|
Thí sinh sau giờ thi trong kỳ thi tuyển sinh Đại học 2009. Ảnh minh họa. |
Từ điểm thi của hơn 170 trường, chủ yếu là trường ĐH, thống kê ban đầu cho thấy mức điểm chuẩn dự kiến các trường đưa ra khá cách biệt. Đây là cơ hội xét tuyển nguyện vọng (NV) 2,3 cho nhiều thí sinh.
Đậu trường "tốp trên": Phải đạt 7 điểm/môn
Trong khi không ít trường đau đầu tìm phương án tuyển phù hợp vì điểm quá thấp, thì các trường "top trên" ung dung vì kết quả điểm không thấp hơn năm trước, thậm chí điểm chuẩn dự kiến còn tăng.
Ngay sau khi công bố điểm thi, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông... dự kiến điểm chuẩn không giảm.
Để đậu vào ĐH Kinh tế Quốc dân, thí sinh thi khối A phải đạt trung bình 7,5 điểm/môn trở lên, còn vào được khối D1, thí sinh cũng phải đạt trung bình 7 điểm/môn. Thậm chí, mức điểm sàn của trường còn tăng 0,5 so với năm 2008.
Cho đến sáng 31.7, tuy không có thủ khoa đạt điểm tuyệt đối, nhưng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn giữ vị trí "quán quân" về số lượng, với 18 thủ khoa cùng mức điểm 29,5. Trưởng phòng Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhận định, điểm thi năm nay đạt tương đương năm trước nên điểm chuẩn cũng không xê dịch. Do đó, thí sinh đạt trung bình 7 điểm/môn sẽ đậu khối A (điểm chuẩn 21); còn dự kiến điểm chuẩn khối D là 24 (đã nhân hệ số).
Nếu tính số thủ khoa đạt điểm tuyệt đối thì Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội dẫn đầu với 5 em điểm 30. Trong đó, có 2 TS đạt tổng điểm 29,75 điểm (được làm tròn là 30). Điểm chuẩn khối A năm nay "nhích" 0,5 điểm, còn khối D1 tăng tới 1,5 điểm.
Còn Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Lê Hữu Lập cho rằng, khi chấm môn Toán, nghĩ điểm chuẩn năm nay sẽ giảm. Nhưng khi ráp phách điểm tổng 3 môn cao không ngờ khiến việc ấn định điểm trúng tuyển trở nên... đau đầu. Dự kiến, điểm chuẩn vào học hệ trong ngân sách từ 21 điểm trở lên. Điểm chuẩn ấn định theo ngành, tăng từ 0,5 - 1,5 điểm so với năm 2008. Còn để đậu vào các ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội thì TS phải có điểm đạt từ 17,5 - 18 điểm.
Một số trường "top giữa" như ĐH Thương mại, Công nghiệp Hà Nội... dự kiến điểm chuẩn không cao hơn năm trước nhưng cũng có một số ngành "hot" điểm chuẩn sẽ từ 20 trở lên. Tuy nhiên, cũng có một số ngành của ĐH Công nghiệp Hà Nội điểm chuẩn chỉ ở ngưỡng 16-16,5.
Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đưa ra dự kiến điểm chuẩn khối A và D1 trong khoảng 16-20.
Phía Nam: Không tăng điểm, "cửa rộng" NV2,3
Ngay sau khi công bố điểm thi, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) Phạm Tấn Hạ cho biết, dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ bằng năm ngoái (năm 2008 điểm chuẩn khối A, B, C, D1, D3, D4 là 14 điểm; D2 là 16 điểm và D5 là 18,5 điểm).
Trong số gần 24.000 thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng năm nay, có 2.644 thí sinh có tổng điểm 3 môn đạt 14 điểm trở lên. Đây là mức điểm chuẩn thấp nhất năm 2008. Tổng điểm 3 môn thi đạt mức từ 14,5 trở lên có 2.151 thí sinh. Chỉ tiêu tuyển mới năm nay là 2.500.
