Hôm nay 10.8, Ngày da cam - Orange Day:
Day dứt, hàng triệu nỗi đau
10:9', 10/8/ 2009 (GMT+7)

Hơn 34 năm sau ngày chiến tranh chấm dứt, nỗi đau về thể xác và tinh thần vẫn chưa nguôi đối với hàng triệu gia đình Việt Nam. Đau đớn hơn, những di chứng của loại chất độc mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh làm cả nhân loại day dứt: Đó là những nạn nhân chất độc da cam (CĐDC). Nó đã để lại cho những người tham chiến cả phía bên này và bên kia chiến tuyến cùng lương tri của nhân loại một hậu quả hết sức nặng nề dù cuộc chiến đó tiếng súng đã ngưng từ hàng chục năm về trước.

 

Đi bộ đồng hành “Vì nạn nhân chất độc da cam” và người khuyết tật nghèo. Ảnh: Thế Anh – TTXVN

 

34 năm, nỗi đau chưa nguôi ngoai

Mỗi lần mang quà của bạn đọc gửi tặng tới các gia đình nghèo, gia đình hoạn nạn và nhiễm chất độc da cam thông qua chuyên mục: "Địa chỉ sẻ chia" của báo Hànộimới, những người làm báo chúng tôi không khỏi quặn lòng. Mỗi gia đình, mỗi nạn nhân một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng, họ có điểm chung không thể khỏa lấp, đó là những dị tật để lại hiển hiện trên cơ thể, trên da thịt. Những đứa con, những mảnh đời của họ dù tuổi đời đã lớn mà như ngây, như dại, phải sống trong sự giám sát của gia đình, người thân.

Phải nói rằng, cái chất độc mà nhiều người biết đến với cái tên đi-ô-xin hay da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là quá thảm khốc. Nó, cái kịch chất độc ấy không chỉ làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng mà ngay cả nhiều người lính Mỹ, lính Hàn… cũng chịu chung thảm cảnh. Ở Mỹ, ở Hàn… nghe có vẻ xa xôi nhưng hiển hiện ngay đây thôi, chúng tôi đã thấy, đã chứng kiến nhiều lắm những nỗi đau. Đó là vợ chồng ông Ngô Đắc Lộc và bà Phạm Thị Thanh ở thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Cũng như bao người trai làng khác, năm 1973, ông Lộc nhập ngũ và tham gia bảo vệ Tổ quốc mãi tận Hà Tiên, Tây Ninh. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước trọn niềm vui, ông trở về sum họp cùng gia đình. Nhiều năm liền chiến đấu với quân thù, bom đạn không lấy được tính mạng của ông, những tưởng thế là may mắn. Nhưng, những di chứng của chiến tranh đã kịp ngấm vào cơ thể ông. Ông Lộc và bà Thanh có bốn người con thì ba người là Ngô Đắc Trường (sinh năm 1980), Ngô Thị Hồng (sinh năm 1982) và Ngô Đắc Hưởng (sinh năm 1990) đều không lành lặn. Tưởng con bị dị tật bẩm sinh, ông bà đưa con chạy chữa khắp nơi mà không khỏi. Mãi sau này, người ta mới kết luận cho ông hay: Con ông bị di chứng chất độc da cam. Đau đớn, ông Lộc tâm sự với chúng tôi: Thật không thể tưởng tượng được cái sức tàn phá của cái gọi là chất độc da cam. Thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng giờ đây đã hiểu, đã thấy hiển hiện trên từng cơ thể con người dù là từng tham chiến ở phía bên này hay bên kia chiến tuyến. "Gia đình tôi, gia đình nhiều người lính đã và đang gánh chịu nhưng tôi tin, dù ở Việt Nam hay nơi nào đó trên thế giới, trong đó có cả nước Mỹ xa xôi những nỗi đau quằn quại như chúng tôi không hề ít. Bao giờ nỗi đau này mới chấm dứt???" - ông Lộc thở dài.Giờ đây, đã bước sang tuổi 53, hàng loạt các di chứng như thấp khớp, viêm dạ dày, thận hư… cùng lúc trỗi dậy tàn phá cơ thể ông Lộc. Nhìn những đứa con lay lắt như những ngọn đèn trước gió, ông Lộc cũng chỉ biết nén vào lòng.

