Sẽ chấm thi theo hướng mở?
8:59', 11/7/ 2009 (GMT+7)

Niềm vui của thí sinh dự thi vào Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM sau khi thi môn tiếng Anh

Chiều 10.7, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo ngay sau hai đợt thi ĐH của kỳ thi tuyển sinh năm 2009 vừa kết thúc. Nhìn lại cả hai đợt thi, bà Trần Thị Hà - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo tuyển sinh - thừa nhận vẫn còn một số mặt hạn chế và sai sót.

Nổi bật là sai sót trong việc in sao đề thi môn vật lý khối A tại Trường ĐH Quy Nhơn ảnh hưởng đến bài thi của gần 34.000 thí sinh.

Về phía thí sinh, tuy số trường hợp bị xử lý do vi phạm quy chế giảm nhưng chiếm tới 74% là những trường hợp phải xử lý ở mức cao nhất (đình chỉ thi), trong đó chủ yếu do mang điện thoại di động vào phòng thi.

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Ban chỉ đạo tuyển sinh đã trả lời một số vấn đề liên quan đến kỳ thi đang được dư luận quan tâm.

* Tuổi Trẻ: Bộ GD-ĐT có tiếp tục làm rõ nguyên nhân dẫn đến sai sót đề thi ở cụm thi Quy Nhơn? Có xem xét đến các nguyên nhân khác, đặc biệt những dấu hiệu nghi vấn về vai trò của con người trong sự cố này?

- Ông Trần Văn Nghĩa (phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục): Đến thời điểm này chưa khẳng định được nguyên nhân chính thức trong khâu in sao đề thi dẫn đến sai sót nội dung của đề thi vật lý khối A do nhóm làm nhiệm vụ in sao đề thi cũng vừa mới hoàn thành công việc, kết thúc giai đoạn cách ly hoàn toàn để bảo mật đề thi.

- Thứ trưởng Phạm Vũ Luận: Dù là nguyên nhân nào cũng có thể khẳng định có trách nhiệm của con người, cụ thể là của những người thực hiện việc in sao đề thi. Bộ đã có hướng dẫn, quy định chi tiết quy trình, những công việc phải thực hiện... nhưng cơ sở in sao đề thi ở Quy Nhơn đã không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Tới đây, bộ sẽ yêu cầu ĐH Quy Nhơn kiểm tra, làm rõ và có báo cáo giải trình cụ thể, chi tiết hơn, xác định rõ sai ở bước nào. Đồng thời chúng tôi cũng đề nghị cơ quan an ninh vào cuộc, trước hết là cơ quan an ninh tại địa phương, để có kết luận cuối cùng, chính thức về nguyên nhân dẫn đến sai sót. Hiện bộ đã có văn bản yêu cầu ĐH Quy Nhơn phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong sự cố này.

* Pháp Luật TP.HCM: Bộ sẽ có giải pháp nào để hạn chế tình trạng hồ sơ ảo, thí sinh ảo?

- Bà Trần Thị Hà: Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, năm nay tỉ lệ ảo có xu hướng giảm: trong khi số lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm 3% so với năm trước thì tỉ lệ và số lượng thí sinh đến dự thi thực tế lại tăng. Tuy nhiên, nếu đòi hỏi phải có một biện pháp chống ảo hoàn toàn thì chỉ có giải pháp quy định mỗi thí sinh chỉ được nộp một hồ sơ đăng ký dự thi vào một trường ĐH. Quy định như vậy ai lợi, ai thiệt? Các trường sẽ lợi vì số lượng thí sinh dự thi thực nhưng thí sinh thiệt vì bị hạn chế sự lựa chọn. Các em phải nộp hồ sơ từ tháng 3, còn rất lâu mới đến kỳ thi, nếu còn băn khoăn, chưa có quyết định cuối cùng thì cũng không có cơ hội lựa chọn... Bộ dự định có giải pháp là từ kỳ thi tuyển sinh năm sau sẽ đề nghị được thực hiện việc thí sinh nộp hết cả lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí dự thi cùng lúc khi nộp hồ sơ thay vì tách thành hai khoản như hiện nay, để nhà trường chủ động, đảm bảo kinh phí trong việc tổ chức thi.