Còn ĐH An Giang, theo kết quả thi vừa công bố thìchỉ có 1.317 thí sinh có tổng điểm 3 môn đạt từ 13 điểm trở lên, trong khi chỉ tiêu tuyển mới là 1.860. Môn Toán khối A có đến 98,19% dưới điểm trung bình. Môn Hóa cũng có tới 98,17% thí sinh có mức điểm dưới trung bình. Tại môn tiếng Anh khối D cũng có tới 96,45% thí sinh không đạt được điểm 5. Nếu tính theo điểm sàn năm 2008 cho từng ngành học thì các ngành của Trường ĐH An Giang hầu như không thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Cụ thể, ngành Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp chỉ có 3 thí sinh đạt từ 13 trở lên, ngành Sư phạm Sinh cũng chỉ có 5 thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên, trong khi đó điểm chuẩn của ngành này năm ngoái là 17.
Dự kiến điểm chuẩn của Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM năm nay sẽ giảm nhiều so với năm 2008. Nếu tính mức điểm chuẩn bằng năm trước 22,5 thì chỉ có 14 thí sinh đạt. Còn lấy từ 16,5 điểm trở lên có 543 thí sinh đủ điểm.
Trong số 436 thí sinh đăng ký dự thi vào khối A, B của Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Kon Tum thì chỉ có 195 thí sinh có tổng điểm 3 môn đạt từ 10 điểm trở lên. Chỉ tiêu tuyển mới năm nay là 530.
Theo kết quả thi của Trường CĐ Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long vừa công bố, số thí sinh có tổng điểm đạt từ 10 điểm (mức điểm chuẩn năm 2008) trở lên là 309, thiếu 281 chỉ tiêu được giao.
Vẫn có trường không đủ chỉ tiêu
Về lý thuyết, nguồn thí sinh không trúng tuyển NV1 nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn ĐH được tham gia xét tuyển NV2,3.
Từ nguồn tuyển NV2, không ít trường đã chọn được những thí sinh có chất lượng. Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long Phan Huy Phú, 4 năm nay trong tổng chỉ tiêu tuyển mới thì số thí sinh tuyển từ NV2 chiếm đến 80%. Tuy nhiên, cũng sẽ là "rào cản" cho những trường thương hiệu chưa nổi, vì dù điểm xét tuyển không cao, nhưng ít được thí sinh tìm đến.
Qua 7 năm thực hiện thi "3 chung" (chung đề, chung đợt và chung kết quả) đã có hiện tượng thí sinh đạt điểm cao trượt NV2 vào các trường công lập nhưng không có NV vào trường dân lập. Chính vì thế, đã có năm, một số trường dân lập kéo dài thời hạn xét tuyển NV2,3 mà vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu.
Thiếu chỉ tiêu, các trường kéo dài thời hạn xét tuyển đã xảy ra ở mùa tuyển sinh năm 2006 ở các Trường ĐH Dân lập Văn Hiến, ĐH Dân lập Công nghệ Sài Gòn, ĐH Dân lập Hồng Bàng...
Năm 2008, cũng xuất hiện một số trường ĐH, CĐ khối Y Dược (gồm ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Hải Phòng và CĐ Y tế Hà Nam) không tuyển đủ chỉ tiêu do ấn định điểm trúng tuyển NV1 quá cao. Khi thí sinh không đến nhập học (do đã trúng tuyển khối A) thì các trường phải tuyển NV2,3. Tuy nhiên, quy định điểm trúng tuyển các NV tiếp theo không thấp hơn NV1 nên các trường lâm cảnh thiếu nguồn.
Năm nay, dù Bộ GD-ĐT chưa công bố điểm sàn nhưng với dự kiến chênh lệch điểm trúng tuyển giữa khối trường đến cả chục điểm. Nguồn tuyển sẽ không thiếu, nhưng liệu các trường thương hiệu chưa nổi có lâm cảnh không tuyển đủ chỉ tiêu?
. Theo VNN |