Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7.2009
Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp kích thích nền kinh tế
10:8', 6/8/ 2009 (GMT+7)

Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty Dệt Phong Phú.

Trong 2 ngày 4 và 5.8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2009, nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, dự báo tình hình và thống nhất các giải pháp điều hành trong tháng 8 và các tháng cuối năm.

Bảo đảm nông dân có lãi 30%

Trong cuộc họp báo chiều qua 5.8, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đã dẫn kết luận của Thủ tướng cho rằng, các nỗ lực về ngăn chặn suy giảm kinh tế đã có hiệu quả.

Đến tháng 7 này, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng. Cơ bản duy trì và ổn định thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán trong tháng 7 đã có chuyển biến tốt. Đó là những cơ sở để khẳng định có thể tổ chức tốt việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về bảo đảm GDP, CPI, bội chi ngân sách. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bội chi ngân sách dưới 7%, tăng trưởng GDP hơn 5%, đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng cho rằng, cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa.

Vẫn theo ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng đã yêu cầu, trước hết, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) và các tầng lớp nhân dân tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp kích thích nền kinh tế mà Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua, nhất là các chính sách tài chính, tiền tệ, miễn, giảm, giãn thuế, điều hành linh hoạt thị trường mở, tích cực hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay sản xuất, kinh doanh, mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ nông nghiệp, các khoản vay của hộ nghèo và đối tượng chính sách... cần tổ chức thực hiện có hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng cần chú trọng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Đặc biệt, chú ý đến sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nông dân có lãi 30%. Tiếp tục thực hiện chính sách đối với 61 huyện nghèo. Tập trung giải ngân vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản từ các nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ ODA, đặc biệt chú ý kiểm tra, giám sát chất lượng công trình, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện.

Về dịch cúm A/H1N1, Thủ tướng lưu ý kiểm soát tốt, không gây hoang mang cho người dân. Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với năng lực hiện có, Việt Nam hoàn toàn có khả năng kiểm soát được dịch cúm A/H1N1 để bảo đảm cho mọi người dân trong việc làm ăn, đầu tư, du lịch.

Xuất khẩu không đạt 3%, GDP vẫn sẽ đạt 5%-5,2%

Cũng trong buổi họp báo, hàng loạt vấn đề “nóng” đã được báo giới đặt ra với lãnh đạo các bộ ngành. Mối quan tâm hàng đầu là việc các DN kinh doanh xăng dầu lại đề nghị tăng giá xăng dầu lên 500-1.000 đồng/lít. Về điều này, theo ông Nguyễn Công Nghiệp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính, bộ đã nhận được đề nghị của các DN nhưng chưa đưa ra quyết định. Bộ đang cân nhắc hết sức thận trọng vì việc này liên quan đến lợi ích của đông đảo người dân. Giá xăng dầu dù được thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có sự quản lý của Nhà nước để không gây cú sốc lớn cho nền kinh tế.

Vấn đề xuất khẩu cũng được báo chí quan tâm. Trả lời câu hỏi của Báo SGGP về việc, tính chung, cả 7 tháng xuất khẩu đạt khoảng 32,35 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mục tiêu năm 2009 là tăng 3% xuất khẩu nên chỉ tiêu này liệu có đạt và ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng GDP? Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công thương, lý giải, số lượng xuất khẩu lớn hơn năm 2008 nhưng giá trị thực thu về thì lại giảm, nguyên nhân là do giá xuất khẩu giảm. Hầu hết mặt hàng có thống kê về lượng, mức giá bình quân tính được đều giảm rất mạnh (giá dầu thô giảm 53,1%; giá cao su giảm 45,8%; giá hạt tiêu giảm 33,2%; cà phê giảm 30%; giá gạo giảm 28,6%...). Với việc giá xuất khẩu các mặt hàng chủ lực này giảm, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu giảm do giá xuất khẩu lên tới hơn 6 tỷ USD. “Rất khó để tăng 3% xuất khẩu trong năm nay” - ông Hào thừa nhận.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, chỉ cần xuất khẩu được 60-62 tỷ USD như năm 2008 cũng đã là một thành công lớn. Vì hiện nay, trong khi Việt Nam đã vượt qua được đáy suy giảm thì những nền kinh tế lớn (thị trường xuất khẩu chính của ta) vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng. “Dù xuất khẩu không tăng được 3% thì chúng ta vẫn sẽ đạt 5-5,2% GDP trong năm nay, vì xuất khẩu chỉ là một phần trong GDP” - ông Hào khẳng định.

