Chiều 19.6: Bế mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII
Thông qua nhiều dự luật, thống nhất nhiều vấn đề hệ trọng
18:2', 19/6/ 2009 (GMT+7)

Quang cảnh kỳ họp Quốc Hội lần thứ 5 khóa XII, phiên bế mạc.

Chiều nay, 19.6, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII đã bế mạc.

Trước đó, QH đã biểu quyết thông qua các Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

QH cũng đã thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; Nghị quyết về điều chỉnh mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu kinh tế, ngân sách Nhà nước, phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ năm 2009, và miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân; Nghị quyết về Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014.

Năm 2009: GDP 5%; chỉ số giá tiêu dùng dưới 10%

Thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu kinh tế, ngân sách Nhà nước, phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ năm 2009, và miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, Nghị quyết của QH nhất trí điều chỉnh mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển là tập trung mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ ổn định kinh tế vĩ mô….

Cụ thể, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2009 khoảng 5%, chỉ số giá tiêu dùng dưới 10%, chỉ tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu 3%, bội chi ngân sách không quá 7% GDP (phương án Chính phủ trình là bội chi không quá 8%).

Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ (CP) điều hành bội chi ngân sách nhà nước ở mức thấp nhất và giảm dần trong một số năm tiếp theo.

Theo Ủy ban Thường vụ QH, hiện, giá dầu thô đang có xu hướng tăng lên trên 60 USD/thùng nhưng giá biến động khó lường. Vì vậy, trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước, căn cứ diễn biến thực tế, nếu trường hợp giá dầu thô giảm mạnh và có nhiều yếu tố tác động xấu tới thu – chi ngân sách, thì CP báo cáo với Ủy ban.

QH thống nhất sẽ phát hành bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu CP để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình giao thông, thủy lợi, y tế. Bổ sung thêm mục tiêu đầu tư xây dựng ký túc xá  SV và các dự án cấp bách, nhất là ở địa phương nghèo. Chính phủ lên phương án phân bổ, trình Ủy ban Thường vụ QH.

QH cũng đã nhất trí miễn toàn bộ số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong 6 tháng đầu năm 2009. Ngoài ra, sẽ tiếp tục miễn số thuế TNCN 6 tháng cuối năm 2009 đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, từ bản quyền, chuyển nhượng thương mại. Còn lại, các đối tượng khác sẽ phải nộp thuế TNCN từ 1.7.2009.

Điều đáng chú ý, qua tổng hợp ý kiến ĐBQH, chỉ có 220/383 ĐB (chiếm 57%) đồng ý với phương án này.

Theo giải trình của Ủy ban thường vụ QH, chỉ những người có thu nhập cao mới phải nộp thuế. Việc giảm thuế TNCN sẽ có lợi cho một bộ phận người có thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu kích cầu, việc miễn toàn bộ số thuế đã giãn nộp trong 6 tháng đầu năm là cần thiết. Nhưng, trong 6 tháng còn lại, nếu vẫn tiếp tục miễn, giảm thuế TNCN cho mọi đối tượng sẽ không bảo đảm tính nghiêm minh trong thực thi luật. Còn, việc tiếp tục miễn thuế đối với thu nhập từ đầu tư và chuyển nhượng vốn trong năm 2009 là để khuyến khích thị trường tài chính phục hồi và phát triển, tạo kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển.

Nghị quyết QH cũng nêu rõ, trong thời gian QH không họp, nếu phát sinh tình huống cần thiết, cấp bách vượt thẩm quyền thì CP báo cáo Uỷ ban Thường vụ QH xem xét, quyết định và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất.

Thực hiện học phí mới từ năm học 2010-2011

Theo nội dung Nghị quyết của QH về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD-ĐT từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, ưu tiên ngân sách cho phổ cập giáo dục tiểu học miễn học phí; phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, trước mắt còn có thu học phí; giáo dục ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; phát triển dạy nghề và bồi dưỡng nhân tài.

