, hầu hết ý kiến chất vấn tập trung việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2009 vừa qua theo cụm, chấm chéo và đề án thi “2 trong 1” (bỏ thi ĐH-CĐ, chỉ tổ chức kỳ thi quốc gia để tốt nghiệp THPT và xét tốt nghiệp ĐH-CĐ) mà Bộ đang xây dựng.
ĐB Hồ Quốc Dũng, ĐB Nguyễn Đình Liêu đều cùng quan điểm khi cho rằng thi theo cụm là rất tốn kém, phiền hà, hành dân. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trả lời: “Thi theo cụm không mới. Nhiều tỉnh đã làm. Đây là cách có thể hạn chế tiêu cực, bảo đảm khách quan. Nếu thành công, sẽ nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ thành một. Khi đó, các em học sinh ngay trong phòng thi có thể giám sát lẫn nhau để cạnh tranh vào ĐH.
"Dĩ nhiên, thi theo cụm nhưng không phải tuyệt đối hoá. Nơi nào tiện lợi thì thi theo cụm 3 trường, nơi khó khăn có thể 2 trường, 1 trường. Qua kỳ thi vừa rồi, chúng tôi nhận thấy không có khó khăn gì thêm” - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Tuy nhiên phần lý giải này không làm các ĐB hài lòng. ĐB Thái Thị Lan Trung tiếp tục truy vấn: Căn cứ vào đâu Bộ trưởng cho rằng đây là kỳ thi được tổ chức tốt nhất từ trước đến nay? Dư luận cho rằng, thi theo cụm chỉ tiện cho Bộ mà khổ cho dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân dẫn các con số: số học sinh vi phạm giảm (299 thí sinh phạm quy, giảm 88% so với 2007). Tỷ lệ học sinh bỏ thi chỉ trên 5.000 em (giảm hơn 3.000 em so với 2008). Giám thị vi phạm chỉ 3 người. Số học sinh đi thi bị tai nạn giao thông giảm. Không còn cảnh người dân tụ tập, ném bài..., để khẳng định đây là kỳ thi tốt nhất từ trước đến nay.
Tuy vậy, ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) vẫn cho rằng áp lực thi cử còn nặng, chương trình giáo dục cũng nặng. Thi cụm, chấm chéo có thể khắc phục tiêu cực nhưng là thêm áp lực, thêm tốn kém. “Bộ trưởng cần xem xét lại việc này để giảm áp lực trong thi cử”, ĐB Phạm Phương Thảo đề nghị.
Một số ý kiến cho rằng thi cụm đi xa tới 40-50 km, phải lo ăn uống, chỗ ở, như thế là quá phiền hà.
“Nếu duy trì 2 cuộc thi, cách nhau chỉ 1 tháng, đều có hơn 1 triệu học sinh thi thì áp lực còn lớn hơn. Chỉ còn một kỳ thi là hướng đã xác định. Vấn đề bây giờ là tính toán bỏ kỳ thi nào. Nếu còn thi ĐH-CĐ thì còn lò luyện thi, cũng rất áp lực”, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói. “Dĩ nhiên còn một số vấn đề chúng tôi sẽ tiếp thu và tiếp tục tính toán”, Bộ trưởng Nhân kết luận.
Về vấn đề thi “2 trong 1”, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trên thế giới, chỉ còn 10% quốc gia duy trì 2 kỳ thi. 90% nước chỉ còn 1 kỳ thi.
“Với đặc thù của nền giáo dục của nước ta, nếu không thi quốc gia thì không nhất quán chuẩn quốc gia. Nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT, sẽ dẫn đến hậu quả: trong suốt những năm học phổ thông, người học chỉ tập trung vào những môn sẽ thi tuyển đầu vào ĐH-CĐ, dẫn đến sự thiếu kiến thức phổ thông toàn diện khi bước vào đời, lập thân, lập nghiệp. Vì vậy, trong một số năm tới, chưa thể thực hiện việc công nhận tốt nghiệp cho người học mà không tổ chức kỳ thi đánh giá có tính chất quốc gia” - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: việc áp dụng phương án này chỉ triển khai sau khi đã “chín muồi”, đã được thảo luận rộng rãi và đồng thuận trong toàn ngành.
Ngoài vấn đề thi cử, hàng loạt các vấn đề luôn “nóng” khác trong lĩnh vực GD-ĐT này cũng đã được nêu ra.
ĐB Trần Hoàng Thám (TPHCM) cho rằng, yếu tố nước ngoài trong GD-ĐT ngày càng tăng. Đây là vấn đề dân rất bức xúc, nhất là ở TPHCM. Bộ cần có giải pháp quản lý, chấn chỉnh lại.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: theo quy định, đa số cơ sở thực hiện đúng cam kết trong hoạt động. Nhưng còn nhiều hạn chế. Đơn cử một số cơ sở đăng ký đào tạo ngành nhưng sau 5 năm hoạt động vẫn chưa triển khai. Đối với cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, điều mà người dân bức xúc nhất chính là việc người học phải nộp học phí cao ngất ngưởng mà không có điều kiện để giám sát chất lượng.
Về điều này, Bộ trưởng thừa nhận giám sát tài chính ở các cơ sở giáo dục nước ngoài chưa tốt. Vì tuy có quy định cơ sở phải báo cáo nhưng chưa thực hiện được. Ông Nhân cũng cho biết, cả nước có 8 tỉnh thành tồn tại cơ sở giáo dục nước ngoài, nhưng hiện mới chỉ có 2 tỉnh thành được kiểm tra.
“Sắp tới Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định về đầu tư nước ngoài trong GD-ĐT để có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực này. Ngoài ra, cũng chuẩn bị tổng kết 10 năm đầu tư nước ngoài trong GD-ĐT, khi đó sẽ có bức tranh tổng thể hơn, đưa ra được những giải pháp quản lý hữu hiệu hơn”, ông Nhân nói.
Nhiều ĐB cũng đặt vấn đề SGK nhiều năm qua liên tục bị chỉnh sửa, gây tốn kém, phiền hà. Bao giờ mới có Bộ SGK chuẩn cho cả nước?
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân giải trình: từ năm 2002 bắt đầu thay SGK. GD có tính chất liên tục. Không thể thay một lúc cả bộ. Mỗi năm ngành chỉ thay SGK của 2 lớp. Không có việc năm nào ngành cũng thay SGK. Hết năm 2009, chúng tôi thay đủ một vòng từ lớp 1 đến lớp 12. Đồng thời ngành đã tổ chức đánh giá SGK đợt 1. Đến 2010, sẽ tiếp tục đánh giá đợt 2 để bảo đảm cho ra đời một bộ SGK chuẩn, phù hợp với xu thế của thế giới, vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Phần trả lời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân kết thúc vào lúc 11 trưa nay.
Khi kết luận phần chất vấn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đây là vấn đề dân đặc biệt quan tâm, Chính phủ phải quan tâm hơn. Để làm sao người Việt Nam vừa tiếp thu được những tinh hoa của thế giới, vừa giữ được cái “gốc” của mình.
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc sẽ trả lời chất vấn. Dự kiến phần chất vấn ông Phạm Khôi Nguyên sẽ “nóng” với vụ bauxite Tây Nguyên, ô nhiễm môi trường.
. Theo SGGP |