Chủ trương của đề án là cử cán bộ y tế đi luân phiên nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa; Chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng tay nghề, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ y tế ở tuyến dưới; Giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Chủ trương hợp lòng dân
Sau nhiều lần về thăm bệnh viện tuyến cơ sở, thấu hiểu và cảm thông trước tình cảnh người bệnh đã mệt mỏi do ốm đau lại mệt mỏi thêm do phải nằm chung giường trong điều kiện nóng nực, cảm thông với những người bệnh nghèo, sau ốm đau sẽ nghèo hơn... Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã đặt câu hỏi, phải làm gì để không còn tình trạng bệnh nhân nằm chung giường và làm thế nào để rút ngắn ngày điều trị giúp người dân đỡ khổ? Sau nhiều đêm trăn trở, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ, xây dựng, đề xuất và ban hành nhiều văn bản quan trọng đối với định hướng công tác của ngành y tế, trong đó có Đề án 1816.
Với đề án này, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu trực tiếp chỉ đạo và điều hành sát sao, kiểm tra, đốc thúc từng việc. Cứ mỗi tuần, vào sáng thứ Sáu, Ban chỉ đạo lại ngồi cùng nhau để đánh giá kết quả triển khai đề án trong tuần. Trong một cuộc giao ban về Đề án 1816 gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng: Đề án 1816 sẽ còn nhiều việc phải làm, sự chênh lệch giữa các vùng miền còn phải một thời gian dài nữa mới xóa được khoảng cách. Vì vậy, việc luân chuyển để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chuyển giao công nghệ cho cơ sở y tế tuyến dưới là một công việc lâu dài, phải giải quyết từng khâu một. Mỗi cán bộ y tế phải xác định trách nhiệm chia sẻ với các đồng nghiệp của mình.
Thạc sĩ Cao Hưng Thái – Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, người trực tiếp theo dõi Đề án 1816 cho biết: Đề án 1816 là một đề án thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới, phù hợp nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, vùng sâu, vùng xa. Chủ trương này đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các tỉnh thành, cơ sở y tế, người dân nhiệt tình ủng hộ. Cán bộ y tế về cơ bản cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, đồng cảm sẵn sàng đóng góp sức mình hỗ trợ tuyến dưới vì sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Từ chủ trương như vậy, nên Chính phủ có những kế hoạch đầu tư cho cơ sở nâng cấp bệnh viện tỉnh, huyện nhằm mục đích nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Giảm 30% bệnh nhân lên tuyến trên
Đề án 1816 là một đề án mang tính xã hội hóa cao, nhận được rất nhiều sự quan tâm của Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành và UBND các tỉnh thành. Vì vậy, làm thế nào đề án đem lại nhiều hiệu quả để nhân dân được hưởng lợi trong việc khám chữa bệnh là một câu hỏi được đặt ra nhiều nhất trong đề án này.
Thạc sĩ Cao Hưng Thái đánh giá, đến thời điểm này, đề án đã có những thành công bước đầu. Đã có 59 bệnh viện trực thuộc Bộ và Sở Y tế Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Khánh Hòa cử cán bộ luân phiên về cơ sở. 57 tỉnh thành nhận cán bộ luân phiên, trên 100 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, cơ sở y tế tỉnh nhận cán bộ đến luân phiên.
Gần 30 tỉnh, thành đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, xây dựng đề án cử cán bộ luân phiên trong nội bộ tỉnh. Có hơn 20 chuyên ngành, chuyên khoa được chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện tuyến dưới. Hàng chục nghìn bệnh nhân đã được khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú. Hàng chục nghìn bệnh nhân được phẫu thuật bởi cán bộ y tế đi luân phiên. Giảm bệnh nhân lên tuyến trên là 30%. Hiện tại, việc cán bộ y tế trực thuộc Bộ luân phiên về cơ sở đã đi vào nề nếp và có hiệu quả.
Một năm qua, được sự chỉ đạo sát sao, Bộ Y tế đã triển khai bài bản, chỉ đạo quyết liệt, giám sát, đánh giá qua từng giai đoạn. Đối với các Bộ ngành liên quan cũng đã ủng hộ Bộ Y tế trong việc thực hiện Đề án 1816. Hiện nay có 30 tỉnh, thành lập ban chỉ đạo đề án cấp tỉnh do đồng chí Phó chủ tịch phụ trách văn xã làm trưởng ban, lập kế hoạch luân phiên cán bộ y tế địa phương.
100% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thực hiện thành lập ban chỉ đạo có kế hoạch triển khai thực hiện. Các cán bộ y tế thì thông suốt về tư tưởng. Chấp hành nghiêm chỉnh, cử cán bộ đi luân phiên. Người dân hoan nghênh ủng hộ, vui mừng khi được chào đón những bác sĩ có tay nghề, giàu nhiệt tình về giúp đỡ họ.
Ngày 26.5.2008, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã ký Quyết định số 1816/QĐ-BYT phê duyệt Đề án 1816 “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”. Đây là một Đề án có cơ sở khoa học và thực tiễn cao, nên được các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế hưởng ứng và thi đua thực hiện. Đề án 1816 của Bộ Y tế còn có ý nghĩa lớn là đón đầu thực hiện 3 nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương khóa X (kỳ họp thứ 7) về đội ngũ trí thức; về công tác thanh niên; về nông dân, nông nghiệp và nông thôn.
Thực hiện tốt Đề án 1816 sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên ở tuyến cơ sở. Các cán bộ chuyên môn hoặc kíp cán bộ chuyên môn này đều có khả năng giải quyết độc lập các kỹ thuật y học và sẽ hỗ trợ tuyến dưới trong thời gian tối thiểu là 3 tháng. Người đi luân phiên được giữ nguyên biên chế và được hưởng các chế độ như đang công tác tại đơn vị được cử đi và nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được ưu tiên xét các chế độ khen thưởng khác. (Nguồn trang web Bộ Y tế) |
|