Vấn đề cấp bách hiện nay là cần đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí.
Hụt hẫng "sếp" tâm huyết và giỏi nghề
Trong những năm qua, đội ngũ lãnh đạo, quản lý báo chí đã có sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi phương diện, nhất là về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sự năng động, nhạy bén trước thời cuộc. Tuy nhiên, một số người giữ vị trí quan trọng này còn có những biểu hiện non kém về chuyên môn, nghiệp vụ; bản lĩnh chính trị; tinh thần trách nhiệm chưa tương xứng với cương vị đảm nhiệm. Nhiều tổng biên tập chưa năng động, chưa theo kịp sự phát triển rất nhanh, mạnh của báo chí.
|
Báo chí truyền tải những thông tin phản hồi "từ dưới lên", góp phần vào tiến bộ xã hội (Ảnh: nghebao.com) |
Một số tổng biên tập ít am hiểu về hoạt động báo chí, việc đảm trách nội dung giao hết cho cấp dưới. Hậu quả là việc quản lý, chỉ đạo phóng viên tác nghiệp kém hiệu quả; hoạt động của một số tờ báo bị sai lệch với tôn chỉ, mục đích; coi nhẹ chức năng chính trị - tư tưởng của báo chí cách mạng; thậm chí vi phạm Luật báo chí, sai phạm về quan điểm, đường lối.
PGS-TS Nguyễn Văn Dững - Phó Trưởng khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nêu thực trạng: "Cán bộ quản lý báo chí được lấy từ nhiều nguồn khác nhau: từ những nhà báo có nghề, giỏi nghề đến những người chưa bao giờ làm quen hay tiếp cận với nghề. Điểm chung nhất của hoạt động báo chí trong điều kiện kinh tế thị trường là hầu hết những người làm quản lý báo chí chưa được đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức và chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm làm lãnh đạo, quản lý một cách cơ bản, hệ thống. Những thành tựu của hoạt động báo chí nói chung, của công tác quản lý nói riêng, chủ yếu là do anh em tự tích luỹ, mày mò học tập trong thực tế công tác, tự trau dồi và tích luỹ mà nên".
Đội ngũ lãnh đạo, quản lý báo chí trong những năm gần đây luôn luôn hụt hẫng. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết: Việc bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo báo chí thì bao giờ cũng ở trong tình trạng khó khăn. Báo của các Bộ, ngành, Giám đốc các nhà xuất bản, báo chí các địa phương thì rất nhiều trường hợp cũng phải chuyển ngang, sau đó tiếp tục đào tạo lại hoặc bồi dưỡng để nâng cao trình độ. Đây là thực trạng mà chúng ta đáng quan tâm để có những chương trình, kế hoạch để có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Quí Doãn, nguồn bổ sung vào đội ngũ lãnh đạo báo chí trước hết phải là từ các cơ quan báo chí và là những người được đào tạo trong lĩnh vực này hoặc được trưởng thành trong môi trường báo chí. Nhưng ngay trong các cơ quan báo chí hiện nay, tỷ lệ những người tốt nghiệp đại học báo chí mới chiếm 1/4. Việc hẫng hụt cũng là điều dễ hiểu.
Đội ngũ lãnh đạo, quản lý báo chí cần được đào tạo chuyên nghiệp hơn
Để đáp ứng sự phát triển nhanh và mạnh của báo chí Việt Nam, việc đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng và bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí là một vấn đề cấp bách. Theo PGS-TS Đinh Văn Hường, Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông - Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn Hà Nội, một người lãnh đạo, quản lý báo chí, cụ thể là một tổng biên tập phải hội đủ các phẩm chất và năng lực sau: có phẩm chất chính trị, tư tưởng vững vàng; phải là chuyên gia trong lĩnh vực báo chí; phải là nhà tổ chức, quản lý và điều hành giỏi; có quan hệ rộng với các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và cơ quan chủ quản; đồng thời là một nhà quản trị kinh doanh - kinh tế giỏi. Tuy nhiên, những tổng biên tập hội đủ những phẩm chất và năng lực này ở nước ta hiện nay chưa nhiều.
Để đào tạo được các nhà báo giỏi và những người làm quản lý báo chí giỏi, theo PGS-TS Tạ Ngọc Tấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong đào tạo nhà báo. Nhà báo cần phải được đào tạo để ra làm nghề một cách chuyên nghiệp, cần đổi mới chương trình dạy, đổi mới cơ sơ vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật và nguồn lực đào tạo báo chí.
Từ thực tiễn 15 năm làm Tổng Biên tập báo Công an nhân dân và An ninh thế giới, Thiếu tướng - nhà văn - nhà báo Nguyễn Hữu Ước chia sẻ kinh nghiệm: "Đối với báo chí trong cơ chế thị trường hiện nay, thì có hai yếu tố rất quan trọng là phải làm báo đúng và phải hay thì mới có bạn đọc. Yêu cầu này đòi hỏi các tổng biên tập phải hết sức năng động và thông minh, dám làm, dám chịu trách nhiệm".
Theo ý kiến của nhiều nhà báo, nhà quản lý báo chí, cần thường xuyên tiến hành đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý báo chí. Việc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tình hình và nhu cầu đạo tạo cán bộ quản lý báo chí cũng hết sức cần thiết. Cần gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ với chính sách và qui chế bố trí, bổ nhiệm, đề bạt và sử dụng cán bộ sau khi được đào tạo một cách đúng đắn, nhất quán và hiệu quả.
Việc hình thành một cơ sở đào tạo những người làm công tác lãnh đạo, quản lý báo chí; đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là vấn đề cấp bách. Trong hai năm 2009 và 2010, Học viện Báo chí và Tuyên truyền triển khai “Đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý tư tưởng, báo chí, xuất bản” theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng. "Nhà trường đang cùng các cơ quan chức năng như Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan triển khai đề án. Trong đó nhà trường đặc biệt chú ý về chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí. Chậm nhất là đến năm 2010 chúng tôi phải triển khai dự án này" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Cúc - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết.
Đây là một đề án lớn và khi triển khai chắc chắn sẽ góp phần khắc phục những tồn tại của đội ngũ lãnh đạo, quản lý báo chí ở nước ta hiện nay.
. Theo Vovnews |