* Sát khuẩn cơ sở phòng cúm phải ký hợp đồng
|
Bệnh nhân đến khám cúm tại Viện các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia. (Ảnh: Giadinh.net) |
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm diễn ra chiều tối 12.8, Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước đã ghi nhận thêm 64 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, nâng tổng số ca mắc ở Việt Nam lên 1.275 ca, 2 ca tử vong. Đáng chú ý là dịch đang lan mạnh trong cộng đồng, đặc biệt xuất hiện một chùm ca bệnh tại đoàn tham quan du lịch của Trường Cao đẳng Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Sài Gòn đi xuyên Việt từ TPHCM ra tới tận Lào Cai.
Điều tra dịch tễ cho thấy, đoàn tham quan này xuất phát từ TPHCM ngày 27.7, gồm 185 cán bộ, giáo viên và sinh viên đi du lịch qua nhiều tỉnh, thành phố, ngày 8.8, khi đến Sa Pa, Lào Cai, 11 thành viên trong đoàn có biểu hiện sốt và đã được Sở Y tế Lào Cai làm xét nghiệm tổng thể.
Cho tới sáng 10.8, có thêm 10 trường hợp bị nghi nhiễm cúm A/H1N1. 21 trường hợp này cùng 2 giáo viên đã được cách ly tại BV Đa khoa Lào Cai, đến nay đã xác định được 5/23 ca dương tính với cúm A/H1N1.
Tiếp đó, ngày 10.8, đoàn về đến Hà Nội và tiếp tục phát hiện thêm 2 người bị cúm A/H1N1 và được cách ly tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia. 160 trường hợp còn lại của đoàn đang được cách ly tại Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, Hà Nội.
Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đối với chùm ca bệnh này, nhiều khả năng cho thấy đã bị mắc cúm trên đường đi qua nhiều tỉnh, thành phố. Cùng quan điểm với nhận định này, TS Nguyễn Văn Kính, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết, trong những ngày gần đây, số người nhiễm cúm A/H1N1 tới viện điều trị nhưng không rõ nguồn lây cũng đã tăng mạnh từ khoảng 10 ca/ngày.
Ngày 12.8, một số bạn đọc phản ánh đến Báo SGGP phản ánh muốn sát khuẩn cơ sở như nhà xưởng, công ty, xí nghiệp để phòng ngừa cúm A/H1N1 nhưng không biết liên hệ ở đâu. Một số doanh nghiệp thì cho biết khi đề nghị trung tâm y tế dự phòng quận, huyện xuống sát khuẩn, khử trùng môi trường làm việc ngừa cúm A/H1N1 nhưng được yêu cầu phải ký hợp đồng và chịu hoàn toàn chi phí.
Xung quanh vấn đề trên, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế chỉ tiến hành khử khuẩn môi trường miễn phí đối với những nơi phát sinh ca mắc cúm A/H1N1, khu vực có người nhiễm cúm A/H1N1 lui tới và khử khuẩn cho các trường học để chuẩn bị tựu trường. Ngoài ra, những cơ sở, doanh nghiệp muốn khử trùng môi trường phòng cúm A/H1N1 phải liên hệ với trung tâm y tế dự phòng quận, huyện – nơi cơ sở trú đóng- để ký hợp đồng và chịu chi phí tùy theo yêu cầu.
Liên quan đến bệnh nhân T.T.B. (ngụ Q10) tử vong do cúm A/H1N1, sáng qua bệnh nhân này đã được đưa đi hỏa táng. Tuy nhiên, qua ghi nhận cho thấy, nguy cơ lây lan virus cúm A/H1N1 trong gia đình bệnh nhân và môi trường xung quanh rất cao vì khi bệnh nhân tử vong nhiều người thân trong gia đình đã tiếp xúc mà không biết bệnh nhân chết vì cúm A/H1N1.
Đến sáng qua, người thân trong gia đình cũng như hàng xóm của bệnh nhân B. mới biết sau khi báo chí thông tin. Theo người nhà bệnh nhân, giấy xuất viện của BV Phạm Ngọc Thạch cung cấp cho gia đình sau khi bệnh nhân B. tử vong chỉ ghi do suy hô hấp chứ không ghi vì cúm A/H1N1 nên không hề biết.
* Tàng trữ, buôn bán thuốc Tamiflu với giá cao: Phạt 70 triệu đồng và rút giấy phép hành nghề
Ngày 12.8, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, sau khi báo chí thông tin về việc một số cơ sở kinh doanh dược tại TPHCM như: Mỹ Châu 1, Mỹ Châu 10, Thanh Quang bán thuốc Tamiflu – điều trị cúm A/H1N1 trôi nổi, không nguồn gốc với giá 1,4 – 1,5 triệu đồng/hộp, Cục Quản lý dược đã kiểm tra đột xuất và không phát hiện dấu hiệu đầu cơ, tích trữ thuốc, bán giá cao ở các cơ sở trên như thông tin từ Sở Y tế TPHCM.
Cũng theo yêu cầu của Cục Quản lý dược, ngay trong ngày 12.8, Thanh tra Bộ Y tế kết hợp với Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra toàn bộ sổ sách, hồ sơ chứng từ cũng như hiện trạng lưu trữ thuốc ở các cơ sở trên. Theo kết quả thanh tra được báo trong buổi tối cùng ngày, ghi nhận ban đầu không phát hiện dấu hiệu tàng trữ, mua bán thuốc Tamiflu không nguồn gốc, giá cao.
Cục cũng đã đề nghị Sở Y tế TPHCM báo cáo rõ kết quả thanh tra, kiểm tra. Nếu có chứng cứ chứng minh được các cơ sở này có tàng trữ Tamiflu, buôn bán với giá cao thì hoàn toàn có thể áp dụng Nghị định 107/2008 về việc xử phạt các cơ sở lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc, dịch bệnh để tàng trữ, đẩy giá thuốc lên với mức hình phạt cao nhất là 70 triệu đồng và thu hồi giấy phép hành nghề.
Ngược lại, nếu phía Sở Y tế không chứng thực được việc buôn bán trái quy định này thì Cục Quản lý dược cũng nghiêm túc nhắc nhở. Tất cả những công bố trong thời điểm này là hết sức thận trọng vì những công bố như vậy sẽ khiến người dân hoang mang, các cơ sở kinh doanh sẽ nhân cơ hội “té nước theo mưa” để tàng trữ, đẩy giá lên cao.
Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM chiều 12.8, công bố mà Sở Y tế TPHCM nêu ra trong cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống cúm A/H1N1 chiều ngày 10.8 về việc bán thuốc Tamiflu không nguồn gốc, giá cao ở các nhà thuốc trên không phải là kết quả của đợt thanh tra chính thức mà chỉ là một đợt khảo sát đột xuất nên nhân viên Sở Y tế đã không lập biên bản vi phạm, xử phạt. Hiện một số chủ nhà thuốc đang rất bức xúc về công bố của Sở Y tế TPHCM vì cho rằng thương hiệu của nhà thuốc đang bị ảnh hưởng từ thông tin mà họ cho rằng “thiếu chứng cứ” này. |
. Theo SGGP |