|
Lao động tham khảo nhu cầu tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm Hà Nội. |
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu tuyển dụng lao động đã có dấu hiệu gia tăng. Sàn giao dịch việc làm và một số web tuyển dụng bắt đầu rộn rịp trở lại sau nhiều tháng trầm lắng vì khủng hoảng kinh tế.
Theo báo cáo quý II của VietnamWorks.com, một trong số ít nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến lớn tại VN, cầu nhân lực trực tuyến trong quý II đã tăng 36% so với quý I. Trong 50 ngành nghề đăng tuyển trên website này thì có tới 34 gia tăng nhu cầu tuyển dụng so với quý trước đó. 16 ngành còn lại không thay đổi nhu cầu.
5 ngành nghề có nhu cầu nhân lực tăng cao nhất là kế toán/tài chính, hành chính/thư ký, kỹ thuật ứng dụng, bán hàng và công nghệ thông tin. Trong đó, bán hàng có cầu nhân lực cao nhất, tăng 52,4% so với quý đầu năm 2009.
Theo ông Chris Harvey, Giám đốc Điều hành VietnamWorks.com, sự gia tăng nhu cầu nhân lực trong các ngành nghề chủ chốt phần nào nói lên nhu cầu của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nhân tài giúp họ vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn, hoặc nhằm chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo khi kinh tế hồi phục.
Trên sàn giao dịch việc làm Hà Nội, từ tháng 5, số doanh nghiệp tham gia các phiên giao dịch bắt đầu tăng. Phiên gần nhất diễn ra vào ngày 10.8 có tới 102 đơn vị, đăng ký tuyển dụng trên 3.200 người. Trong khi quý I, số doanh tham gia chỉ 70 và nhu cầu tuyển rất hạn chế.
"Thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tuyển đang tăng, nhưng mức độ còn chậm. Hiện tham gia sàn giao dịch việc làm chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nhu cầu tuyển còn ít. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn kinh tế lớn vốn trước đây tuyển vài trăm lao động trong mỗi phiên, giờ vẫn đang gặp khó nên chưa thấy quay lại sàn", ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, cho biết.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm cả nước có hơn 107.000 người làm việc trong các doanh nghiệp bị mất việc làm, tập trung ở các thành phố lớn như TP HCM (23.000), Hà Nội (15.000), Bình Dương (gần 9.000). Ở khu vực làng nghề, nửa năm qua đã có 37.000 bị mất việc làm và gần 110.000 thiếu việc do phải nghỉ luân phiên, giảm năng suất làm việc.
. Theo VnExpress |