Trước sự nóng - lạnh bất thường của thị trường lúa gạo, các chuyên gia phân tích trong nước cho rằng, chủ trương tốt nhất lúc này là có bao nhiêu gạo thì xuất hết bấy nhiêu để tận dụng cơ hội giá tốt và thời điểm tốt.
Thời điểm tốt để xuất khẩu?
Tại An Giang, nông dân đang bán lúa hè thu loại bình thường với giá từ 3.800 - 4.000 đồng/kg, tăng khoảng 50 đồng/tuần trước đó. Lúa chất lượng cao Jasmine cũng đang được thu mua tại Cụm chế biến lúa gạo huyện Phú Tân, An Giang với giá 4.600 đồng/kg, tăng khoảng 300 đồng/kg so với hồi cuối tháng 6. Ông Nguyễn Quang Lập, Phó phòng Kế hoạch, Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết: “Tuần qua, bà còn gặp khó khăn rất lớn khi gặp đợt mưa ròng khoảng một tuần đúng kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, hiện thương lái vào thu mua khá sôi động, giá cả đang tăng trở lại”.
Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp, nông thôn (Agroinfo) cho rằng: “Yếu tố kích giá lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua chủ yếu là do doanh nghiệp tập trung thu mua để giao hàng những hợp đồng đã ký”. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá thu mua lúa của các doanh nghiệp hiện ở mức 4.100 - 4.300 đồng/kg tùy loại. Giá gạo loại I khoảng 5.600 đồng/kg, gạo loại II khoảng 5.300-5.400 đồng/kg, tăng khoảng 100 - 200 đồng/kg so với cuối tháng 6. Chỉ tính nửa đầu tháng 7, doanh nghiệp đã ký bán 210.425 tấn gạo; trong đó giao 3,86 triệu tấn, trị giá gần 1,6 tỉ USD. So với chỉ tiêu dự kiến xuất khẩu 6 triệu tấn năm nay, số lượng gạo chưa ký hợp đồng chỉ còn trên dưới 600.000 tấn.
Theo bà Nguyễn Trang Nhung, chuyên gia của Agroinfo, mặc dù được đánh giá là ảm đạm trong quý II nhưng chính những ngày cuối quý II, thị trường gạo lại có sự khởi sắc bằng những đơn hàng xuất khẩu gạo lớn. Thị trường gạo năm nay có thể là sự lặp lại của kịch bản 2008 với sự tăng giá nửa đầu năm và giảm giá vào nửa cuối năm do dư cung và giá gạo xuất khẩu tụt dốc. Công tác xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể cũng vì thế mà gặp khó khăn, lượng xuất khẩu theo đăng ký có thể không được như dự kiến.
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích lúa gạo của Viện Nghiên cứu Thương mại đánh giá: “Chúng ta không có công nghệ dự trữ gạo như Thái Lan, càng để lâu càng bất lợi. Do đó, ngay từ bây giờ, có bao nhiêu cần xuất ra bấy nhiêu. Đó là một chủ trương đúng, vì khác với các nước khác, Thái Lan đã dự trữ là bắt buộc phải xuất ra, nên kiểu gì từ nay đến cuối năm họ cũng sẽ tung gạo dự trữ ra, khi đó, giá sẽ còn xuống thấp hơn nữa”.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Diễn biến thị trường lúa gạo trên thế giới hiện nay cho thấy, lượng cung đang vượt cầu. Tổng sản lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới năm 2009 có thể đạt 29,7 triệu tấn trong khi lượng nhập khẩu chỉ là 26,3 triệu tấn (tức còn dư 3,4 triệu tấn). Theo ông Phạm Quang Diệu, trong khi lượng gạo nhập khẩu của thế giới chỉ tăng 0,11% thì lượng xuất khẩu tăng tới 2,98% và dự trữ tăng 5,65%. Do đó, thị trường lúa gạo từ nay sẽ có những diễn biến khó lường.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: “Theo thông báo, cả Thái Lan và ấn Độ đang dự kiến sẽ tung ra một lượng gạo tồn kho lớn, trong đó, Thái Lan đang muốn tung ra 3,8 triệu tấn, ấn Độ là 2 triệu tấn, trước mắt sẽ tung ra 1 triệu tấn. Chính vì lý do này, các nước nhập khẩu đã chững lại để nghe ngóng diễn biến, dẫn đến giá lúa gạo trên thị trường thế giới tiếp tục giảm xuống”. Ông Nguyễn Đình Bích cho hay: “Con số tồn kho của Thái Lan khi kết thúc vụ này không chỉ dừng lại ở 3,5 triệu tấn mà có khả năng lên tới con số khổng lồ là 8 triệu tấn. Khả năng tiêu dùng của người dân Thái Lan để giải quyết số gạo dự trữ và tồn kho lại hầu như rất ít”.
Theo ông Bích, xét theo diễn biến của thị trường lúa gạo từ đầu năm 2008 đến giờ, sự “đứng yên” của thị trường gạo thế giới hiện nay là một điều hiếm gặp. Thực tế, giá gạo thế giới đã giảm xuống dưới 600 USD/tấn. Sở dĩ thời điểm này, Thái Lan chưa thể mở được kho dự trữ là do đang gặp vấn đề về giá giảm mạnh, chương trình đấu thầu gạo dự trữ cho tư nhân vừa gặp thất bại, làm cho nguồn cung trên thế giới tạm thời “bị hiếm”, dẫn đến giá gạo đang tiếp tục chiều hướng nhích lên. Từ nay đến cuối năm, trước sau gì Thái Lan cũng phải mở kho dự trữ và giá gạo thế giới chắc chắn sẽ giảm.
Theo đánh giá của Agroinfo, sẽ có 2 kịch bản xảy ra đối với thị trường lúa gạo nước ta từ nay đến cuối năm: Thứ nhất, cả 2 nước Thái Lan và ấn Độ chưa bán gạo ra, Việt Nam có thể xuất tối đa với mức 6 triệu tấn (hiện đã ký hợp đồng được 5,2 triệu tấn); Thứ 2, cả hai nước trên đồng loạt tung lượng gạo dự trữ ra, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong xuất khẩu, lượng xuất theo đăng ký không đạt như mong muốn và có thể lặp lại kịch bản như hồi cuối năm 2008: Lúa gạo dư thừa và giảm giá.
. Theo Báo TNVN |