QH cũng nêu rõ, các cơ sở GD-ĐT phải bảo đảm sự tương quan giữa chất lượng giáo dục, đào tạo và nguồn tài chính được đầu tư, sử dụng. Các cơ sở GD-ĐT được thực hiện chương trình chất lượng cao và được thu học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo.

Học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân, hướng tới miễn học phí vào thời điểm thích hợp. Tiếp tục thực hiện miễn học phí đối với học sinh tiểu học. Học sinh tốt nghiệp THPT đặc biệt xuất sắc, học sinh đạt giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi quốc gia và đỗ ĐH.

Học phí đối với đào tạo nghề nghiệp và ĐH công lập thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học. Tổng học phí của các cơ sở đào tạo công lập chiếm không quá 40% tổng chi thường xuyên.

Thực hiện miễn, giảm học phí cho HS-SV là con của người có công với nước, các đối tượng chính sách; giảm 50% học phí cho HS tốt nghiệp THCS đi học nghề; HS-SV hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay tiền tại ngân hàng chính sách xã hội để học.

SV tốt nghiệp đặc biệt xuất sắc được cấp học bổng để học tiếp ở trong nước và nước ngoài. Các cơ sở GD-ĐT được thực hiện chương trình chất lượng cao và được thu học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo.

Thực hiện kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và ĐH, các chương trình đào tạo và áp dụng cơ chế gắn học phí với chất lượng đào tạo.

Về mức học phí và lộ trình thực hiện, QH nêu rõ, đối với các chương trình đại trà tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, mức học phí được xác định theo từng vùng và ở mỗi tỉnh, thành, phù hợp với thu nhập bình quân và khả năng đóng góp thực tế của hộ gia đình, thực hiện tăng dần theo lộ trình hợp lý, mức trần chỉ áp dụng vào năm học 2014-2015. Đối với các chương trình đại trà tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và ĐH công lập, học phí được xác định theo các nhóm ngành nghề đào tạo và các bậc học, gắn với chất lượng đào tạo, thực hiện lộ trình tăng dần, phù hợp với nguyên tắc chia sẻ và khả năng đóng góp thực tế của người học.

Chính sách học phí mới sẽ được thực hiện từ năm học 2010-2011.

Riêng năm học 2009-2010, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chưa ra khỏi suy giảm kinh tế, việc điều chỉnh tăng trần học phí tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và ĐH công lập chỉ thực hiện ở mức thấp mang tính quá độ trước khi thực hiện lộ trình điều chỉnh học phí từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. 

Báo cáo giải trình về Nghị quyết này, Uỷ ban Thường vụ QH cho biết, Nghị quyết không quy định mức học phí cụ thể, mà chỉ quy định về chủ trương, định hướng và những vấn đề mang tính nguyên tắc, còn các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của CP, giao cho CP quy định.

Về ý kiến đề nghị thay chính sách miễn học phí bằng chính sách tín dụng đối với SV sư phạm, Uỷ ban Thường vụ QH này cho rằng, vấn đề này sẽ được nghiên cứu, xem xét khi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6 của QH vào cuối năm nay.

Về đề nghị CP đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí cho GD-ĐT thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ QH cho biết sẽ đề nghị CP có tổng kết và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí dành cho GD-ĐT trong thời gian qua để làm cơ sở cho việc hoàn thiện cơ chế tài chính mới.

Một trong nội dung quan trọng của Nghị quyết là cho phép cơ sở GD-ĐT được thực hiện chương trình chất lượng cao và được thu học phí cao, nhiều ý kiến không đồng tình vì cho rằng dễ nảy sinh tiêu cực.

Theo Uỷ ban Thường vụ QH, hiện nay một bộ phận dân cư có thu nhập cao, có nhu cầu và tự nguyện đóng góp để con em họ được học chương trình GD-ĐT chất lượng cao. Nếu không cho phép các cơ sở  thực hiện các chương trình chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu nói trên thì họ sẽ cho con em đi học ở các trường quốc tế hoặc đi học ở nước ngoài. Như vậy, vô hình chung chúng ta tự nhường khu vực  GD-ĐT chất lượng cao với học phí cao cho phía nước ngoài.

