|
Dự thảo luật còn ít quy định liên quan đến người bệnh |
Sáng nay 15.6, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội (QH) Tòng Thị Phóng, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Nhiều ý kiến phát biểu không đồng tình với việc đặt tên Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu (ĐB) Triệu Thị Bình (Yên Bái) cho biết, phải đặt tên của dự luật là Luật Hành nghề y, vì các quy định của luật tập trung vào việc hành nghề của y, bác sĩ.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Đông y Việt Nam Trần Văn Bản (Bình Định) cho rằng, dự luật đề cập đến nhiều quy định mang tính thủ tục hành chính, đề cập đến quyền lợi của y, bác sĩ mà chưa đề cập đến quyền lợi của người bệnh một cách đúng mức. ĐB Trần Văn Bản cũng đề nghị, luật nên lấy tên là Luật Hành nghề y.
Bác sĩ Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cho biết, luật đề cập đến quyền lợi của bác sĩ hơn là quyền và nghĩa vụ của người bệnh. Theo thống kê của bác sĩ Hằng, luật có 81 điều thì chỉ có 11 điều có quy định liên quan đến người bệnh. ĐB Hằng nhấn mạnh: “Nhiều bất cập trong y tế như y đức, chất lượng khám chữa bệnh, tình trạng quá tải tại các bệnh viện… chưa được đề cập đến trong dự luật”.
Theo ĐB Hoàng Thị Hương (Lạng Sơn), khi soạn thảo luật cần nghiên cứu xem thực tế đang có những gì bất cập, nếu phát hiện bất cập thì luật phải có quy định để khắc phục tình trạng đó. ĐB Hương đề nghị: “Luật có những quy định cụ thể bị cấm đối với bác sĩ và người bệnh để nâng cao y đức của bác sĩ, chẳng hạn như cấm bác sĩ gợi ý và nhận quà của bệnh nhân”.
Thực tế đang tồn tại tình trạng bệnh nhân phải làm quá nhiều xét nghiệm khi đi khám, chữa bệnh. Vừa làm xét nghiệm ở bệnh viện A xong, sang bệnh viện B lại phải làm đúng xét nghiệm như ở bệnh viện A; rồi bệnh viện tuyến trên không công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện tuyến dưới… Điều này khiến cho chi phí của người bệnh trở lên quá tốn kém, lãng phí. Là người trong cuộc, am hiểu về chuyên môn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ y học Nguyễn Minh Hồng (ĐB Nghệ An) kiến nghị: “Luật phải có quy định để khắc phục tình trạng này”.
Dự luật cho phép công chức, viên chức trong ngành y tế được phép tham gia khám chữa bệnh tại các phòng khám y tế tư nhân ngoài giờ hành chính nhưng không được phép đứng tên thành lập, tham gia điều hành tại các phòng khám tư nhân. Có vẻ như bế tắc, nên dù còn lo lắng, quy định như dự luật dễ nảy sinh tình trạng “chân trong” dài hơn “chân ngoài” của bác sĩ, nhưng trong bối cảnh hiện nay, ĐB Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) cho rằng, quy định như dự luật là hơn cả, nhằm phát huy được khả năng chuyên môn của bác sĩ, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công. Để hạn chế tình trạng khi làm việc ở bệnh viện nhà nước thì thờ ơ, khám chữa bệnh qua loa, nhưng ở phòng khám tư nhân thì tận tình chu đáo, ĐB Sáng đề nghị: “Phải có quy định một bác sĩ được đăng ký khám với bao nhiêu cơ sở”.
ĐB Triệu Thị Bình (Yên Bái) lên tiếng: “Vì sao luật lại đề ra quy định chỉ có Bộ Y tế mới được cấp phép các bệnh viện tư nhân có quy mô từ 100 giường trở lên?”. Điều này mâu thuẫn với việc dự luật cho phép các Sở Y tế được cấp phép hoạt động cho các bệnh viện nhà nước. Nhiều bệnh viện nhà nước có quy mô rất lớn, có khi đến vài ba trăm giường bệnh.
Nhiều ĐB cũng không đồng tình với quy định là cứ 5 năm các bệnh viện phải xin cấp phép hoạt động lại.
Tán đồng với quy định của dự luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Lê Minh Hồng (Hà Nam) cho rằng, bác sĩ khám, chữa bệnh ở bệnh viện nhà nước hay tư nhân đều phải được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhưng ĐB Hồng không đồng tình với dự luật về quy định chứng chỉ hành nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế cấp thì có giá trị trên phạm vi toàn quốc, còn chứng chỉ do Giám đốc Sở cấp thì chỉ có giá trị trong tỉnh, thành. Theo ĐB Hồng, quy định như vậy sẽ gây phiền phức, khó khăn cho các bác sĩ. “Sáng tôi khám, chữa bệnh ở Hà Nội, chiều về khám ở Hưng Yên thì không được vì không thể đổi được chứng chỉ hành nghề” - ĐB Hồng làm rõ.
ĐB Hồng cũng phản đối quy định đòi hỏi 5 năm người được cấp chứng chỉ hành nghề phải làm các thủ tục để xin gia hạn. ĐB Hồng nói: “Gia hạn để làm gì? Dự luật chưa giải thích được điều này. Gia hạn gây tốn kém và tạo cơ chế xin cho”. Đồng quan điểm trên, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề nghị: “Cấp cho cả công và tư, cấp 1 lần không xác định thời hạn”. Theo ĐB Nghĩa, một bác sĩ giỏi hay không, có được người bệnh tín nhiệm hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả khám chữa bệnh chứ không phụ thuộc vào các giấy tờ, văn bản của Bộ Y tế.
ĐB Triệu Thị Bình (Yên Bái) nêu quan điểm, việc cấp chứng chỉ hành nghề chỉ nên áp dụng với các bác sĩ làm việc tại các cơ sở tư nhân, vì nếu cấp cho cả 250 nghìn cán bộ đang làm việc tại các bệnh viện làm việc nhà nước sẽ không đủ khả năng và quá tốn kém.
. Theo TNO |