Bế mạc phiên họp thứ 22 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khóa XII
15:5', 16/8/ 2009 (GMT+7)

Từ ngày 11 đến 15.8, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 22 tại Hà Nội, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân; Đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của 4 dự án luật: Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Cơ yếu và Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, UBTVQH còn cho ý kiến lần đầu về 3 dự án luật: Luật Trọng tài thương mại; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Bưu chính- đồng thời cho ý kiến Báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. UBTVQH cũng đã tổ chức phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ GT-VT và Bộ trưởng Bộ TT-TT cùng một số hoạt động khác.

Phiên họp thứ 22 của UBTVQH đã bế mạc cuối buổi sáng 15.8.

* Trong khuôn khổ phiên họp thứ 22 của UBTVQH khóa XII, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày, xin ý kiến UBTVQH lần đầu vào sáng qua, 15.8.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, trong 50 nội dung dự kiến sửa đổi ban đầu, nay trong dự thảo trình UBTVQH, Chính phủ đã chắt lọc, cân nhắc, chỉ để lại 10 nội dung.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTTN&NĐ) lại cho rằng, một số vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện Luật Giáo dục năm 2005 chưa được tháo gỡ, một số vấn đề quan trọng từng đưa vào dự thảo ban đầu, được xã hội quan tâm, thảo luận sôi nổi thì lại bị rút ra khỏi dự thảo do còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Do vậy, hầu hết các nội dung còn lại trong bản dự thảo trình UBTVQH lần này tuy rất đáng được sửa đổi, bổ sung, nhưng chưa thực sự cấp thiết.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đồng tình với Báo cáo thẩm tra và nêu: "Bức xúc lớn nhất mà cử tri, Quốc hội "kêu" rất nhiều trong những năm qua, lẽ ra ngành giáo dục phải tập trung giải quyết là nội dung, chương trình học phổ thông rất nặng, gây sức ép cho học sinh. Thi đại học còn lãng phí sức người, sức của, chính sách tổ chức thi cử theo cụm, theo tuyến, chấm chéo... rất nên xem xét lại".

Một nội dung khác được thành viên UBTVQH yêu cầu nghiên cứu sửa đổi là chuyển đổi các loại hình trường (công lập, dân lập, tư thục...). Đây được coi là một trong những điểm vướng mắc và khó khăn nhất của Việc thực hiện Luật Giáo dục 2005 hiện hành. Đơn cử, có 18/19 trường đại học dân lập chưa chuyển đổi được sang loại hình tư thục; nhiều địa phương vẫn duy trì trường bán công ở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; một số địa phương đã chuyển đổi trường bán công thành trường công lập tự chủ về tài chính và được thu học phí cao hơn các trường công lập đại trà – điều này tuy hợp lý nhưng không đúng với quy định của pháp luật hiện hành.

Liên quan đến nội dung sửa đổi lớn nhất trong Dự thảo là phổ cập mầm non 5 tuổi. UBTVQH đồng tình, nhưng yêu cầu làm rõ cơ sở để thực hiện chính sách này. “Phải trả lời cụ thể trước mắt bài toán về đội ngũ giáo viên, giáo trình, cơ sở vật chất trường lớp, cơ chế, ngân sách tiền lương... Không khéo thì 10 năm nữa chính sách vẫn chưa thực sự đi vào được cuộc sống, chưa phát huy hiệu quả", Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn nhận định.

Một số điểm đáng lưu ý trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

Dự thảo đề cập đến các nội dung: phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo trình giáo dục đại học; thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo và cấp văn bằng có trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt; thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học; thành lập nhà trường; công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; tên gọi của nhà giáo giảng dạy trong trường cao đẳng nghề; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý giáo dục và miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm.

Theo đó:

- Trong điều kiện kinh phí chưa đủ để phổ cập giáo dục cho nhóm trẻ 3-5 tuổi như hiện nay, việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi sẽ góp phần hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho tất cả các em có điều kiện vào học lớp 1.

- Điều kiện thành lập trường: dự án đầu tư phải làm rõ những điều kiện để được thành lập trường và sau khi thành lập, nếu nhà trường có quy chế tổ chức, hoạt động, có chương trình phù hợp, đội ngũ cán bộ giáo dục đạt tiêu chuẩn... thì được cho phép hoạt động giáo dục.

- Công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục: nhà trường phải công bố công khai mục tiêu, chương trình giáo dục, nguồn lực và tài chính, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục và hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nhà trường... làm cơ sở để người học lựa chọn trường và thực hiện chức năng giám sát của xã hội đối với kết quả, chất lượng giáo dục của nhà trường

- Chính sách miễn học phí đối với người học ngành sư phạm theo quy định hiện hành được thay bằng chính sách cho hưởng tín dụng ưu đãi, nếu khi ra trường công tác trong môi trường sư phạm đủ thời hạn theo quy định thì không phải hoàn trả khoản tín dụng đã vay để chi trả học phí. 

- Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện trong 4 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp đại học; trong 3 năm học đối với người có bằng thạc sĩ. Trong trường hợp đặc biệt, thời gian trên được kéo dài không quá 2 năm hoặc rút ngắn không quá 6 tháng, do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định cụ thể.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chịu thuế 25% từ chuyển nhượng bất động sản  (14/08/2009)
Ra mắt Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam  (14/08/2009)
Nhà nước sẽ bù lỗ giá gạo nếu xuống dưới mức bảo hiểm  (14/08/2009)
Tổng cục du lịch đưa ra 10 khuyến cáo phòng chống dịch cúm A (H1N1)  (14/08/2009)
Đàm phán cấp chính phủ Việt-Trung về lãnh thổ  (14/08/2009)
Những ngành học "rớt giá"  (14/08/2009)
10 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt  (14/08/2009)
Việt Nam có gần 86 triệu người  (14/08/2009)
Hàng giả và hàng kém chất lượng tràn lan  (13/08/2009)
Khởi công xây dựng Đại học FPT tại Hòa Lạc  (13/08/2009)
Gần 200 triệu USD cho quỹ đầu tư địa phương  (13/08/2009)
Dịch cúm A/H1N1 lan rộng ra cộng đồng  (13/08/2009)
Cơ hội lớn để các địa phương giảm nghèo nhanh, bền vững  (13/08/2009)
Hơn 40 triệu thuê bao di động sẽ phải đăng ký lại   (12/08/2009)
Nâng chất lượng cuộc sống nhân dân Trường Sa   (12/08/2009)