Báo động cúm A/H1N1 chính thức lây lan trong cộng đồng
10:15', 23/7/ 2009 (GMT+7)

Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế): "Dịch cúm A/H1N1 đã bắt đầu lây lan trong cộng đồng tại Việt Nam".

Trước việc xuất hiện các chùm ca bệnh có lượng bệnh nhân lớn, đã có trường hợp lây nhiễm sang người thứ 3, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 22.7, Bộ Y tế thông báo dịch đã chính thức lây lan trong cộng đồng.

Điều chỉnh phương án đối phó dịch bệnh 

Tại buổi thông báo này, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) xác nhận: “Dịch cúm A/H1N1 ở Việt Nam đã bắt đầu lây lan trong cộng đồng. Đây đang là thời gian đầu của dịch bệnh, số lượng bệnh nhân nhiễm mới ồ ạt tăng lên, đặc biệt là tại ổ dịch trường trung học Ngô Thời Nhiệm trong TP.HCM”. 

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có một số điều chỉnh trong công tác giám sát, cách ly và điều trị bệnh nhân. 

Ông Nga cho hay, trong thời gian đầu, dịch mới bắt đầu lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế chỉ đạo tiếp tục theo dõi, giám sát, cách ly, xử lý dịch tễ kịp thời các trường hợp nhiễm cúm và nghi ngờ nhiễm cúm tại mọi hướng: cửa khẩu hàng không quốc tế, đường bộ, … 

Song song với việc này, công tác điều trị được tập trung cao độ hơn so với thời gian trước.  

Nay, lượng bệnh nhân ngày một nhiều lên khiến Bộ Y tế phải huy động các bệnh viện tuyến dưới có đủ điều kiện tham gia công tác điều trị hỗ trợ. 

Riêng về khâu xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên như bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Nhiệt đới, Nhi đồng I (hiện đang phải đảm nhiệm cả 2 việc: xét nghiệm và điều trị, đang trong tình trạng quá tải trầm trọng), Bộ Y tế đã triển khai tập huấn cho 15 tỉnh, thành phố trong cả nước có đủ điều kiện làm xét nghiệm để sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ, sau đó chuyển các kết quả các ca có nguy cơ lên viện tuyến trên. 

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã tiến hành tập huấn công tác điều trị, khám chữa bệnh nhân cúm A/H1N1 cho toàn bộ các tỉnh thành trong cả nước để trong trường hợp có quá nhiều người mắc bệnh và các viện tuyến trên không đủ khả năng tiếp nhận, địa phương đó sẽ chủ động điều trị cách ly bệnh nhân của tỉnh mình. 

Theo ông Nga, các tờ rơi phát tại các sân bay và nội dung tuyên truyền cho người dân cũng được thay đổi để phù hợp với giai đoạn mới của dịch bệnh. 

Trong thời điểm này, các sở y tế cần tăng cường mạnh mẽ các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm A(H1N1) tại cộng đồng, đặc biệt tại các cơ quan, trường học, các chùm ca bệnh để xử lý triệt để không để lan rộng ra cộng đồng; các cơ sở điều trị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, các phòng cách ly để thu dung, điều trị bệnh nhân; tổ chức trực luân phiên 24/24 các đội chống dịch cơ động, các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương. 

Nhà trường cần tập huấn chống cúm

Ngoài các bộ, ban ngành khác, Bộ Y tế đặc biệt lưu ý sở công thương các tỉnh thành trong cả nước nhanh chóng lên kế hoạch tổ chức cán bộ, công nhân viên tại các nhà máy, xí nghiệp, đơn vị sản xuất trực luân phiên, bố trí cán bộ dự phòng đảm bảo duy trì các dịch vụ thiết yếu phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của nhân dân như điện, nước, thực phẩm, xăng dầu.

Ngành giáo dục có liên quan chặt chẽ tới diễn biến dịch bệnh, bởi các trường học có thể bùng phát dịch bất cứ lúc nào. Ổ dịch lớn nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này cũng xuất hiện tại một trường học. 

Ông Nga đề nghị, khi mùa tựu trường đã gần kề, ngành giáo dục cần chỉ đạo toàn bộ các đơn vị tập huấn cho cán bộ, giáo viên, giảng viên, sinh viên, học sinh cách phòng tránh cúm và cách xử lý khi có dấu hiệu mắc bệnh. 

 

Trường Ngô Thời Nhiệm đã trở thành bệnh viện dã chiến điều trị cúm A/H1N1. Số học sinh của trường bị nhiễm cúm ngày một tăng nhanh. Ảnh: VNN

 

Ngoài ra, do nguồn lực y tế có hạn, ngành giáo dục có thể hỗ trợ bằng cách huy động các học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động cứu hộ, tuyên truyền chống dịch khi có sự điều động của Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm A/H1N1. 