Môn văn có chấm theo hướng mở?

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về vấn đề dư luận đang quan tâm là “cách ra đề văn theo hướng mở, khuyến khích sự sáng tạo và phát biểu cảm nhận cá nhân của thí sinh có phải là một chủ trương đổi mới cách ra đề thi của Bộ GD-ĐT”, ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - cho biết:

- Thực chất từ năm 2004, nghị quyết 37 của Quốc hội về việc cải tiến thi cử, giảm căng thẳng, tốn kém, hạn chế tình trạng học sinh học tủ, học vẹt, gian lận, phát huy năng lực tư duy, khả năng sáng tạo của học sinh..., Bộ GD-ĐT đã từng bước triển khai nhiều việc: tổ chức thi trắc nghiệm, xây dựng đề án kỳ thi THPT quốc gia... Việc đổi mới ra đề thi chỉ là một trong những khâu nhằm hướng đến mục tiêu trên. Với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, không chỉ đề văn mà cả đề thi các môn khác, Bộ GD-ĐT có định hướng chỉ đạo chung theo tinh thần trên, việc này cũng phù hợp với sự mong đợi của xã hội. Còn việc ra đề thi cụ thể thế nào, hỏi về vấn đề gì Bộ GD-ĐT không can thiệp sâu mà là quyền của ban đề thi.

* Vậy với một đề thi mở như vậy, đáp án và hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT có được xây dựng theo hướng mở để ghi nhận sự sáng tạo của thí sinh?

- Ông Trần Văn Nghĩa: Biểu điểm của môn văn năm nay không khác nhiều so với các kỳ thi tuyển sinh trước nhưng trong hướng dẫn chấm thi gửi tới các hội đồng, Bộ GD-ĐT sẽ chú ý để có hướng dẫn chi tiết.

- Thứ trưởng Phạm Vũ Luận: Thí sinh không có gì phải lo ngại về việc chấm thi ở môn văn. Trước khi chấm thi chính thức, các hội đồng chấm thi phải thực hiện triệt để việc thảo luận đáp án, biểu điểm và thống nhất cách chấm, để không chỉ đối với chấm môn văn mà các môn thi khác đều có kết quả đáng tin cậy, đánh giá đúng trình độ, năng lực của thí sinh.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Yêu cầu Trung Quốc thả ngay và không điều kiện 12 ngư dân VN  (10/07/2009)
Bắt đầu một đợt nắng nóng mới cùng áp thấp  (10/07/2009)
Kết thúc đợt 2 kỳ thi ĐH: 120 thí sinh bị đình chỉ thi  (10/07/2009)
Ban Bí thư ra Chỉ thị về kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ   (10/07/2009)
Hơn 71% thí sinh dự thi  (09/07/2009)
Xuất xưởng mẻ dầu diesel "made in VN" đầu tiên  (09/07/2009)
Hàng ngàn ha lúa đang chết do hạn hán  (09/07/2009)
Xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2009: Phấn đấu đạt kim ngạch 6,2 tỷ USD/tháng  (09/07/2009)
Chỉ 67% thí sinh làm thủ tục dự thi  (09/07/2009)
Chính sách kích cầu du lịch  (08/07/2009)
Ngày làm thủ tục dự thi ĐH đợt 2: Giấy báo dự thi vẫn còn nhiều sai sót  (08/07/2009)
Giá sữa ở VN cao bất hợp lý  (08/07/2009)
Quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng 5%  (08/07/2009)
Khởi tố, bắt giam Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim  (07/07/2009)
Rà soát lại toàn bộ công tác chuẩn bị cho việc tuyển sinh ĐH-CĐ đợt II  (07/07/2009)