Tỉ lệ tăng dân số thấp nhất trong vòng 50 năm qua:
Thành công lớn, thách thức còn lớn hơn
10:3', 21/8/ 2009 (GMT+7)

Dân số tăng nhanh trong khi kinh tế tăng trưởng chậm sẽ rất khó nâng cao chất lượng sống (ảnh minh họa). Ảnh: TTXVN.

Với tỉ lệ tăng dân số là 1,2% trong 10 năm 1999-2009 là thời kỳ có tỉ lệ tăng dân số thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Bộ Y tế khẳng định đây là thành công của công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, song một loạt những vấn đề dân số khác đang là thách thức lớn.

Dân đông, chất lượng sống thấp

Mỗi năm VN có thêm khoảng 90 vạn người, đã đưa tổng số dân VN lên tới 85,789 triệu người vào ngày 1.4.2009 là nước đông dân thứ 13 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực. Mật độ dân số (DS) đã tăng nhanh từ 235người/km2 (năm 2000) lên 259 người/km2 (năm 2009).

Tuy đã đạt mức sinh thay thế nhưng vẫn chưa ổn định, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm tăng nhanh mức sinh trở lại. Vì số phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ lớn gấp 2 lần số phụ nữ ra khỏi tuổi sinh đẻ.

Trong 10 năm tới, những phụ nữ sinh ra trong những năm 80-90 (thế hệ 8x,9x) có quy mô đông nhất trong lịch sử nhân khẩu học VN (khoảng 90 vạn người cho mỗi độ tuổi) thì lúc đó có nguy cơ bùng nổ dân số lần hai. Một sự thay đổi lớn nữa trong cơ cấu DS là DS VN đã kết thúc giai đoạn cơ cấu DS trẻ, bước vào giai đoạn cơ cấu DS vàng, chuyển sang giai đoạn cơ cấu DS già.

Cơ cấu DS vàng bắt đầu đầu xuất hiện từ năm 2010 và kết thúc vào năm 2040, kéo dài trong khoảng 30 năm. Số người trong độ tuổi lao động tăng nhanh từ 59,5 triệu người (chiếm 67% DS năm 2010) lên 64,6 triệu người (chiếm 65% DS năm 2020). Đây sẽ là thách thức gay gắt đối với vấn đề giải quyết việc làm, thất nghiệp, sử dụng lao động...

Bức tranh DS của VN vẫn còn nhiều khoảng tối. Vẫn còn tới 5,3 triệu người, chiếm 6,3% DS là người tàn tật, khuyết tật. 1,5% DS bị thiểu năng về thể lực, trí tuệ, trong đó trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm khoảng 1,5-3% và còn có xu hướng tiếp tục tăng.

Tầm vóc người VN còn hạn chế về chiều cao, sức bền còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Tuổi thọ bình quân đạt mức khá cao là 72,2 tuổi. Tuy vậy, tuổi thọ bình quân khỏe mạnh chỉ đạt 60,2 tuổi và còn có tới 12 năm là ốm đau, bệnh tật.

Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính bắt đầu xuất hiện từ năm 1999 với mức 107 trẻ trai/100 trẻ gái, đến năm 2009 đã tăng lên mức 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Chỉ trong 3 năm từ 2006 đến 2008, tốc độ tăng tỉ số giới tính trong 1 năm đã bằng với tốc độ tăng 10 năm trước đây.

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đã ở mức cao và vẫn trong xu hướng tăng. Tỉ suất giới tính hiện nay của VN tương đương với tỉ suất giới tính của Trung Quốc năm 1989. Dự báo tỉ suất này sẽ đạt 115/100 vào năm 2020.

Một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng này là việc gia tăng tình trạng lạm dụng kỹ thuật siêu âm, nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi... nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để khống chế. Mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và hậu quả của nó sẽ rất lớn.

Chất lượng dân số là mục tiêu hàng đầu

Để giải quyết những thách thức về DS, Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ có những hướng đi như thế nào. Trả lời câu hỏi này, ông Dương Quốc Trọng - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ - cho biết: Mặc dù mức sinh đã giảm, song vẫn cần phải tiếp tục làm giảm sinh nhưng theo phân vùng để lựa chọn các ưu tiên.

Tuy nhiên, trong tình hình mới này, mục tiêu đầu tiên mà ngành DS thực hiện đó là nâng cao chất lượng DS. Không thể để con người VN mãi trong tình trạng còi cọc, thấp bé nhẹ cân.

Nòi giống VN phải được cải thiện. Các hoạt động tư vấn tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh sẽ được thực hiện tốt hơn. Trong khi ở Hàn Quốc, 99% được sàng lọc trước sơ sinh và sàng lọc được 48 bệnh cho trẻ sơ sinh, thì VN mới chỉ có dưới 1% được sàng lọc trước sinh và mới có 2 bệnh được sàng lọc sơ sinh. Ưu tiên thứ hai là đưa ra các chiến lược phát triển DS trẻ, ứng phó với cơ cấu DS già.

Về cân bằng giới tính ở VN, ông Trọng cho biết, việc thực thi những biện pháp ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính hiện nay chỉ có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục nhiều hơn, còn việc xử lý vi phạm rất khó khăn.

Về chế tài xử phạt các vi phạm này, Bộ Y tế đang đề nghị sửa đổi, tăng các mức xử lý vi phạm và sẽ ban hành trong thời gian tới.

. Theo Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thị trường đồ dùng học tập vào mùa "nóng"  (21/08/2009)
Lời thú tội và xin được khoan hồng  (20/08/2009)
Hỗ trợ nông dân một nửa phí bảo hiểm nông nghiệp  (20/08/2009)
Sắn xuất khẩu "đắt hàng" hơn gạo  (20/08/2009)
Không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam  (20/08/2009)
Không điều trị ngoại trú cho bệnh nhân nhiễm cúm A(H1N1) tại cộng đồng  (20/08/2009)
Ô tô nước ngoài đi du lịch được vào Việt Nam  (19/08/2009)
Vĩnh biệt đồng chí Đỗ Quang Thắng  (19/08/2009)
1 tỉ USD xây dựng đường ống dẫn khí từ vùng biển Tây Nam về Cần Thơ  (19/08/2009)
Tỷ lệ rừng trên đầu người VN thấp nhất thế giới  (19/08/2009)
Không mất phí qua lại các cửa khẩu trên đất liền  (19/08/2009)
Người Việt dùng hàng Việt: Bắt đầu từ sữa  (19/08/2009)
Thị trường khẩu trang y tế: Loạn về giá và chất lượng  (19/08/2009)
Săn cổ phiếu sắp lên sàn  (19/08/2009)
Tháng 8 hào hùng  (19/08/2009)