|
Lực lượng cứu hộ đang sơ tán người dân ở Cao Bằng. |
Sau những ngày nắng nóng kéo dài, các tỉnh miền Bắc đang đối mặt với mưa lớn. Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp qua Bắc bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Hàng chục người đã thiệt mạng, nhà cửa, cơ sở hạ tầng tại các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang… bị hư hỏng nặng. Theo số liệu thống kê ban đầu, tính đến 17h ngày 5.7 đã có 31 người chết và mất tích.
Sau những ngày nắng nóng kéo dài, các tỉnh miền Bắc đang đối mặt với mưa lớn. Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp qua Bắc bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Hàng chục người đã thiệt mạng, nhà cửa, cơ sở hạ tầng tại các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang… bị hư hỏng nặng. Theo số liệu thống kê ban đầu, tính đến 17h ngày 5.7 đã có 31 người chết và mất tích
Hai ngày qua, lượng mưa đo được tại các tỉnh miền núi phía Bắc khá cao: Trùng Khánh (Cao Bằng) 149mm, Bắc Mê (Hà Giang) 126mm, Chợ Rã (Bắc Kạn) 138mm...
Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang trong cơn lũ dữ
Tại Lai Châu, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Đào Ngọc Hướng, phó trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, cho biết: tính đến chiều ngày 5.7 đã có một người thiệt mạng do mưa lũ tại huyện Tam Đường. Mưa lớn đã làm sạt lở nhiều tuyến đường, hàng chục hộ dân ở huyện Tam Đường phải di chuyển khẩn cấp. Tuyến đường từ Tam Đường đi Khun Há bị cô lập hoàn toàn. Tại huyện Phong Thổ có bảy xã vùng cao thì sáu xã đang bị cô lập, 200 hộ dân nơi đây cũng đang cần di chuyển đến khu tái định cư tạm thời phòng mưa lớn còn kéo dài. Hiện công tác di dời đang được triển khai.
Tại Cao Bằng, theo thống kê sơ bộ của ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cao Bằng mưa lũ đã làm ba người thiệt mạng, hai trẻ em bị mất tích vẫn chưa được tìm thấy, 11 nhà dân bị sạt lở hoàn toàn, 11 nhà bị vùi lấp và hư hỏng, hàng trăm nhà dân bị ngập, trên 300ha lúa và hoa màu bị ngập úng và nhiều gia súc, gia cầm bị chết.
Đặc biệt, tuyến quốc lộ 34 đoạn từ thị xã Cao Bằng đi huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm bị ngập và sạt lở đất nhiều đoạn gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Đến 9h sáng nay, các lực lượng cứu hộ đã thông đường từ Nà Pồng, xã Lý Bôn đến thị trấn Pác Miều (huyện Bảo Lâm) được 17km, hiện vẫn đang khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở tại Km13 đến Km14 và Km19. Tuy nhiên, tại Km95 từ thị xã Cao Bằng đến huyện Bảo Lạc, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 45km bị sạt taluy dương khoảng 200m với khối lượng trên 10.000m3 nên đến thời điểm này vẫn chưa thể thông tuyến.
Ngoài ra, mưa to cũng gây sạt lở đất, tắc đường, ngập úng hoa màu tại các huyện Hạ Lang, Quảng Uyên, Hà Quảng...
Tại thị xã Cao Bằng, mực nước sông Bằng Giang đã làm ngập trên 500 nhà dân khiến nhiều gia đình phải sơ tán, vận chuyển tài sản ngay trong đêm 4.7, nhiều diện tích lúa, hoa màu đang bị thu hoạch bị lũ cuốn trôi, ngập úng nặng.
Theo ông Nông Minh Giáng, phó chánh văn phòng ban chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai tỉnh Cao Bằng, hiện thời tiết đã không còn mưa nhưng do mưa kéo dài nhiều ngày nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất cao. Còn tại Hà Giang, theo ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đến chiều 5.7 đã có ít nhất hai người ở huyện Bắc Mê và Hoàng Su Phì bị lũ cuốn trôi. Đặc biệt, có 70 hộ dân thuộc khu vực nguy cơ đất đá tiếp tục sạt lở nên UBND tỉnh đã quyết định di dời toàn bộ 70 hộ dân này đến nơi an toàn.
Bắc Kạn là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất do mưa lớn. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ (do đường sá chia cắt, liên lạc bị gián đoạn), tính đến cuối giờ chiều 5.7, đã có 13 người chết và 11 người mất tích thuộc hai xã Công Bằng và Nhạn Môn (huyện Pác Nặm). Hiện giao thông vào hai xã này vẫn chưa thông. Mưa lũ làm năm hộ dân bị sập hoàn toàn nhà cửa, 88 hộ bị ngập nặng, ngập úng trên 50ha hoa màu ở các xã: Nhạn Môn, Công Bằng, Giáo Hiệu (huyện Pác Nặm). Hiện các lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nên chắc chắn số người chết, bị thương và mất tích sẽ còn tăng.
Mưa lớn sẽ còn bao trùm khu vực
Bà Nguyễn Lan Châu, phó giám đốc trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trong 1 – 2 ngày tới, thời tiết các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Mưa lớn sẽ vẫn bao trùm toàn bộ khu vực này. Những khu vực miền núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Mưa lớn như hai hôm vừa qua không còn nhưng vẫn có mưa nhỏ. Mực nước các sông Lô, sông Hồng và Thái Bình tiếp tục lên cao trong những ngày tới.
Trước tình hình mưa lũ, văn phòng thường trực ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện gửi bộ Công thương, tập đoàn Điện lực Việt Nam, trung tâm Điều độ điện quốc gia, công ty Thủy điện Tuyên Quang, thông báo mở cửa xả đáy các hồ thủy điện Tuyên Quang và Hòa Bình. Đến ngày 5.7, hồ Tuyên Quang đang mở hoàn toàn ba cửa xả đáy. Hồ Hòa Bình mở một cửa xả đáy.
Theo trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông báo mực nước trên sông Đà lúc 16h ngày 5.7 tại Mường Lay (Điện Biên) là 175,98m, dưới mức báo động (BĐ) 2 là 1,02m; tại Quỳnh Nhai (Sơn La) 144,01m, trên BĐ1 là 1,51m; mực nước tại Tuyên Quang là 24,76m, trên mức BĐ2 là 0,76m. Dự báo lũ các sông thuộc hệ thống sông Đà tiếp tục lên. Do hồ Hòa Bình mở hai cửa xả đáy, hồ Tuyên Quang mở bốn cửa xả đáy nên mực nước hạ lưu sông Hồng sẽ lên nhanh, tại Hà Nội sẽ lên mức 7,1m lúc 7h ngày 6.7 và lên mức 8,8m lúc 7h ngày 7.7. Cần đề phòng lũ lên nhanh ở các bãi sông và ven sông ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình.
. Theo SGTT |