Thống kê chưa đầy đủ, tính riêng tại TP HCM và Hà Nội, hơn 4 triệu mét vuông đất công bị hoang hóa, vài chục triệu mét vuông đất công khác bị sử dụng sai mục đích.
Con số này khiến không ít người phải giật mình. Giật mình vì cung cách quản lý, giật mình vì đất công được nhiều tổ chức, doanh nghiệp coi như “chùm khế ngọt”, tha hồ vặt hái. Sự lãng phí đến xót xa cho một nguồn lực khổng lồ của toàn xã hội có rất nhiều lý do.
Một thực tế là rất nhiều kho bãi, nhà xưởng, đất đai công sản tại Hà Nội và TP HCM đều đang trong tình trạng: “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Có không ít tổ chức được giao, thuê đến hàng triệu mét vuông đất với giá rẻ như bèo. Đáng buồn hơn là chính những đơn vị “ôm” hàng nghìn mét vuông đất công này lại không thể quản lý được nên đa phần chọn phương án là... cho thuê lại để kiếm lời, cho dù biết cách làm này là không đúng quy định. Đâu đó người ta dễ dàng nhận thấy, nhiều khu đất vốn được giới bất động sản đánh giá là ở vị trị “vàng” giữa thành phố nhưng lại bị bỏ hoang nhiều năm hoặc làm bãi… giữ xe trước con mắt ngỡ ngàng của người dân. Cách thức cho thuê lại một cách đơn giản này đã giúp không ít đơn vị “kiếm” được tiền tỷ nhờ chênh lệch giá cho thuê của nhà nước quá thấp so với giá thị trường.
Tình trạng sử dụng đất công không hiệu quả, lãng phí dễ thấy nhưng tại sao lại không xử lý được? Một lý giải khá đơn giản là: cơ chế quản lý chồng chéo. Ví dụ, thực hiện chức năng quản lý nhà đất công trên địa bàn thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM thì có đến 3 sở là: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên- Môi trường và Sở Tài chính và các phòng ban trực thuộc UBND các quận, huyện. Chính vì có nhiều cấp, nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý đã dẫn đến việc không xác định được thẩm quyền cũng như trách nhiệm của cơ quan trong quản lý. Thêm vào đó, những vướng mắc trong quản lý và thiếu đồng bộ giữa các quy định làm hạn chế thẩm quyền thu hồi đất khi phát hiện sai phạm hoặc hướng xử lý vi phạm cũng có sự khác nhau.
Có một thực tế đáng buồn nữa là hiện nay nhiều cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát việc sử dụng nhà, đất công nhưng chỉ quản lý trên giấy tờ, số liệu sổ sách, còn thực tế khối tài sản công đó được sử dụng như thế nào thì gần như không biết. Chính vì thế mới xảy ra tình trạng nhà đất công bị lấn chiếm, bị tranh chấp, thậm chí bị bán lại cho tư nhân, hoặc bàn giao cho đơn vị khác quản lý... mà cơ quan quản lý không hề hay biết.
Xảy ra tình trạng mang tài sản công cho thuê tràn lan còn do sự thiếu trách nhiệm quản lý của người đứng đầu cơ quan hay đôi khi còn vì cả những lợi ích cục bộ của đơn vị, của tổ chức... Thể hiện rõ chính là ở các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là doanh nghiệp do Trung ương quản lý. Chính điều này dẫn đến hệ quả: nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhà nước được giao đất không thu tiền sử dụng hoặc cho thuê trả tiền hằng năm với giá rẻ như cho, nếu không cho thuê lại thì vẫn cương quyết “ôm” đất, chấp nhận để hoang hóa, làm ngân sách nhà nước thất thu một hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Về nguyên tắc, nhà đất công khi sử dụng sai mục đích, lãng phí phải thu hồi. Trách nhiệm ở đây thuộc về chính quyền địa phương, đơn vị quản lý trực tiếp địa bàn. Tất nhiên, hướng xử lý vi phạm cần có sự phối hợp của UBND địa phương với các bộ ngành dựa trên cơ sở Luật Đất đai và các quyết định của Chính phủ. Ngoài ra, đã đến lúc chúng ta cần kiên quyết xử lý các tổ chức sử dụng đất, người đứng đầu các tổ chức, đơn vị sử dụng đất khi có vi phạm.
Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí công sản cần một chính sách tài chính để điều chỉnh việc sử dụng công sản theo hướng nâng giá cho thuê sát với giá thị trường, không để cơ chế 2 giá tồn tại. Nếu thực hiện được điều này, chính các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp đang được giao đất, cho thuê đất sẽ không dám “ôm” đất nữa, không dám “lãng phí” đất nữa. Dùng biện pháp kinh tế, hay nói cách khác là dùng cơ chế thị trường sẽ buộc các tổ chức này phải tự điều chỉnh hành vi của mình.
Làm được như thế, sẽ đạt được 2 mục tiêu: Một là công bằng đối với các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của toàn xã hội và đất đai. Hai là ngân sách nhà nước sẽ có thu thêm được hàng chục nghìn tỷ đồng.
. Theo VOV |