|
Bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ không còn phải chịu cảnh nằm ghép? (Ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi Trung ương) |
Sẽ không còn cảnh bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế bị phân biệt đối xử so với người khám - chữa bệnh theo dịch vụ trực tiếp nộp viện phí. Bệnh nhân có thể hẹn khám - chữa bệnh ngoài giờ qua điện thoại, internet.
Đây là những nội dung quan trọng của chương trình Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được triển khai thí điểm tại 10 bệnh viện (BV) lớn từ ngày 1.7, gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Hữu Nghị, K, Mắt Trung ương, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương - Hà Nội; Chợ Rẫy, Thống Nhất - TPHCM và BV Trung ương Huế.
Theo ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (KCB - Bộ Y tế), người KCB bằng thẻ BHYT luôn kêu ca rằng phải chịu nhiều thiệt thòi. Bộ Y tế xây dựng chương trình này nhằm vào người tham gia BHYT để đối tượng này yên tâm hơn khi KCB.
Thay đổi cung cách phục vụ
Để thực hiện chương trình này, cơ sở y tế phải tăng nhân lực, thêm bàn khám vào giờ cao điểm, chống quá tải BV; sắp xếp đủ ghế ngồi thoáng mát cho bệnh nhân trong khi chờ đợi. Bệnh nhân đến khám, đăng ký khám không được hẹn sang ngày khác (trừ trường hợp bắt buộc bác sĩ hẹn khám).
Đồng thời, xây dựng kế hoạch hẹn giờ KCB qua điện thoại, mạng internet và áp dụng quy trình phát sổ khám bệnh tự động có kiểm soát, thông báo công khai. Việc thanh toán viện phí cho bệnh nhân có thẻ BHYT phải bảo đảm thông suốt, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ... Ngoài ra, bệnh nhân KCB bằng thẻ BHYT sẽ được trả kết quả nhiều lần trong ngày, hẹn thời gian trả kết quả xét nghiệm, thậm chí tùy từng trường hợp để trả kết quả qua đường bưu điện...
Theo ông Lý Ngọc Kính, việc triển khai chương trình Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT đã được Bộ Y tế cân nhắc rất kỹ và đã nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo 10 BV tham gia. “Chúng tôi đã yêu cầu mỗi BV phải có bộ phận tiếp nhận, xử lý thông tin các ý kiến của bệnh nhân qua hòm thư, đường dây nóng và các kênh thông tin khác. Bệnh nhân có quyền thắc mắc với những ý kiến chính đáng, nếu chưa được giải đáp thỏa mãn có thể nêu với Bộ Y tế” - ông Kính nhấn mạnh.
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho biết chương trình cũng nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân và cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà trong tiếp đón, KCB và thanh toán viện phí. Bà Hương băn khoăn chương trình có thể chưa làm tốt ngay nhưng hy vọng dần dần sẽ được khắc phục.
Đăng ký KCB qua điện thoại: Khó!
Bác sĩ Đặng Thế Căn, Giám đốc BV K - Hà Nội, cho biết để chuẩn bị thực hiện chương trình, vừa qua, BV đã tổ chức khám bệnh từ 6 giờ 30 phút, sớm hơn thời gian quy định một giờ, nhằm giảm bớt thời gian chờ đợi cho bệnh nhân tại một số phòng khám.
BV cũng tăng khoảng 10% cán bộ, nhân viên y tế ở các khâu để tăng cường KCB, xét nghiệm, giảm bớt các thủ tục hành chính cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Về việc đăng ký KCB qua điện thoại, ông Căn cho biết hiện BV chưa thể thực hiện vì dù đã mở rộng phòng khám tối đa nhưng mỗi bác sĩ vẫn phải khám hơn 100 bệnh nhân/ngày.
Tại BV Việt Đức - Hà Nội, Giám đốc Nguyễn Tiến Quyết cho biết vì đây là BV ngoại khoa nên không thể thực hiện đăng ký KCB qua điện thoại. Tuy nhiên, đối với các yêu cầu khác của chương trình, BV hoàn toàn có thể đáp ứng tốt. Hơn 2 năm nay, BV đã áp dụng các tiêu chí của chương trình trong việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân có thẻ BHYT.
Người dân phấn khởi song không tin tưởng
Chúng tôi đem những nội dung chính của chương trình Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT trao đổi với một số người dân và nhận thấy hầu hết đều rất phấn khởi nhưng lại không tin tưởng, cho rằng chương trình khó khả thi. Ông Nguyễn Thu Hường, 62 tuổi, ở phường Phương Mai, quận Đống Đa - Hà Nội, băn khoăn: “Thủ tục hành chính rườm rà đã ăn sâu trong cách làm việc của không ít BV, nay phải thay đổi hoàn toàn chắc không thể thực hiện được trong thời gian ngắn”.
Chị Thanh, giáo viên, bị bệnh về đường tiêu hóa đang điều trị tại một BV ở Hà Nội, cho biết: “Tôi được chỉ định làm một số xét nghiệm, thế mà mất 2 ngày vật vờ ở BV mới xong. Đã vậy, đôi lúc thắc mắc nhờ nhân viên giải thích thì nhận được thái độ gắt gỏng, lạnh lùng”. Bà Trần Thị Phương, 46 tuổi, đến KCB tại BV K, chia sẻ: “Đến BV sớm chờ đợi lấy số khám trước mấy giờ còn khó, nói gì đến chuyện gọi điện thoại đăng ký!”. |
. Theo NLĐ |