|
Ở bậc cao đẳng, điểm sàn lùi 3 điểm so với điểm sàn bậc ĐH. |
Sáng 8.8, Bộ GD-ĐT đã họp quyết định điểm sàn tuyển sinh ĐH-CĐ 2009. Kết quả như sau: Bậc đại học, điểm sàn khối A là 13; điểm sàn khối B là 14; khối C là 14 và khối D là 13. Ở bậc cao đẳng, điểm sàn lùi 3 điểm so với điểm sàn của bậc ĐH.
Bộ GD-ĐT nêu rõ, các trường căn cứ điểm sàn để xác định điểm chuẩn trúng tuyển. Điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn. Không hạ điểm trúng tuyển, trừ những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GĐ-DT sẽ xem xét quyết định.
Đối với các trường tại vùng dân tộc thiểu số, các trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ địa phương thì chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường báo cáo về việc vận dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ để Bộ trưởng quyết định với mức điểm sàn như sau:
- Trường tại vùng dân tộc thiểu số: mức chênh lệch điểm trúng tuyển các nhóm đối tượng được xét lớn hơn 1 điểm, nhưng không quá 1,5 điểm.
- Trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ địa phương: mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được xét lớn hơn 0,5 điểm, nhưng không quá 1 điểm.
* Trên cơ sở xử lý dữ liệu thi tuyển sinh đại học “3 chung” năm nay, Bộ GD-ĐT đã công bố bảng xếp hạng kết quả thi theo các tỉnh, thành. Nam Định dẫn đầu bảng xếp hạng (năm nay Nam Định cũng là tỉnh dẫn đầu thi tốt nghiệp THPT của cả nước).
Hà Nội nhiều năm qua luôn đứng vị trí đầu tiên. Tuy nhiên, năm nay, Hà Nội xếp vị trí thứ 3, do ghép Hà Tây vào nên có số thí sinh đông nhất trong toàn quốc khiến điểm trung bình thống kê thấp đi.
Qua thống kê có thể thấy, những thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay vẫn chủ yếu tập trung tại các TP lớn như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh; các tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng...
Trong khi đó, các trường của khu vực ĐBSCL và các tỉnh miền núi phía Bắc có tỉ lệ điểm trung bình khá thấp. Năm nay, TPHCM xếp thứ 12 với điểm trung bình thống kê là 11.90 điểm (tổng số thí sinh thi là 63.619 em).
. Theo SGGP |