Cũng theo ông Hào, riêng về xuất khẩu gạo, chủ trương của Chính phủ là cho xuất khẩu nhiều hơn năm 2008, trong đó có việc tăng lượng xuất khẩu để bù vào việc giảm giá. Tới đây, khi vào vụ thu hoạch, sẽ có thêm khoảng 10 triệu tấn, trong số đó sẽ xuất khẩu thêm vài triệu tấn. 

Các tập đoàn kinh tế được tự quyết định lương

Tại phiên họp Chính phủ ngày 4 và 5-8, các thành viên Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến dự thảo Nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều qua, ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết, điểm mới nhất là quy định các tập đoàn kinh tế được tự quyết định hình thức trả lương và mức lương để đảm bảo không chảy máu chất xám. Việc tự quyết định lương này dựa trên thang bảng lương Nhà nước quy định và năng suất lao động. Vấn đề này sắp tới sẽ mở rộng ra các DNNN. Hàng loạt các vấn đề mới mà Nghị định này đề cập như sẽ cho phép thí điểm chào giá cạnh tranh trong nội bộ tập đoàn nếu đầu ra của DN này là đầu vào của DN khác.

Đối với các tập đoàn thực hiện khai thác tài nguyên khoáng sản và sử dụng đất thì sẽ giao công ty mẹ quản lý quỹ đất và khoáng sản (như Tập đoàn Than Khoáng sản, Cao su...). Về chuyện đầu tư ra ngoài ngành sang những lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm tiếp tục phải do Thủ tướng quyết định.

Đặc biệt, vấn đề mà lâu nay dư luận hết sức quan tâm là vấn đề giám sát tập đoàn. Về vấn đề này, dự thảo Nghị định có hẳn một chương quy định rõ. Theo ông Muôn, hiện chưa thành lập một cơ quan chuyên biệt riêng để quản lý các tập đoàn, mới chỉ phân công nhiệm vụ giám sát tập đoàn cho các Bộ.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gói thầu chính cầu Cần Thơ đã hoàn thành 90%  (06/08/2009)
Sẽ chấm dứt việc dạy học kiểu “đọc - chép” ở THCS và THPT  (05/08/2009)
Gần 10 tỷ USD xây dựng hệ thống dự trữ xăng dầu  (05/08/2009)
Xuất khẩu gặp nhiều khó khăn  (05/08/2009)
Kinh tế Việt Nam có thể sớm phục hồi trong vòng 2 năm tới   (05/08/2009)
Bão số 6 còn diễn biến phức tạp  (05/08/2009)
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả ngay 13 ngư dân   (05/08/2009)
Ngồi trên... diều, ngắm cảnh đẹp vịnh Hạ Long  (04/08/2009)
Bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên ở Việt Nam tử vong  (04/08/2009)
Ngư dân Việt Nam được đánh bắt tại ngư trường của Indonesia  (04/08/2009)
Cúm A/H1N1 tấn công khu công nghiệp  (04/08/2009)
Bão số 6 bất ngờ chuyển hướng, tiến vào vịnh Bắc Bộ  (04/08/2009)
Ông lớn di động “phản đòn” Beeline  (03/08/2009)
Nhà ở dưới 600 triệu đồng không phải chịu thuế  (03/08/2009)
Sẽ quy hoạch lại hệ thống phát thanh - truyền hình  (03/08/2009)