NGƯỜI VN ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VN
Tạo niềm tin cho người tiêu dùng
9:59', 17/8/ 2009 (GMT+7)

TS Lê Đăng Doanh

Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương mở cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” với tinh thần chỉ đạo: Đây không chỉ là biện pháp trước mắt, mà là chiến lược lâu dài, phát huy nội lực. Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh, khó nhất là phải bảo đảm chất lượng hàng hóa và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

* Phóng viên: Theo ông, làm thế nào để triển khai tốt cuộc vận động này?

- TS Lê Đăng Doanh: Đây là cách đặt vấn đề đúng, tôi rất hoan nghênh. Hy vọng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch hành động hưởng ứng tốt vì hiệu quả của cuộc vận động nằm ở khâu này. Trước hết, Chính phủ cần chỉ đạo tiêu dùng của Nhà nước phải sử dụng hàng nội. Cụ thể là có chỉ thị đối với những sản phẩm trong nước sản xuất được, cơ quan Nhà nước phải sử dụng, thay vì dùng hàng ngoại, kể cả đối với cơ quan đại diện VN ở nước ngoài. Chẳng hạn, từ những vật dụng đơn giản như văn phòng phẩm, trang thiết bị làm việc... phải có quy chế và quy định mức độ tỉ lệ hàng nội. Hiện nay, không chỉ người dân mà các cơ quan Nhà nước cũng sính dùng hàng ngoại.  Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hội chợ, thông tin đến người dân về hàng nội để kích thích mua sắm.

* VN đã là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), quy định như vậy có vi phạm cam kết không, thưa ông? Trước đây, chưa hội nhập, mức độ cạnh tranh với hàng ngoại trên thị trường nội địa còn hạn chế, chúng ta cũng đã có những đợt vận động nhưng hiệu quả chưa đáng kể. Vậy trong thời điểm này liệu có gặp khó khăn?

- Quy định này không vi phạm cam kết WTO, nếu biết hành xử, ví dụ như ban hành các văn bản ở dạng hướng dẫn. Có thể giao Bộ Công Thương làm việc này. Chính quyền các nước khác cũng đều làm như vậy. Ở Mỹ người ta quy định công trình nhà nước phải dùng hàng hóa của nước Mỹ.

Tất nhiên, khi chưa gia nhập WTO, việc vận động này sẽ thuận lợi hơn. Nay mình gia nhập kinh tế thế giới, đương nhiên sẽ khó khăn hơn, do tính cạnh tranh khốc liệt của hàng nội, hàng ngoại nhưng muộn còn hơn không và phải cố gắng, kiên trì làm bằng được. Không nên nghĩ vì khủng hoảng phải làm mà coi đây là chiến lược lâu dài.

* Nhưng tiêu dùng của người dân do dân tự trả tiền, không thể chỉ thị bằng mệnh lệnh. Muốn người dân mua hàng nội, doanh nghiệp sản xuất cũng phải chia sẻ?

 

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm chế biến của Vissan tại Co.opMart Lý Thường Kiệt (TPHCM).

 

- Về phía nhà sản xuất, sản phẩm làm ra phải đạt tiêu chuẩn chất lượng đủ để người dân yên tâm dùng. Giá cả hàng hóa phải hợp lý. Người dân có tâm lý sính ngoại không hẳn do họ thích dùng hàng đắt tiền. Bảo đảm được các yếu tố này, cuộc vận động sẽ thành công vì người VN có lòng yêu nước, có niềm tự hào với sản phẩm của mình. Nếu tuyên truyền đúng hướng, tổ chức các hội thảo so sánh hàng nội với hàng ngoại để người dân có thông tin, có cách tiếp cận được thì sẽ thuyết phục được họ sử dụng. Các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp nên vào cuộc mạnh hơn để bảo đảm chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân yên tâm dùng hàng Việt. Trong cuộc vận động này, phải nêu gương các điển hình tốt, đồng thời phải có chế tài, phê phán người làm không tốt để tạo dựng niềm tin.

* Doanh nghiệp VN lâu nay quen làm hàng xuất khẩu, quay về thị trường nội địa liệu có thích nghi ngay được không, thưa ông?

- Thị trường nào thì vấn đề chất lượng, giá cả cũng mang tính quyết định. Trong tình hình khó khăn, phải thay đổi mẫu mã sản xuất, tái cơ cấu doanh nghiệp. Dân số VN có hơn 85 triệu  người. Ví dụ, mỗi năm, VN tiêu thụ bình quân 100 triệu đến 110 triệu đôi giày thì đây là cơ hội rất lớn cho ngành da giày, phải tìm mọi cách cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường. Một điểm đáng chú ý là khả năng tiêu thụ hàng nội thấp do hệ thống phân phối chưa tốt. Việc tổ chức lại hệ thống phân phối phải được đặt ra hết sức nghiêm túc, phải cải thiện đáng kể trong thời gian tới. Đây không chỉ là việc của riêng doanh nghiệp mà cần sự tổ chức, hỗ trợ của Nhà nước.

Khó nhất trong cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” là bảo đảm chất lượng hàng hóa và niềm tin của người tiêu dùng. Người dân ủng hộ nhưng người sản xuất không bảo đảm được chữ tín thì phức tạp lắm.

. Theo NLĐ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chống cúm ngày tựu trường  (17/08/2009)
Từ 19.9, muốn nuôi chó sẽ phải đăng ký  (16/08/2009)
Dạy tiếng phổ thông và tiếng dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số  (16/08/2009)
Được vay 80% giá trị khi mua nhà thu nhập thấp ở đô thị  (16/08/2009)
Hội nghị BCH Trung ương Đoàn lần thứ 6: Bầu bổ sung 2 Bí thư Trung ương Đoàn  (16/08/2009)
Bế mạc phiên họp thứ 22 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khóa XII  (16/08/2009)
Chịu thuế 25% từ chuyển nhượng bất động sản  (14/08/2009)
Ra mắt Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam  (14/08/2009)
Nhà nước sẽ bù lỗ giá gạo nếu xuống dưới mức bảo hiểm  (14/08/2009)
Tổng cục du lịch đưa ra 10 khuyến cáo phòng chống dịch cúm A (H1N1)  (14/08/2009)
Đàm phán cấp chính phủ Việt-Trung về lãnh thổ  (14/08/2009)
Những ngành học "rớt giá"  (14/08/2009)
10 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt  (14/08/2009)
Việt Nam có gần 86 triệu người  (14/08/2009)
Hàng giả và hàng kém chất lượng tràn lan  (13/08/2009)