Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết: Tập đoàn đang đề nghị Bộ Tài Chính chấp thuận cơ chế tài chính ưu đãi cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất giống như cơ chế tài chính cho dự án Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Theo PVN, ngay cả khi có cơ chế tài chính hỗ trợ, suất hoàn vốn đầu tư (ROI) của Nhà máy cũng chỉ ở mức trung bình từ 5-10%.
PVN cũng cho biết: Vốn đầu tư cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức được trình lên Nhà nước thẩm định là 3 tỷ USD, tăng 500 triệu USD so với mức được duyệt khi tái khởi động vào 2005.
Một số chuyên gia cho rằng, việc có một cơ chế hỗ trợ tài chính cho Nhà máy máy lọc dầu Dung Quất là cần thiết bởi đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam được xây dựng hoàn toàn bằng vốn đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, việc xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất không chỉ nhằm tới hiệu quả kinh tế mà còn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cũng như tạo đà để phát triển kinh tế vùng miền, quốc gia.
Cho đến nay, dự án lọc dầu Dung Quất đã có tác dụng lớn trong việc thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi với 160 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 10,3 tỉ USD được cấp giấy phép. Ngoài ra, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phải nhập khẩu thêm dầu thô từ các nước trong khu vực khi nguồn dầu thô Bạch Hổ không đủ cũng làm hiệu quả của dự án bị ảnh hưởng nếu không có một cơ chế tài chính hỗ trợ phù hợp.
Trước đó, tháng 7.2009, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu PVN phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, xây dựng lại phương án tài chính của Nhà máy lọc dầu Dung Quất theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 42/TB-VPCP ngày 11.2.2009 và quy định của luật thuế hiện hành áp dụng đối với dầu thô nhập khẩu. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính hướng dẫn các chính sách ưu đãi thuế đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất theo đúng quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 17.6.2005 của Thủ tướng Chính phủ.
. Theo VOV News |