Giảm 20% giá điện giờ cao điểm sáng
15:13', 3/7/ 2009 (GMT+7)

Đề xuất mới về giá điện của Bộ Công thương sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất. - Trong ảnh: Dây chuyền kéo sợi tại Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (huyện Củ Chi - TPHCM).

Đó là đề xuất của Bộ Công Thương trình Chính phủ nhằm giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp. Mức giảm tối đa 20% này được đề xuất thực hiện từ ngày 1.8.2009.

Bộ Công Thương vừa hoàn tất kết quả khảo sát, đánh giá tác động của quy định giá điện giờ cao điểm sáng (từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, áp dụng từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần) sau ba tháng triển khai áp dụng; đồng thời, bộ cũng trình Chính phủ hai phương án điều chỉnh.

Doanh nghiệp tốn thêm tiền điện

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương phân tích quy định giá điện giờ cao điểm sáng đã có tác động tích cực đến việc dịch chuyển biểu đồ phụ tải, làm giảm đáng kể tình trạng thiếu công suất của hệ thống điện quốc gia.

Việc áp dụng quy định giá điện giờ cao điểm sáng đã thúc đẩy thói quen sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy quy định này đã làm tăng chi phí tiền điện và tăng tỉ lệ tiền điện trong tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp (DN).

Tác động của giá điện giờ cao điểm sáng được tính theo sự chênh lệch giữa tỉ lệ tiền điện giờ cao điểm trong tổng chi phí tiền điện của từng tháng với tỉ lệ tiền điện giờ cao điểm trong tổng chi phí tiền điện năm 2008.

Khảo sát tại hơn 40.000 DN cho thấy 63% - 72% tổng số DN tăng chi phí tiền điện dưới 10%. Tỉ lệ DN có chi phí tiền điện tăng trên 20% là 13,28% - 15,17% DN. Đây là các DN chủ yếu sản xuất một ca, tập trung trong giờ hành chính và sử dụng công suất phần lớn vào giờ cao điểm sáng.

Kết quả khảo sát trực tiếp tại DN trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Long An và TP Hà Nội cho thấy tỉ lệ chi phí tiền điện tăng thêm của các đơn vị trong tháng 3 khoảng 2,26% - 22,6%, mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất hoặc tổng doanh thu của DN khi áp dụng cơ chế giờ cao điểm khoảng từ 0,04% - 0,07%.

Tính riêng tiền điện tăng thêm do áp dụng giờ cao điểm trong tháng 4 của các đơn vị này khoảng 4,16% - 17%. Trong đó, cá biệt có DN có chi phí giảm 0,39% - 1,56% do tránh sử dụng điện giờ cao điểm sáng. Tỉ lệ chi phí tiền điện tăng thêm trong tháng 5 là 1,85% - 15,23%. Mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất hoặc tổng doanh thu của DN khoảng 0,08% - 0,57% trong tháng 4 và khoảng 0,04% - 0,69% trong tháng 5.

Giá điện bình quân giảm 0,5%

Quan điểm của Bộ Công Thương là vẫn giữ nguyên phương án tính giá điện giờ cao điểm nhưng để tháo gỡ một phần khó khăn cho DN, Bộ Công Thương đề xuất hai phương án giải quyết.

Phương án 1: Giữ nguyên quy định giờ cao điểm sáng, chỉ xem xét giảm mức giá điện tối đa 20% kể từ ngày 1.8.2009 cho đến khi có điều chỉnh giá điện tiếp theo. Đối tượng được giảm giá là các DN sản xuất quy mô nhỏ, mua điện ở các cấp điện áp từ 35/22 KV trở xuống.

Như vậy, tổng doanh thu bán điện sẽ giảm khoảng 350 tỉ đồng. Giá bán điện bình quân năm 2009 sẽ giảm 0,5%, từ mức 948,5 đồng/KWh hiện nay xuống 943,7 đồng/KWh. Tỉ trọng chi phí tiền điện tăng thêm do giá điện giờ cao điểm sáng của hầu hết các DN nhỏ và vừa sẽ được đưa xuống dưới mức 10%.

Phương án 2: Vẫn áp dụng quy định giờ cao điểm sáng và giữ nguyên mức giá như hiện hành vì đây là giải pháp cần thiết để khuyến khích tiết kiệm điện, giảm thiểu cắt điện, giảm áp lực đầu tư vào các nguồn điện mới đắt tiền... Ưu điểm của phương án này là giữ ổn định, không phải điều chỉnh biểu giá điện hiện hành cũng như doanh thu và tỉ suất lợi nhuận của DN kinh doanh điện.

Tuy nhiên, phương án này phần nào làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm của nhiều DN quy mô nhỏ và vừa, sản xuất một ca, lại khiến dư luận băn khoăn.

Từ thực tế đó, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ thực hiện phương án 1.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Trước năm 2007, điện sinh hoạt và điện chiếu sáng chiếm tỉ trọng lớn nhất nên giờ cao điểm điện rơi vào buổi tối, từ 17 giờ đến 22 giờ, vì vậy trong biểu giá điện chỉ có một giá điện giờ cao điểm tối. Từ năm 2007 đến nay, điện sản xuất đã chiếm hơn 50% nên cao điểm hệ thống điện đã dịch chuyển một phần sang buổi sáng, từ 9 giờ đến 12 giờ. Cùng với tăng giá điện, từ ngày 1.3.2009, Chính phủ đồng ý bổ sung giá điện giờ cao điểm sáng từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, áp dụng từ ngày thứ hai đến thứ bảy hằng tuần.

Từ khi áp dụng giá điện giờ cao điểm sáng, nhiều DN thông qua hiệp hội và các hội thảo đã phản ánh họ gặp rất nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng. Từ thực tế này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có văn bản đề nghị cân nhắc, xem xét lại việc áp dụng quy định nói trên trong bối cảnh đa số DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Ngày 12-5, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 3033/VPCP-KTTH chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, đánh giá và báo cáo về tác động của giá điện giờ cao điểm sáng.

. Theo NLĐ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lễ hội carnaval đường phố tại Phú Yên  (03/07/2009)
Hơn 800.000 thí sinh làm thủ tục đợt thi đầu tiên  (03/07/2009)
Công bố 3 luật và 1 nghị quyết  (03/07/2009)
Hơn 800 nghìn thí sinh làm thủ tục thi ĐH đợt 1  (03/07/2009)
Thử nghiệm bán lẻ trực tuyến sang Mỹ  (02/07/2009)
Dung Quất pha trộn thành công xăng A92, A95  (02/07/2009)
VN có thể tạm ngừng xuất khẩu cà phê  (02/07/2009)
Đầu năm 2010, có xe hơi Nissan "made in Vietnam"  (02/07/2009)
Cước vận tải hành khách cố định sắp tăng ít nhất 7 - 10%  (02/07/2009)
Cúm A/H1N1 có thể phát triển mạnh vào mùa đông  (02/07/2009)
Kinh tế Việt Nam xuất hiện nhiều dấu hiệu phục hồi  (02/07/2009)
Dâng hương kỷ niệm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh  (02/07/2009)
Người thu nhập thấp được thuê nhà xã hội ít nhất 10 năm  (01/07/2009)
Quảng Bình phát hiện 3 hang động mới tuyệt đẹp  (01/07/2009)
Vì sao doanh nghiệp xăng dầu cứ kêu lỗ, xin tăng giá?  (01/07/2009)