|
CBCC vi phạm văn hóa giao tiếp với nhân dân cũng sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật |
Ngoài các hình thức kỷ luật hiện đang áp dụng, Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức (CBCC) do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo bổ sung hình thức kỷ luật giáng chức, bãi nhiệm và bỏ hình thức kỷ luật hạ ngạch.
Đây là một nội dung mới mang tính cải cách so với quy định cũ, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước.
Khung hình thức kỷ luật sẽ rộng hơn
Theo Điều 16 Dự thảo Nghị định, hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc được áp dụng đối với mọi CBCC vi phạm kỷ luật.
Hình thức kỷ luật hạ bậc lương được áp dụng đối với CBCC vi phạm kỷ luật đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo mà tái phạm liên quan đến đạo đức công vụ; làm giả hồ sơ, lý lịch và sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được nâng lương hoặc nâng ngạch... hoặc vi phạm tương đối nghiêm trọng những điều CBCC không được làm. Không áp dụng hình thức hạ bậc lương đối với CBCC đang hưởng thâm niên vượt khung.
Hình thức kỷ luật giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với CBCC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Trong đó, hình thức giáng chức áp dụng đối với CBCC vi phạm kỷ luật tương đối nghiêm trọng nhưng do lỗi không cố ý, về phẩm chất, uy tín còn có thể đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo. Đối với trường hợp CBCC giữ chức vụ vi phạm kỷ luật ở mức này nếu không còn chức danh lãnh đạo thấp hơn thì áp dụng hình thức kỷ luật cách chức.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung hình thức giáng chức thì khung hình thức kỷ luật CBCC sẽ rộng hơn, dễ áp dụng hơn, đảm bảo sự hợp lý, tạo điều kiện cho CBCC khi vi phạm kỷ luật tiếp tục phấn đấu, khắc phục sai phạm.
Hình thức kỷ luật bãi nhiệm chỉ áp dụng đối với cán bộ giữ chức danh bầu cử theo nhiệm kỳ vi phạm pháp luật và kỷ luật nghiêm trọng không còn đủ uy tín để có thể đảm nhiệm chức danh được bầu cử.
Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng
Để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và củng cố trật tự kỷ cương trong thực thi công vụ, Dự thảo Nghị định quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ khi có hành vi vi phạm, khi hết thời hạn đó thì CBCC vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật. Thời hạn xử lý kỷ luật là 2 tháng, tối đa không quá 4 tháng kể từ khi phát hiện hành vi vi phạm đến khi có quyết định xử lý kỷ luật.
Dự thảo Nghị định cũng đề xuất quy trình xem xét xử lý kỷ luật theo các bước sau: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức cuộc họp để CBCC vi phạm kỷ luật kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật trước tập thể. Hội đồng kỷ luật cơ quan sẽ họp xem xét xử lý kỷ luật đối với CBCC vi phạm, biểu quyết áp dụng hình thức kỷ luật bằng phiếu kín. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Hội đồng kỷ luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị ra quyết định kỷ luật CBCC vi phạm.
Trường hợp CBCC không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật thì có quyền khiếu nại đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền. CBCC giữ chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống bị xử lý kỷ luật bằng hình thức thôi việc, nếu sau khi giải quyết khiếu nại vẫn bị buộc thôi việc thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định.
. Theo Chinhphu.vn |