|
Các loại vật liệu xây dựng như cát, đá đang tăng giá mạnh. Trong ảnh: Mua bán vật liệu xây dựng tại một cửa hàng ở TPHCM. |
Giá xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít đang tác động mạnh đến thị trường. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu không kiểm soát hiệu quả, giá cả có thể tăng mạnh.
Chưa đầy một tuần lễ sau khi giá xăng tiếp tục tăng thêm 1.000 đồng/lít, tại thị trường TPHCM, giá một số mặt hàng đã bắt đầu tăng. Tăng mạnh nhất là nhóm hàng vật liệu xây dựng, hàng nhựa và nhiều loại thực phẩm, nhất là mặt hàng rau củ...
Giá hàng hóa, dịch vụ nhích lên
Tại các chợ đầu mối ở TPHCM những ngày gần đây, thời tiết đã thuận lợi hơn trước, rau củ không còn hư hỏng nhiều nên lượng hàng về chợ tăng cao, thế nhưng giá vẫn tăng. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Kinh doanh chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức, cho biết giá rau củ hiện đang tăng từ 10%- 20%, trong đó có ảnh hưởng từ chi phí vận chuyển tăng. Các mặt hàng thủy hải sản tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) cũng đã tăng thêm từ 5%- 10%...
Bà Hiền buôn bán rau củ tại chợ Hòa Bình (Q.5) than: Tuần trước thuê một chuyến xe chở rau củ từ chợ đầu mối Bình Điền về chợ Hòa Bình hết 130.000 đồng, nay họ đòi tăng lên 150.000 đồng. “Giá rau củ tại chợ đầu mối tăng, cộng với phí vận chuyển tăng nên buộc người bán lẻ cũng phải tăng giá tương ứng”, bà Hiền giải thích. Ông Nguyễn Hoàng Long, kinh doanh đồ nhựa gia dụng tại đường Lê Hồng Phong (Q.10), cũng cho biết ông vừa nhận được thông báo từ các đầu mối giao hàng là sẽ điều chỉnh giá tăng trong tuần tới. Hiện chi phí vận chuyển hàng ra bến xe, bến tàu đều tăng vài chục ngàn đồng/chuyến nhưng người bán vẫn còn phải gánh khoản này và trong tuần tới sẽ phải “đẩy” hết cho khách hàng...
Trong số các mặt hàng đang tăng giá thì nhóm vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất. Trước khi xăng tăng giá, nhiều mặt hàng trong nhóm này như sắt thép, gạch... đã đua nhau tăng do nhu cầu xây dựng đang nhích lên. Nay giá xăng tăng khiến chi phí sản xuất, vận chuyển tăng lên, giới kinh doanh càng đua nhau đẩy giá lên. Các cửa hàng vật liệu xây dựng tại TPHCM đều cho biết mỗi chuyến xe tải vận chuyển vật liệu đều đòi tăng từ 50.000 đồng- 100.000 đồng/xe, tùy cự ly. Giá gạch ống loại thường vừa tăng thêm từ 20 đồng- 50 đồng/viên (từ 450 đồng- 500 đồng/viên), gạch tốt tăng 100 đồng lên 700 đồng/viên. Đá trộn bê tông tăng thêm 27.000 đồng/m³, lên 125.000 đồng/m³...
Theo tính toán của các hãng taxi, giá cước taxi sẽ tăng ít nhất 500 đồng/km. Ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, cho biết do giá xăng dầu tăng nên hiện mỗi ngày Vinasun phải bù lỗ từ 20.000 đồng- 30.000 đồng/xe (Vinasun có 2.200 xe). Bắt đầu từ tuần tới, Vinasun sẽ điều chỉnh giá cước từ 10.000 đồng lên 10.500 đồng/km.
Nhiều ngành hàng than khó
Theo tính toán từ các nhà máy sản xuất thép, riêng trong công đoạn cán thép, cứ mỗi tấn thép phải sử dụng từ 40 lít- 50 lít dầu (tùy theo công nghệ cán). Với giá nhiên liệu tăng 1.000 đồng/lít, mỗi tấn thép tốn thêm chi phí nhiên liệu là 40.000 đồng- 50.000 đồng. Chi phí vận chuyển từ nhà máy ở Bà Rịa- Vũng Tàu về TPHCM cũng tăng thêm ít nhất 100.000 đồng/xe. Ông Đào Đình Đông, Trưởng Phòng Thị trường Tổng Công ty Thép VN, cho biết các khoản chi phí phát sinh này đều phải đưa vào chi phí sản xuất nên sớm muộn gì cũng phải tăng giá bán sản phẩm.
|
Nhóm hàng vật liệu xây dựng, hàng nhựa và nhiều loại thực phẩm, nhất là mặt hàng rau củ, đang có dấu hiệu tăng giá ở nhiều chợ. Trong ảnh: Khách mua rau củ tại một siêu thị ở TPHCM. |
Tương tự, chi phí nhiên liệu trong ngành sản xuất xi măng cũng chiếm gần 10% giá thành; sản xuất gạch chiếm 30%- 40% giá thành nên các đơn vị sản xuất đang tính toán để điều chỉnh giá. Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gạch ngói Đồng Nai, than chi phí nhiên liệu dùng để đốt lò tăng mạnh; chi phí vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm đều tăng nên trước mắt nhà máy sẽ phải điều chỉnh giá tăng từ 5%- 10% trong đợt đầu, còn các đợt tiếp theo sẽ phải theo dõi thêm diễn biến thị trường để cân nhắc...
Nhiều doanh nghiệp ngành nhựa, giấy, sản xuất đồ gỗ... cũng đang kêu trời. Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó Giám đốc Công ty Nhựa Chợ Lớn, cho biết sớm muộn gì công ty cũng phải điều chỉnh giá các sản phẩm nhựa do chi phí vận chuyển tăng từ 5%- 7%, nguyên liệu do các nhà cung cấp đều tăng giá 7%- 10%... Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp gỗ cho hay chi phí nhiên liệu và điện tăng khiến giá thành sản phẩm gỗ tăng từ 10%- 15% nhưng giá bán của các đơn vị này lại không thể tăng do các hợp đồng đều ký kết từ trước.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành:
Sức tiêu thụ sẽ giảm
Xăng dầu trên thế giới tăng lên 70 USD/thùng, xăng dầu trong nước tăng giá là điều tất yếu nhưng Nhà nước phải có chính sách để ổn định giá. Vì xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm không nên để lên xuống thất thường. Xăng dầu không chỉ dùng trong vận chuyển mà còn là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất... nên xăng dầu tăng giá tác động trực tiếp đến giá đầu vào của doanh nghiệp (DN). Giá xăng dầu tăng đột ngột, DN sẽ hạch toán phần giá tăng thêm vào chi phí đầu vào, đẩy giá bán ra tăng lên. Sức tiêu thụ sẽ giảm một phần, tác động ngược lại buộc DN phải tính toán lại sản xuất, thậm chí trường hợp xấu buộc cắt giảm sản xuất, kinh doanh... kết quả là ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế. |
. Theo NLĐ |