|
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng ABB. |
Ngân hàng Nhà nước đã công bố định hướng tăng trưởng tín dụng cho cuối năm 2009 ở mức 25-27%. Việc nâng tăng trưởng tín dụng so với định hướng hồi đầu năm (21-23%) cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã "lạc quan" hơn trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại những lo lắng về lạm phát, tiếp tục hay ngừng hỗ trợ lãi suất cho vay...
Chú trọng đến tăng trưởng
Khi Chính phủ công bố gói kích cầu 1 tỷ USD hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp vào đầu năm 2009, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhận định, giải pháp của Chính phủ là kịp thời để cứu giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn. Và nếu sử dụng khoản tiền vay có hiệu quả, doanh nghiệp sẽ duy trì được sản xuất trong giai đoạn khó khăn, điều này cũng có nghĩa là người lao động không mất việc làm và nền kinh tế đất nước tiếp tục có tăng trưởng.
Tại Hội thảo "Hiệu quả gói giải pháp kích cầu của Chính phủ" tổ chức ngày 23.7 tại Hà Nội, một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, nếu kéo dài hỗ trợ lãi suất có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát khi lượng tiền bơm ra thị trường quá nhiều. Điều lo lắng không phải không có cơ sở khi xuất hiện những thông tin một số doanh nghiệp dùng khoản vay được hỗ trợ lãi suất mua sắm trang thiết bị, đổ vào bất động sản và chứng khoán. Tuy nhiên, không có nhiều khả năng tạo ra bong bóng vì hỗ trợ lãi suất chỉ chiếm 1/4 trong dư nợ hiện tại của nền kinh tế; vốn hỗ trợ chủ yếu là vốn lưu động cho doanh nghiệp nên không thể gia tăng lạm phát và quy mô của thị trường chứng khoán hiện chỉ tương đương 20% GDP.
Đầu năm 2009, lạm phát trong nước tuy đã giảm so với giữa và cuối năm 2008, nhưng vẫn cao nên Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ tiêu là tăng trưởng tín dụng 2009 chỉ vào khoảng 21-23%. Nếu không sử dụng các biện pháp kiềm chế, để tăng trưởng tín dụng nóng sẽ gây hậu quả xấu đến nền kinh tế. Song theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước khống chế mức tăng trưởng tín dụng cho khối ngân hàng cổ phần không quá 27%, khối ngân hàng quốc doanh không quá 25% có phần cứng nhắc bởi tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Mặt khác, nếu trong các tháng còn lại của năm 2009, kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hơn 6 tháng đầu năm thì dư nợ tín dụng có thể tăng cao hơn định hướng của Ngân hàng Nhà nước đưa ra liệu có được chấp nhận?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 7.2009, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam là 3,2%, dự kiến lạm phát chỉ ở mức 7%, nằm trong dự kiến 6-8% cho thấy khó có khả năng xảy ra lạm phát. Thực tế cuộc sống người dân còn khó khăn và đa số vẫn phải thắt lưng buộc bụng, số người thiếu việc làm vẫn nhiều thì tăng trưởng tín dụng đã phản ánh tín hiệu phát triển. Do đó, vấn đề cần chú trọng từ nay đến cuối năm 2009 chính là tăng trưởng. Để tăng trưởng, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng tín dụng phải được đặt lên hàng đầu, vì nếu không kiểm tra, giám sát chặt chẽ, rất có thể đồng vốn sẽ chảy sang bất động sản hay chứng khoán chứ không dùng cho sản xuất. Các chính sách vĩ mô cần tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tăng lượng hàng xuất khẩu sang các thị trường mới, thị trường ít bị tác động bởi khủng hoảng, bên cạnh đó khai thác mạnh hơn nữa thị trường trong nước.
Tiếp tục kích cầu nhưng cần đánh giá cụ thể
Chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn, vay trung và dài hạn; vay để mua máy móc thiết bị vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, mua vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn được Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai từ tháng 2.2009. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 9.7.2009, dư nợ cho vay lãi suất của cả hệ thống ngân hàng là 375.926 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp nhà nước là 58.156 tỷ đồng, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 248.487 tỷ đồng, hộ sản xuất là 69.283 tỷ đồng. Bên cạnh gói kích cầu cho doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã kích cầu tiêu dùng như: Hoãn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân từ tháng 1 đến 6.2009, giảm 50% thuế chước bạ ô tô đến ngày 31.12.2009...
Dù đã có kết quả cùng những nhận định, đánh giá khả quan ở một số doanh nghiệp được hỗ trợ nhưng Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - ông Hồ Xuân Nghiễm cho rằng, nên có đánh giá cụ thể về hiệu quả trong từng lĩnh vực, để từ đó xác định doanh nghiệp nào tiếp tục được hỗ trợ, doanh nghiệp nào không cần hỗ trợ và cắt bỏ các doanh nghiệp không thể gượng dậy được. Trước các ý kiến ngừng bù lãi suất, nhiều chuyên gia cảnh báo, phải hết sức thận trọng bởi diễn biến kinh tế thế giới còn chưa rõ ràng, các nhận định về triển vọng của kinh tế thế giới vẫn còn khác nhau. Chính vì thế, ngừng hỗ trợ lãi suất phải cân nhắc đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Tại cuộc tọa đàm được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh ngày 30.7.2009, theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, nếu cân nhắc về gói hỗ trợ lãi suất thì chỉ nên thu hẹp một số ngành: nhập khẩu hàng tiêu dùng, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ... TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, cần thiết phải tiếp tục kích cầu. Song ông Phong cũng nhấn mạnh, cần tập trung vào các dự án sắp hoàn thành, đưa nhanh vào sử dụng, các dự án có dung lượng và triển vọng thị trường tiêu thụ tốt, các dự án góp phần duy trì và mở rộng năng lực sản xuất và kinh doanh cần thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế... Ưu tiên các dự án có tính liên ngành cao, các dự án có ý nghĩa tổng hợp cả kinh tế - xã hội và môi trường. Trong đó khuyến khích đặc biệt các dự án phát triển nhà ở dành cho người có thu nhập thấp.
Sử dụng các biện pháp kích cầu chắc chắn sẽ nảy sinh các vấn đề khác. Song trong điều kiện hiện nay vấn đề đáng lo ngại nhất là lạm phát lại khó có cơ hội trở lại, thì tiếp tục kích cầu để bảo đảm các doanh nghiệp đứng vững và phát triển là cần thiết.
. Theo HNM |