|
Sau tiếp nhận, người dân có thể quản lý lượng điện sử dụng hàng tháng. |
Nếu như việc tiếp nhận lưới điện nông thôn có thể hoàn tất trong nửa đầu 2010, việc sửa chữa và nâng cấp các lưới điện cao áp cũ đòi hỏi kỹ lưỡng hơn mới mong đưa chất lượng điện ngang bằng thành phố.
Xoá sổ trung gian
Khởi động từ tháng 7.2008, việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức mua bán điện trên địa bàn từng xã, nhằm mục tiêu bán điện trực tiếp tới người dân theo giá điện nhà nước. Với địa hình rộng và phức tạp, khu vực miền Bắc hiện được cho là đang gặp nhiều khó khăn, do cùng lúc có hàng loạt mô hình bán điện tồn tại và hoạt động song song như HTX dịch vụ tổng hợp, HTX dịch vụ điện năng, Cty TNHH, Cty CP hay DN tư nhân.
"Phi lý ở chỗ, nhiều mô hình hoạt động không hiệu quả, khiến giá bán điện đến hộ dân cao trong khi chất lượng không đảm bảo" - Phó phòng Kinh doanh Cty điện lực I Trương Thúy Liễu cũng cho rằng, chính sách trợ giá của Chính phủ thông qua mức giá bán buôn thấp cho các mô hình trên (sau đó bán lại cho người dân) vì thế ở nhiều nơi không đến được.
Chỉ sau một thời gian ngắn, 24 tỉnh phía bắc đến nay hoàn tất việc tiếp nhận lưới điện tại 807 xã với gần 752 nghìn côngtơ một pha, hơn 18 nghìn côngtơ ba pha và hơn 10.400km đường dây, có tổng giá trị tài sản còn lại 175 tỉ đồng. Triển khai khá nhanh và đồng bộ, Điện lực Nam Định đến nay tiếp nhận xong và bán điện đến từng hộ dân tại 142/200 xã (72%) với trên 335.000 hộ dân.
"Nhờ sự tiếp nhận này, người dân được mua điện theo giá nhà nước quy định, thay vì phải mua điện phập phù với giá tới 800-900đ/kWh và thậm chí tới 1.100-1.500đ/kWh như trước đây" - ông Trần Quốc Đạt - GĐ Điện lực Nam Định - cho biết. Cũng trong chưa đầy nửa năm, các hộ dân tại 69/220 xã tại Thái Bình - từng phải mua điện qua đại lý - hiện cũng được sử dụng điện theo giá điện chuẩn. "Chúng tôi sẽ tiếp nhận thêm lưới điện của 77 xã vào cuối năm nay và tôi cho rằng, trong nửa đầu năm 2010, toàn bộ các hộ nông thôn trên địa bàn tỉnh sẽ được dùng điện theo giá chuẩn" - ông Nguyễn Đình Lộc - GĐ Điện lực Thái Bình - thông báo.
Gian nan hậu tiếp nhận
Song, đằng sau sự tiếp nhận lưới điện lại là một câu chuyện khác, một bài toán cần sự cân nhắc giữa yếu tố công ích và lợi nhuận, giữa đầu tư trước mắt và lợi nhuận lâu dài. Hầu hết lưới điện do các mô hình đại lý quản lý, bán điện cho người dân đều có tổn thất tới 30-35% và sau tiếp nhận, các điện lực phải đầu tư tối thiểu 700-950 nghìn đồng/hộ mới có thể đưa tỉ lệ này xuống 16-20%.
Mức tổn thất càng giảm đồng nghĩa chất lượng điện (điện áp) càng tăng và ngành điện càng có lãi trên mỗi kilôoát điện. Song với 220 xã, Điện lực Thái Bình cần đầu tư ít nhất 1.100 tỉ đồng để có thể nâng cấp lưới và đưa tỉ lệ tổn thất xuống 5-6% - tương đương mức chung toàn ngành.
Dự kiến đến cuối năm 2009, 24 điện lực địa phương trực thuộc Cty điện lực I sẽ tiếp nhận thêm lưới điện của 2.000 xã với 659 xã trong quý III và 495 xã trong quý IV. Qua đó, nâng tổng số xã hoàn thành tiếp nhận lưới điện đến cuối năm 2009 lên con số 2.413 xã. |
"Khoản đầu tư này quá lớn, nên chúng tôi cũng như nhiều địa phương khác chỉ đầu tư sửa chữa nhỏ, nhằm giải quyết vấn đề an toàn đường dây và cấp điện ổn định " - ông Nguyễn Đình Lộc cho biết.
Song vốn chưa hẳn là khó khăn duy nhất. Với mỗi xã trước khi tiếp nhận, các đại lý điện và ngành điện sẽ cùng thống nhất giá trị còn lại của lưới để hoàn trả hoặc bàn giao. Ngoài thời gian kéo dài, nhiều tổ chức bán điện không muốn bàn giao lưới do đánh mất nguồn thu.
UBND tỉnh Nam Định phải ra quyết định bàn giao theo nguyên tắc tự nguyện, song không hoàn trả giá trị còn lại; trong lúc UBND tỉnh Thái Bình phải tiến hành phê duyệt giá trị còn lại của lưới điện từng cụm xã trước khi bàn giao cho ngành điện theo nguyên tắc tăng tài sản cho bên nhận, giảm tài sản cho bên giao và không hoàn trả giá trị còn lại.
"Thêm vào đó, trong lúc phải tiếp nhận thêm một lượng khách hàng gấp 5 lần với chiều dài đường dây gấp 2 lần trước đây, nguồn nhân lực của chúng tôi không hề tăng thêm"; và để khắc phục điều này, ông Trần Quốc Đạt cho rằng, các điện lực phải ký hợp đồng dịch vụ với các đội thợ của các tổ chức bán điện cũ. Việc này lại kéo thêm một loạt các chi phí đào tạo, trả lương dịch vụ cũng như giám sát, quản lý...
. Theo NLĐ
|