|
Trang thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đứng đầu về mức độ cung cấp dịch vụ hành chính công. |
Ở các cơ quan bộ và ngang bộ của Việt Nam, có tới 33% số hộp thư điện tử của cán bộ, công chức không được sử dụng.
Thông tin trên được Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Phạm Văn Hải công bố trong báo cáo về tỷ lệ sử dụng thư điện tử trong công việc của cán bộ, công chức cấp trung ương và địa phương, tại hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2009, ngày 16.7.
Tỷ lệ hộp thư điện tử được cấp cho cán bộ, công chức để phục vụ trong công việc là 80%, nhưng 33% số hộp thư điện tử không được sử dụng.
Tỷ lệ ứng dụng triển khai họp trực tuyến ở cấp trung ương là 63% trong khi cấp địa phương chỉ đạt 38%.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trang thông tin điện tử của thành phố Hồ Chí Minh (www.hochiminhcity.gov.vn) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (www.agroviet.gov.vn) đứng đầu trong xếp hạng tổng thể quốc gia hiện nay về trang tin điện tử và mức độ cung cấp dịch vụ hành chính công.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá một trong những khía cạnh thành công nhất của thực thi Chính phủ điện tử là việc “Chính phủ đã tổ chức họp qua mạng với 63 tỉnh ,thành phố". Ông cho biết trước đây, mỗi tỉnh phải cử 2-3 người đi họp, tức có từ 120-200 người của 63 tỉnh và thành phố, mất 500-800 triệu đồng nhưng hiện nay "họp qua mạng, số lượng người họp tới 1.000 người mà chi phí thì giảm rất nhiều."
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng những khó khăn trong việc xây dựng Chính phủ điện tử cần được giải quyết triệt để hơn, nhất là điều chỉnh các văn bản quản lý đầu tư phù hợp với đặc thù và yêu cầu đầu tư nhanh của Công nghệ thông tin, tránh lãng phí lớn.
Báo cáo của các địa phương tại Hội thảo, về việc thực hiện kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước cho thấy những thành công, thất bại và bài học kinh nghiệm rất khác nhau.
Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương đi đầu cả nước trong việc chuẩn bị nền tảng thực hiện Chính phủ điện tử cho biết họ đã thành công nhờ có một cơ chế mạnh. Trong khi đó, Đà Nẵng, Long An, Lào Cai… phải vận dụng nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện nhiệm vụ này, bao gồm cả vốn trung ương, vốn địa phương, ODA và vốn đối tác.
Tuy vậy, đến nay Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương vẫn chưa giải quyết được khó khăn về năng lực quản lý các dự án Công nghệ thông tin Nhà nước do đội ngũ nhân lực mỏng, được đào tạo ít, cơ chế lương hiện tại không thể giữ chân người giỏi.
Các cơ quan bộ, ngang bộ và 45 tỉnh, thành phố tham dự hội thảo này đều thừa nhận việc xây dựng nền tảng Chính phủ điện tử là “công việc Nhà nước phải trực tiếp làm” và mục tiêu quan trọng nhất của nó là tạo ra môi trường thuận lợi để cung ứng các dịch vụ phục vụ con người và nền kinh tế.
. Theo TTXVN |