Báo cáo tổng kết năm học 2008 – 2009 do Bộ GD – ĐT công bố ngày 22.7 cho thấy, tình trạng học sinh yếu kém đã được khắc phục, học sinh bỏ học giảm 41% so với năm học trước.
Số lượng học sinh bỏ học cuối học kỳ I năm học 2008-2009 là 86.269 em, chiếm tỷ lệ 0,56% số học sinh phổ thông, giảm 41% so với cùng kỳ năm học 2007-2008 (147.005 em). Đặc biệt vùng ĐBSCL tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học giảm mạnh từ 1,63% học kỳ I năm học 2007-2008 xuống còn 0,88% học kỳ I năm học vừa qua.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận chất lượng giáo dục còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; đặc biệt ở các vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh yếu kém còn chiếm tỷ lệ khá cao. Quản lý hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập, hạn chế hiệu quả và chất lượng giáo dục; vẫn còn phổ biến tình trạng dạy theo cách “đọc - chép”...
Từ thực tế trên, Bộ yêu cầu toàn ngành giáo dục, trong vòng 2 năm bắt đầu từ năm học 2009 – 2010, phải chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua “đọc – chép” ở THCS và THPT. Theo đó, mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý; mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học; mỗi tỉnh có 1 chương trình đổi mới phương pháp dạy học.
. Theo SGGP
|