|
Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia hạnh phúc nhất (Ảnh vietrantour) |
Top 10 danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất theo bảng xếp hạng Chỉ số Hành tinh hạnh phúc do tổ chức News Economics Foundation – NEF - công bố hôm qua (4.7) không thuộc về một số nước giàu nhất, mà lại là các quốc gia có thu nhập trung bình ở Mỹ Latin, châu Á và Carribbe.
Việt Nam xếp ở vị trí thứ 5, là quốc gia châu Á duy nhất có mặt trong Top 10. Ở châu Á, Trung Quốc đứng thứ 20, Singapore ở vị trí 49, Hàn Quốc thứ 68, Nhật Bản thứ 75...
NEF - một nhóm nghiên cứu độc lập tại Anh - đưa ra chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) nhằm đo lường mức độ thỏa mãn cuộc sống của người dân, so với mức độ tiêu hao tài nguyên và khả năng tái tạo của hệ sinh thái. Theo NEF, HPI nhằm mục tiêu xây dựng một nền kinh tế mới “tập trung vào con người và môi trường”.
Trong danh sách công bố năm nay, Costa Rica được coi là nơi hạnh phúc nhất thế giới. Quốc gia Trung Mỹ này là một địa điểm du lịch hấp dẫn với những khu rừng mưa nhiệt đới cùng các bãi biển hoang sơ.
Cuộc thăm dò năm nay được tiến hành tại 143 quốc gia (chiếm 99% dân số thế giới). Những nước châu Mỹ Latin chiếm tới 9/10 vị trí đầu bảng.
Hiện diện ở top 5 còn có Cộng hòa Dominica, tiếp theo là Jamaica, Guatemala.
Trong khi đó, những nước giàu có trên thế giới lại không đạt thứ hạng cao. Ví dụ, Anh xếp thứ 74 còn Mỹ ngậm ngùi ở vị trí 114, nguyên nhân là quá nặng về tiêu dùng và ảnh hưởng lớn tới sinh thái học.
Theo báo cáo của NEF, cách đây 20 năm, Mỹ xanh và hạnh phúc hơn ngày nay. Một số quốc gia đông dân như Trung Quốc hay Ấn Độ vì theo đuổi mạnh mẽ các mô hình dựa trên phát triển nên xếp hạng không cao.
Đứng đầu những nước hạnh phúc nhất ở EU là Hà Lan (thứ 43), Pháp ở vị trí 71 và Đức thứ 51. Cuối danh sách do NEF công bố là Zimbabwe và những quốc gia nghèo ở châu Phi, nơi tuổi thọ trung bình và mức độ hạnh phúc ở mức thấp.
Theo các chuyên gia kinh tế, các nước giàu lại xếp hạng không cao về HPI do “dấu ấn carbon” (mức độ tiêu dùng tài nguyên tính trên đầu người) khá lớn.
"Khi thế giới phải đối mặt với khủng hoảng tài chính, thay đổi khí hậu, sự cạn kiệt trong khai thác dầu mỏ, chúng ta lập tức cần một con đường mới dẫn dắt chúng ta”, Nic Marks, nhà sáng lập ra NEF nói.
Marks còn kêu gọi các nước có biện pháp thay đổi trước khi "lối sống nặng về tiêu dùng đẩy chúng ta vào những hỗn loạn không thể đảo ngược từ thay đổi khí hậu”.
. Theo VNN/CNN, telegraph, AFP |