Vệ sinh an toàn thực phẩm là Chương trình mục tiêu quốc gia

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). QH giao CP sớm trình QH xem xét, ban hành Luật An toàn thực phẩm. Xây dựng chiến lược quốc gia bảo đảm chất lượng, VSATTP giai đoạn từ năm 2011-2020 và xác định việc bảo đảm chất lượng, VSATTP là Chương trình mục tiêu quốc gia.

QH cũng xác định kiện toàn hệ thống thanh tra bảo đảm thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về chất lượng, VSATTP; tăng ngân sách cho lĩnh vực này.

Bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, QH tán thành bỏ hình phạt tử hình tại một số điều của Bộ Luật Hình sự: Tội hiếp dâm (Điều 111); Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221); Tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334); bỏ Tội sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 199).

Tuy nhiên, QH không tán thành và không thông qua việc tách Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 BLHS) thành Tội mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194) và Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 194a). Như vậy, vẫn giữ như quy định của Bộ Luật hình sự hiện hành.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1.1.2010.

Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. 

Nhiều ý kiến  đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định về giải phóng mặt bằng, vì đây là vấn đề có nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng: đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng đang là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định giá đất của Nhà nước, bồi thường, tái định cư cho người có đất bị thu hồi..  Hiện nay, các cơ quan của Chính phủ đã trình và Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định có liên quan về vấn đề này.

Đối với một số vấn đề khác cần phải sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị CP tiếp tục chỉ đạo, nghiên cứu để trình QH vào thời gian tới đây mà không đưa vào dự án Luật này.

Quốc hội cũng đã thông qua Luật sở hữu trí tuệ, tán thành thời hạn bảo hộ quyền tác giả là 75 năm.

* Trong diễn văn bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XII đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự của mình. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2009; tiến hành công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng khác. Quốc hội đã xem xét và thông qua 11 dự án luật, góp phần tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

Chủ tịch cũng đánh giá, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục có những cải tiến như bố trí hợp lý phiên họp trù bị và trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri; xen kẽ việc đọc báo cáo và thảo luận ở tổ, ở hội trường; ghép các nội dung gần nhau hoặc liên quan với nhau theo nhóm vấn đề để thảo luận, để chất vấn, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau; điều hành kiên quyết, linh hoạt; tại phiên giám sát chỉ nghe và thảo luận báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội… Những cải tiến này đã góp phần rút ngắn được thời gian mà vẫn bảo đảm số lượng và chất lượng các nội dung của kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, những kết quả của kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII sẽ đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với đồng bào và cử tri cả nước.

Nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2009 và những năm tiếp theo là rất nặng nề. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy thuận lợi, vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.

. Theo SGGP, HNM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bão số 2: Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9  (19/06/2009)
Lê Công Định thừa nhận hành vi phạm tội chống phá Nhà nước  (19/06/2009)
Sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả nhuận bút, thù lao  (19/06/2009)
Cần cơ chế mới cho hoạt động và tài chính của cơ quan báo chí  (19/06/2009)
Bão số 2 làm tăng nắng nóng trong 3 ngày tới  (19/06/2009)
Sáng nay, Quốc hội thông qua nhiều dự án luật quan trọng  (18/06/2009)
Địa phương phải dành ngân sách phòng chống sốt xuất huyết  (18/06/2009)
Áp thấp nhiệt đới lên cấp 7  (18/06/2009)
Việc bắt giữ Lê Công Định được thực hiện theo đúng trình tự pháp luật Việt Nam  (18/06/2009)
Dân đổ xô mua tích trữ, Tamiflu đội giá gần 30%  (18/06/2009)
Nhiều tỉnh có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT hơn 80%  (18/06/2009)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng những người làm báo  (17/06/2009)
Chủ tịch Hội Luật gia Mỹ ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam  (17/06/2009)
Vietnam Airlines mua thêm 18 máy bay Airbus  (17/06/2009)
Nữ sinh không được mặc váy ngắn trên đầu gối  (17/06/2009)