Giá cả rục rịch tăng:
Linh hoạt chống tái lạm phát
15:5', 17/7/ 2009 (GMT+7)

Nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa, tăng cường hợp tác xuất khẩu là những biện pháp chống lạm phát trong những tháng cuối năm.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI nửa đầu năm 2009 chỉ tăng 2,68% so với cuối năm 2008. Kết quả này khiến nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, đã đến lúc tập trung nguồn lực để khôi phục tăng trưởng kinh tế.

Song nhiều quan điểm đưa ra tại cuộc hội thảo "Phân tích diễn biến thị trường giá cả năm 2009 và dự báo" diễn ra ngày 16.7 tại Hà Nội cũng cảnh báo: Ngay sau khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi, giá nhiều mặt hàng sẽ tăng trở lại kéo theo nguy cơ tái lạm phát.

Những "làn sóng lạ"

Trong bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng khi đạt tốc độ tăng trưởng dương (3,9%). Tiến sĩ (TS) Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận xét, năm 2008, diễn biến giá cả đã vượt khỏi quy luật thông thường, hậu quả là lạm phát tăng đột biến.

6 tháng đầu năm 2009, tính quy luật của diễn biến giá cả đã phục hồi. Giá thị trường 2 tháng đầu năm tăng cao do ảnh hưởng của tiêu dùng trong dịp Tết; sau đó đã giảm trong tháng 3 và tăng nhẹ đều đặn cho tới tháng 7.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, 6 tháng đầu năm đã xuất hiện một số "làn sóng" giá cả khác thường so với xu hướng thế giới. Đầu tiên là cú "lội ngược dòng" của giá sữa nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức tăng thành nhiều đợt để lách luật chống độc quyền. Thứ hai là cơn sốt của thị trường chứng khoán (TTCK) vào cuối quý I, đầu quý II-2009. Giá trị vốn hóa của TTCK đã tăng chóng mặt, từ mức chiếm 15% GDP lên mức 32% GDP, chỉ trong vài chục ngày. Thị trường bất động sản có dấu hiệu nóng dần trong khi thị trường thế giới vẫn trầm lắng. Cuối cùng là việc tăng lãi suất ngân hàng (khởi động hồi cuối tháng 6, đầu tháng 7-2009) cũng khác biệt với xu hướng kiềm chế lãi suất trên thị trường tài chính thế giới. Tham gia vào xu hướng tăng giá còn có nhóm hàng thực phẩm, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng…

Qua diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm, các chuyên gia kinh tế dự báo, CPI cả năm 2009 sẽ khoảng 7%. Tuy nhiên, lạm phát có khả năng tái diễn bất cứ lúc nào, thậm chí xuất hiện ngay trong những tháng cuối năm 2009 trong bối cảnh cung tiền ra thị trường tăng mạnh do nhiều quốc gia thực hiện các gói kích thích kinh tế; thâm hụt ngân sách ở mức cao.

Chống lạm phát "từ xa"

TS Vũ Đình Ánh cho rằng, trong những tháng cuối năm 2009, Việt Nam sẽ chịu áp lực tăng giá nguyên liệu cơ bản do tiếp tục phải nhập khẩu với tỷ lệ lớn những mặt hàng này. Vì vậy, áp lực tăng giá trong nước do ảnh hưởng của giá thế giới rất nặng nề, điển hình là giá xăng dầu, đã liên tiếp phải điều chỉnh theo hướng tăng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng khác cũng có thể gây áp lực lên CPI trong những tháng cuối năm. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan mới đây cũng nhận xét, ngay sau khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhờ các gói kích cầu giá trị lớn, giá cả hàng hóa sẽ tăng trở lại. Nhiều quốc gia sẽ tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu hàng tồn kho sang các thị trường dễ tính. Nếu không có chính sách ứng phó linh hoạt, lạm phát sẽ trở lại kèm theo tình trạng nhập siêu tăng mạnh.

Nhận xét về nguy cơ tái lạm phát, ông Phan Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, các yếu tố làm tăng giá 6 tháng cuối năm sẽ nhiều và lớn hơn yếu tố giảm giá. Bởi đến hết tháng 6.2009, lượng tiền cung ứng đã tăng cao so với tổng phương tiện thanh toán, tăng hơn 16%; tín dụng tăng 17%. Đây là kết quả của chính sách hỗ trợ lãi suất. Với độ trễ tác động của tiền cung ứng (khoảng 6 tháng), nếu không có biện pháp hút tiền về, lạm phát sẽ diễn ra ngay trong năm 2009. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân lại cho rằng, mặc dù lạm phát có thể xảy ra, song khả năng này sẽ bị khống chế bởi một số tác động tích cực của nội tại nền kinh tế. Thứ nhất là giá các mặt hàng thiết yếu được giữ khá ổn định; vụ đông xuân vừa qua được mùa lớn và vụ hè thu tại phía Nam và phía Bắc dự kiến sẽ đạt sản lượng cao. Điều này sẽ tạo điều kiện để bình ổn giá lương thực. Theo ông, cần coi trọng kích cầu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; bên cạnh đó, nên rà soát quá trình thực hiện gói kích thích kinh tế, từ đó, giúp đẩy mạnh sản xuất và tạo việc làm cho người dân. TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, các gói kích thích kinh tế sẽ tác động tích cực tới tổng cung và tổng cầu xã hội thông qua "bàn tay của Nhà nước" theo hướng khuyến khích đầu tư và mở rộng quy mô tiêu dùng. Bên cạnh đó, những hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại được tài trợ từ gói kích cầu, nếu thực hiện hiệu quả sẽ tác động tích cực đến phát triển KT-XH…

Mặc dù kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, song các chuyên gia kinh tế đều nhận định việc đưa ra những chính sách điều hành linh hoạt, thận trọng sẽ là một trong những yếu tố hiệu quả giúp ngăn ngừa lạm phát, hỗ trợ kinh tế phát triển hợp lý.

. Theo HNM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ảnh hưởng bão, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau gió giật cấp 9  (17/07/2009)
Chi 10.000 tỉ đồng xây sân bay quốc tế Cam Ranh  (17/07/2009)
Tập trung hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo ở các tỉnh Tây Nguyên  (17/07/2009)
Tăng trưởng kinh tế để nâng cao sức mạnh giữ nước  (17/07/2009)
Bảo hiểm y tế cho thanh niên xung phong thời kỳ chống Pháp  (16/07/2009)
Thí sinh vi phạm kỷ luật tăng cao  (16/07/2009)
Tàu cá của ngư dân lại bị đâm chìm  (16/07/2009)
Chưa giảm giá xăng dầu: Vì sao?  (16/07/2009)
Buổi đầu đợt thi cao đẳng diễn ra yên ắng  (15/07/2009)
Thực hiện nghiêm túc Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2009 (đợt 2)  (15/07/2009)
Không giảm giá xăng dầu  (15/07/2009)
Hết tháng 10, cấp xong mã số thuế cá nhân  (15/07/2009)
Doanh nghiệp xăng dầu không hề lỗ  (15/07/2009)
Gần 310.000 lượt thí sinh thi cao đẳng  (15/07/2009)
Bị can Phạm Tiến Dũng trong vụ PMU 18 đã chết  (14/07/2009)