|
Nhiều ý kiến đề nghị phải cổ phần hóa các cây xăng của Petrolimex. Trong ảnh: nhân viên điều chỉnh giá xăng tại một cửa hàng xăng dầu ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM |
Vẫn chưa bàn ra phương án cuối cùng về cơ chế điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, tại hội thảo góp ý dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương tổ chức ngày 29.7, đã có những tranh luận nảy lửa về điều hành giá làm sao để người dân có lợi...
Có nhiều ý kiến trái chiều đến mức có đại biểu đã bỏ về giữa chừng để phản đối.
Hai bộ, ba phương án
Thay mặt Bộ Công thương, ông Võ Văn Quyền - vụ phó Vụ Thị trường trong nước - nói phương án của Bộ Công thương có điểm mới nhất là công khai cách tính giá xăng dầu. Theo đó, giá cơ sở gồm: giá CIF (gồm giá xăng dầu thế giới và phí bảo hiểm, cước vận tải về đến cảng VN) nhân với tỉ giá, cộng các loại thuế, phí, mức trích quỹ bình ổn, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp và các khoản trích nộp khác. Các khoản trên được tính bình quân trong số ngày dự trữ lưu thông.
Dựa vào công thức trên, nếu giá cơ sở tăng từ trên 3-12% so với giá hiện hành, doanh nghiệp được quyền tăng giá. Mức tăng giá không vượt quá 50% mức tăng giá cơ sở. Như vậy, nếu giá cơ sở tăng 12%, doanh nghiệp cũng chỉ được tăng 6%. Mười ngày sau nếu giá không giảm, doanh nghiệp mới được quyền tăng tiếp. Nếu giá cơ sở tăng trên 12%, doanh nghiệp phải đăng ký để được tăng giá cao hơn. Sau ba lần liên tiếp tăng mà các yếu tố cấu thành giá cơ sở vẫn tăng trên 12% hoặc ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá.
Ngược lại, khi giá cơ sở giảm từ trên 3-12%, doanh nghiệp cũng phải giảm giá, mức giảm không thấp hơn 50% mức giảm của giá cơ sở. Nếu giá cơ sở giảm trên 12%, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải giảm giá, không hạn chế khoảng thời gian giữa hai lần giảm. Phương án của Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp phải nhập số lượng xăng dầu đủ dự trữ cho 20 ngày lên 30 ngày.
Sau khi Bộ Công thương đưa ra dự thảo nghị định, ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá, đại diện Bộ Tài chính đã đề xuất ba phương án quản lý điều hành giá xăng dầu riêng. Phương án 1 của Bộ Tài chính tương tự của Bộ Công thương. Với phương án 2, Bộ Tài chính đề nghị cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được điều chỉnh giá theo thị trường đến 10%. Nếu giá vốn tăng từ 10-15%, doanh nghiệp chỉ tăng 60% mức tăng giá vốn, 40% còn lại lấy quỹ bình ổn giá xăng dầu bù đắp. Nếu giá vốn tăng tới trên 15% (được coi là mức tăng đột biến), Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Theo ông Thỏa, phương án này có ưu điểm là giá trong nước bám sát giá thế giới, rạch ròi lúc nào Nhà nước can thiệp... Nhưng phương án này, doanh nghiệp được quyền tự điều chỉnh tới 10% giá là khá cao, dễ gây sốc. Phương án 3 cho phép doanh nghiệp đầu mối được tự điều chỉnh giá đến 7%. Nếu giá vốn tăng trên 7-12%, doanh nghiệp được tăng 60% mức 7-12%, 40% còn lại được bù đắp bằng quỹ bình ổn.
Phải cổ phần hóa 6.000 cây xăng
Khá bất ngờ là phần tranh luận căng thẳng nhất lại xảy ra giữa Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú với phó giám đốc Sở Công thương Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Toản. Ông Nguyễn Cẩm Tú khẳng định không có độc quyền trong kinh doanh xăng dầu như báo chí nói. Hiện tại, dù quy mô doanh nghiệp lớn nhưng họ không thể quyết định giá, ngừng bán nên không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Toản cho rằng giá xăng dầu VN có khi tăng cao hơn nước ngoài mà doanh nghiệp luôn lỗ, là “do có cái gì đó”. Ông Toản nói vẫn còn những ông lớn nên thị trường xăng dầu chưa thể hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn Petrolimex không giảm giá thì các doanh nghiệp khác cũng không giảm, ông Toản cho rằng ông Tú nói có doanh nghiệp chiếm 60% thị phần nhưng không có ảnh hưởng gì là không đúng lý thuyết thị trường.
Ngắt lời, ông Nguyễn Cẩm Tú khẳng định trong hai năm trở lại đây, dù tăng hay giảm giá, kiểu gì doanh nghiệp cũng luôn lỗ, người tiêu dùng VN vẫn luôn được dùng xăng dầu dưới giá thành.
Thông tin Petrolimex không những đang chiếm 60% thị phần, mà còn giữ 6.000 cửa hàng bán xăng dầu chiếm vị trí đẹp, ông Toản cho rằng nhiều doanh nghiệp đang muốn đầu tư lớn như Petrolimex. “Nhiều doanh nghiệp muốn cạnh tranh, dù có bán giá rẻ cũng không thể đưa được hàng vào hệ thống hơn một nửa số cây xăng trên toàn quốc của Petrolimex” nên ông Toản đề nghị phải có cơ chế tách các cửa hàng xăng dầu ra. “Chỉ khi các cây xăng không trực thuộc doanh nghiệp nào thì họ mới tìm chỗ rẻ để mua. Nếu cứ giữ như hiện tại, rất khó tham gia thị trường xăng dầu vì công ty mới không thể chen vào mạng lưới các cây xăng” - ông Toản nhấn mạnh.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng Nhà nước nên công bố giá xăng dầu tối thiểu, gồm giá thế giới cộng các chi phí vận hành, hư hao xăng dầu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Còn các khoản thuế, phí, quỹ chỉ là doanh nghiệp thu hộ nên tính riêng. Làm được điều này, ông Phong cho rằng sẽ giải quyết được tình trạng lập lờ giữa yếu tố tăng giá do Nhà nước, do giá thế giới và do doanh nghiệp. Ông Phong cũng ủng hộ phải cổ phần hóa các cây xăng của Petrolimex vì “gạo quan trọng thế mà còn thị trường hóa được, xăng dầu cũng dứt khoát nên theo thị trường, cây xăng cũng vậy”.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng không có lý do gì phải định rõ giá tối thiểu bởi ai cần thì chỉ cần trừ các khoản thuế, phí, quỹ đi là xong, ngay rau ngoài chợ cũng không ai hỏi người bán giá thành là bao nhiêu. Sau nhiều đối đáp về sự cần thiết của minh bạch thông tin, ông Nguyễn Minh Phong đã bỏ về giữa hội thảo để bày tỏ sự thất vọng.
Biên độ tăng giá phải trên 5%
Theo ông Nguyễn Khánh Toàn - phó tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô VN, nếu cứ theo phương án tính giá cơ sở của Bộ Công thương thì vẫn chỉ có một giá bán lẻ như hiện nay, doanh nghiệp không cạnh tranh, giá điều chỉnh, lãi họ hưởng, lỗ Nhà nước phải can thiệp, chịu hộ. Đặc biệt, theo ông Toàn, nên đưa biên độ nếu giá tăng trên 5% doanh nghiệp mới tăng giá chứ 3% sẽ tăng giảm liên tục. |
. Theo TTO |