Đặc biệt, dịch bệnh có thể sẽ kéo dài, khó chấm dứt trong thời gian ngắn, việc đóng cửa trường học trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng lớn tới tiến độ học tập của các em học sinh, sinh viên. Vì vậy, ngành giáo dục cần nhanh chóng lên phương án học bù. 

Ông Nga lưu ý, tại Singapore, học sinh nghỉ học vì dịch cúm A/H1N1 có thể học trực tuyến. ngành giáo dục Việt Nam cũng cần nhanh chóng tìm cách giải quyết chương trình học hợp lý. 

Lực lượng quan trọng không kém chính là người dân. Để hạn chế thấp nhất những hậu quả do dịch bệnh gây ra, Bộ y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh tối đa cho bản thân và những người xung quanh, hạn chế đến mức thấp nhất những tiếp xúc gần gũi, trực tiếp với mọi người và cũng cần lên phương án cho chính mình và gia đình. 

Trong điều kiện các em học sinh nghỉ học nhiều, người dân cần tính toán để công việc và các hoạt động khác không bị ảnh hưởng bởi việc không có chỗ gửi con.

Ổ dịch trường trung học Ngô Thời Nhiệm đã có 89 ca dương tính 

Toàn bộ những em học sinh và các giáo viên nhiễm cúm ở trường Ngô Thời Nhiệm đã bắt đầu hết sốt. Tính đến chiều nay, trường Ngô Thời Nhiệm có thêm 28 em học sinh dương tính với cúm A/H1N1, nâng tổng số người nhiễm cúm tại trường này lên 89 người. 

Trong số 900 học sinh của trường trung học Ngô Thời Nhiệm tại quận 9 TP HCM (ở cả 3 cấp: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) có tới 700 em đến từ các địa phương lân cận với TP HCM như Đắc Lăk, Lâm Đồng, Bến Tre, … và hiện có nhiều em đã trở về gia đình. 

Bộ Y tế đã gửi danh sách cụ thể về từng địa phương và yêu cầu giám sát chặt chẽ nhưng các em di chuyển thường xuyên nên việc này không hề đơn giản. 

Hiện nay, một số tỉnh như Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng đã ghi nhận các ca dương tính là học sinh của trường này về địa phương nghỉ hè. 

Theo nhận định của Bộ Y tế, dù các ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng lên nhưng dịch bệnh ở đây đã tạm thời được kiểm soát, tình hình ổn định. Mọi công tác điều trị, cách ly vẫn được tiến hành chặt chẽ.

Ngày 22.7: Thêm 32 bệnh nhân

Trong ngày 22.7, Việt Nam đã có thêm 32 ca dương tính với cúm A/H1N1. Ngoài 28 ca tại miền Nam có 2 ca tại miền Bắc và 2 ca tại miền Trung.

Tính đến 17h ngày 22.7.2009, Việt Nam đã ghi nhận 475 trường hợp dương tính, không có tử vong. 

Số bệnh nhân đã ra viện là 332; 143 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng.

. Theo VNN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đưa trực thăng hiện đại phục vụ giàn khoan VietNamgazprom  (23/07/2009)
Giao dịch tiền mặt từ 200 triệu đồng trở lên phải báo cáo  (22/07/2009)
Tháo gỡ khó khăn, kích cầu trong nông nghiệp, nông thôn  (22/07/2009)
Việt Nam đối phó tốt trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu  (22/07/2009)
Virus cúm A/H1N1: Nguy cơ biến chủng độc lực cao  (22/07/2009)
Lập chỉ số đo sức mạnh của VND  (21/07/2009)
Chơi đề 20.000 đồng cũng bị xử lý hình sự  (21/07/2009)
Beeline chính thức trở thành mạng di động thứ 7 tại Việt Nam  (21/07/2009)
Hai trường ĐH đầu tiên công bố điểm thi  (21/07/2009)
Sabeco sắp lên sàn HoSE  (21/07/2009)
Sẽ tăng thuế nhập khẩu, chưa giảm giá xăng dầu  (21/07/2009)
Không được để dịch lây lan và bùng phát tại những nơi đông người  (21/07/2009)
Doanh nghiệp dệt may ký nhiều hợp đồng xuất khẩu  (20/07/2009)
Điểm trúng tuyển đại học có thể thấp hơn 2008  (20/07/2009)
Quản lý game online: Đảm bảo môi trường lành mạnh  (20/07/2009)