Nghe câu chuyện của ông Lộc, tôi mới giật mình: Có quá nhiều gia đình còn may mắn trong đó có tôi và những người con được sinh ra lành lặn, bình thường. Bởi bố tôi cũng như biết bao người khác đã từng là chiến sỹ Trường Sơn, từng lăn lộn khắp các chiến trường oanh liệt để bảo vệ Tổ quốc may mắn không mang theo cái chất kịch độc đó trong người. Nhưng, trước mắt tôi đây, ông Lộc đang là 1 trong số hơn 4,8 triệu người cùng cảnh, cùng mang nỗi đau mang tên: Da cam!

 

Đại diện các nhà tài trợ chương trình tặng quà cho các em nhỏ nạn nhân chất độc da cam (làng Hòa Bình, BV Từ Dũ) tại cuộc đi bộ. Ảnh: Thế Anh-TTXVN

 

Thức tỉnh lương tri nhân loại!

Phải thấy rằng, 4,8 triệu người Việt Nam phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó 3 triệu người là nạn nhân, là hậu quả quá nặng nề mà quân đội Mỹ để lại sau chiến tranh tại Việt Nam.

Hơn 3 thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng nỗ lực để giúp đỡ các nạn nhân. Nhà nước Việt Nam đã thành lập ủy ban điều tra về những hậu quả của chiến tranh hóa học và Ban chỉ đạo 33 khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh đó. Tháng 2.2000, Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các nạn nhân và con cháu của họ. Không dừng lại ở đó, ngày 10.1.2004, Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch danh dự, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp làm Chủ tịch. Thay mặt các nạn nhân, Hội đã khởi kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ cung cấp chất độc cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Tuy vụ kiện chưa giành được thắng lợi cuối cùng nhưng đã thức tỉnh lương tri nhân loại, thúc đẩy phong trào đòi công lý, tạo ra sự thông cảm sâu sắc và giúp đỡ mạnh mẽ các nạn nhân CĐDC.

Cùng với Đảng và Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân CĐDC như: quyên góp tiền xây dựng, sửa chữa nhà, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các nạn nhân; thăm hỏi, tặng quà cho các hộ gia đình nạn nhân; đỡ đầu con các nạn nhân. Cao điểm của những hoạt động này là vào ngày 10.8 - Ngày Vì nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin Việt Nam. Cứ vào ngày này hằng năm, cả nước lại dấy lên phong trào tiếp sức cho các nạn nhân. Năm nay, tối 8.8, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hội nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin Việt Nam, Công ty Văn hóa thông tin Thăng Long tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật mang tên: "Công lý và Trái tim" vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ các nạn nhân hơn 6,5 tỷ đồng. Hội CTĐ Việt Nam phát động hẳn tháng hành động vì nạn nhân CĐDC vận động 98 tỷ đồng ủng hộ các nạn nhân. Tại Hà Nội, các đoàn thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân liên tiếp được thành lập...

Nhờ sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Đảng và Nhà nước, sự chung tay tiếp sức của các ban, ngành, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước, hàng trăm nghìn nạn nhân đã được khám, chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, cấp phương tiện hành nghề, có việc làm... Tuy nhiên, nói như PGS-TS Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin Việt Nam thì, mặc dù cuộc sống đã được cải thiện nhưng các nạn nhân CĐDC vẫn là những người nghèo nhất trong những người nghèo, vì thế họ rất cần sự chung tay giúp đỡ của mọi người. Các nạn nhân đang rất cần tiếp sức để theo đuổi vụ khởi kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ, để công lý được thực thi, để cuộc sống ngày một tốt hơn.

Hơn 10.000 người đi bộ vì nạn nhân CĐDC

Sáng 9.8, hơn 10.000 người đã tham gia chương trình "Đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) và người khuyết tật nghèo". Đoàn người đi bộ mặc đồng phục áo thun trắng diễu hành qua đoạn đường gần 3km giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh, từ tuyến đường Lê Duẩn - Đồng Khởi - Lý Tự Trọng và kết thúc tại công viên 30.4. Đây là hoạt động do Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Hồ Chí Minh tổ chức nhằm gây quỹ ủng hộ nạn nhân CĐDC và giúp mọi người hiểu sâu hơn tác hại của chất độc đi-ô-xin tại Việt Nam. Kết thúc chương trình, BTC đã nhận được gần 4 tỷ đồng ủng hộ nạn nhân CĐDC của nhiều tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm. Toàn bộ số tiền sẽ được dành để cấp học bổng, trao nhà tình thương, hỗ trợ vốn làm ăn cho gia đình các nạn nhân CĐDC và xây dựng Trung tâm Hỗ trợ, nuôi dưỡng, dạy nghề cho nạn nhân CĐDC của TP Hồ Chí Minh.

Đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin Việt Nam đã nhận được hơn 86,1 tỷ đồng của nhiều tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ các nạn nhân CĐDC. Hội đã thăm hỏi, tặng quà cho 132.931 lượt nạn nhân, với tổng số tiền 22.567 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho 1.866 hộ gia đình nạn nhân CĐDC, với tổng kinh phí 21.702 triệu đồng; chăm sóc sức khỏe cho 61.426 nạn nhân CĐDC; cung cấp vốn sản xuất cho 2.624 hộ gia đình với tổng số tiền 5.058 triệu đồng.

Phía bên kia chiến tuyến

Nói về những hoàn cảnh, những thân phận hứng chịu thảm cảnh da cam ở Việt Nam thì nhiều lắm. Nhưng, nếu nhìn sang bên kia chiến tuyến, những người lính Mỹ đã từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam cũng là nạn nhân của chất độc da cam. Và chuyện trớ trêu là hậu quả của chất đi-ô-xin giết người kia đã rơi vào chính con trai và cháu nội của Đô đốc Elmo Russell Zumwalt Jr., Tư lệnh Các lực lượng hải quân Mỹ từ 1970-1974 và là thành viên Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ dưới thời Nixon! Con trai của đô đốc - một sĩ quan hải quân Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam - đã chết vào năm 1988 ở tuổi 44 vì nhiễm chất độc da cam. Cháu nội của ngài Đô đốc Elmo Russell Zumwalt Jr. hiện cũng bị chậm phát triển và mắc bệnh Down do bố đã bị nhiễm chất độc da cam! Và, đau đớn hơn cho người Mỹ khi chính ngài đô đốc ấy là người đã ký lệnh rải chất diệt cỏ có chứa đi-ô-xin xuống các khu rừng Việt Nam! Thật đau lòng và day dứt!

Một trường hợp nữa tương tự, đó là ông Mai Giảng Vũ, người đã từng tham gia phi đoàn 221, Sư đoàn Không quân quân đội Sài Gòn đóng tại Biên Hòa, người đã từng bốn lần tham gia rải chất độc da cam ở Long An, Tây Ninh, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Chính ba con trai của ông sinh từ năm 1970 đến năm 1975 đều đã mất ở tuổi 23-24 sau hơn 18 năm bị teo cơ, gầy mòn dần và rồi không đi lại được.

. Theo HNM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Virus cúm A/H1N1 sẽ phát triển mạnh hơn  (10/08/2009)
Khám bệnh không đúng tuyến được chi trả 30-70% viện phí  (10/08/2009)
Kiểm soát chặt chẽ: Mặt trái của kích cầu  (09/08/2009)
Cuộc đấu tranh của các nạn nhân da cam dù còn nhiều gian nan, vất vả nhưng nhất định sẽ giành thắng lợi  (09/08/2009)
Từ 0h ngày 9.8, giá mỗi lít xăng là 14.700 đồng  (09/08/2009)
Bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới  (09/08/2009)
Công bố điểm sàn tuyển sinh ĐH-CĐ 2009  (09/08/2009)
Ngành du lịch lao đao vì cúm H1N1  (07/08/2009)
Lãi suất cho vay đối với dự án nông thôn là 0%  (07/08/2009)
Sẽ công khai bản án trên internet  (07/08/2009)
Từ hôm nay đóng cửa tất cả trường học ở Hà Nội  (07/08/2009)
Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt  (07/08/2009)
Sắp hết test chẩn đoán cúm A/H1N1  (06/08/2009)
Bộ Tài nguyên và Môi trường: Không cấp giấy hồng sau 1.8  (06/08/2009)
Phê duyệt danh mục dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vùng miền Trung  (06/08/2009)