Xúc tiến du lịch quốc gia không thể “ăn đong”
10:19', 25/8/ 2009 (GMT+7)

Việt Nam có tiềm năng du lịch lớn.

Khẩu hiệu của ngành du lịch trong nước là “Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn” nhưng nhiều khách quốc tế không hiểu đó là vẻ đẹp đó là gì vì thế việc xúc tiến phát triển du lịch còn chưa thực sự có hiệu quả.

Dù năm 2007, Tổng cục Du lịch quảng bá hình ảnh Việt Nam trên kênh truyền hình CNN phạm vi châu Á và năm 2009 được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) quảng cáo trên BBC và CNN. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp du lịch không hiểu những đợt quảng cáo này nằm trong kế hoạch tiếp thị nào, gắn với chiến lược xây dựng sản phẩm ra sao.

Quảng bá nhầm sản phẩm?

Giám đốc Công ty Tư vấn quản lý HTM Kai Marcus Schroeter nhận xét về cách quảng bá du lịch của các bộ, ngành Việt Nam: “Ngân sách Nhà nước Việt Nam cấp cho tiếp thị du lịch không chắc đang được phân phối và sử dụng có hiệu quả”.

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Tình cho biết, dự kiến trung tuần tháng 9, đợt quảng cáo hình ảnh Việt Nam sẽ bắt đầu phát trên kênh CNN phạm vi châu Á - Thái Bình Dương trong ba tháng, tập trung giới thiệu tiềm năng du lịch biển miền Trung, Tây Nguyên và đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng Bộ VH-TT-DL chi hơn 250.000 USD quảng cáo trên CNN  là… sai lầm vì nguồn khách đến các địa điểm trên có xu hướng co hẹp.

Tổng giám đốc Công ty liên doanh du lịch Apex Nguyễn Văn Trấn cho biết, rất ít khách Nhật Bản lên Tây Nguyên hay ra Phú Quốc vì giao thông khó khăn. Nhiều khách từ TP HCM ra Hội An - Huế chỉ “mê” thăm quan di tích, mua sắm, chăm sóc sắc đẹp.

Một trở ngại lớn khác là đường bay quốc tế đến miền Trung quá ít. Từ năm 2006, chỉ còn hai tuyến Bangkok/Singapore - Đà Nẵng của PB Air (Thái Lan) và Silk Air (Singapore) hoạt động với tần suất thấp, sử dụng máy bay cỡ nhỏ. Trước đó, hãng Fat Air (Đài Loan) và Pacific Airlines (Việt Nam) đã hủy đường bay Đài Bắc/Hongkong - Đà Nẵng vì quá ít khách. Hè năm 2008, hai hãng hàng không Korean Air và Asiana Airlines chủ trì tổ chức hơn 20 chuyến bay thuê bao Seoul - Đà Nẵng rồi… nghỉ.

Với 20 năm kinh nghiệm làm du lịch, ông Hoàng Nhân Chính, Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Công ty JTB - TNT, nhận xét: “Khách châu Á đi tour ngắn ngày, đại đa số loanh quanh ở 2 đầu TP HCM, Hà Nội và vùng phụ cận”. Giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist Võ Anh Tài cũng lưu ý, sở dĩ lượng khách ASEAN đón được chưa nhiều bởi sản phẩm du lịch của Việt Nam không khác biệt rõ nét so với các nước này.

Cần có kế hoạch tiếp thị tổng thể

Một cán bộ Tổng cục Du lịch thừa nhận: “Việt Nam chưa có chiến lược marketing du lịch, hoạt động xúc tiến thiếu cơ sở khoa học, không đồng bộ, manh mún…”. Điển hình là khẩu hiệu Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn của Chương trình Hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2006 - 2010. Ông Võ Anh Tài phàn nàn: “Khẩu hiệu hấp dẫn này không được đặt trong kế hoạch tiếp thị xuyên suốt tầm quốc gia khiến trở nên cụt lủn, còn khách quốc tế không hiểu vẻ đẹp tiềm ẩn là gì. Nếu chúng ta quảng bá chuyên nghiệp, phải giới thiệu được với thế giới hàng loạt hình ảnh đặc biệt chưa biết tới của du lịch Việt Nam”.

Ông Lã Xuân Hiển, Giám đốc chi nhánh Hà Nội của một Công ty CP Du lịch tại TP HCM, nhấn mạnh Bộ VH-TT-DL phải xây dựng kế hoạch tiếp thị trong giai đoạn 3-5 năm và phải được Chính phủ phê duyệt. Trong đó có những nhiệm vụ chủ chốt phải thực hiện để đạt được mục tiêu nhất định, kèm theo một số điều chỉnh linh hoạt từng năm phù hợp với thực tế.

Như vậy, công tác quảng bá cũng phải nằm trong chiến lược tổng thể đồng bộ với nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm, chọn kênh phân phối… chứ không thể “ăn đong” theo ngân sách cấp hằng năm.

Ông Kai Marcus Schroeter cũng cho rằng, bất kể hoạt động tiếp thị du lịch nào muốn thành công cũng phải có chiến lược dài hạn 3-5 năm, kết hợp được với nhiều hình thức tiếp thị của quốc gia khác như phát triển thương hiệu Việt Nam, các chiến dịch khuyến mãi.

Nhiều nước “giữ chân” khách nội

Theo tin từ Tổng cục Du lịch ngày 24.8, nhiều quốc gia, đặc biệt là nước quan hệ chặt chẽ với du lịch Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… đang nỗ lực kích cầu du lịch nội địa. Từ đầu năm đến hết tháng 7, khách Trung Quốc vào Việt Nam giảm 37%, tiếp theo là Hàn Quốc 23%, Đài Loan 17,5%, Thái Lan 16,1%, Nhật Bản 11,7%, Australia 10,8%... so với cùng kỳ 2008.

. Theo BAODATVIET.VN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (25/08/2009)
Sẽ cấm hút thuốc nơi công cộng trong nhà  (25/08/2009)
Đồng loạt chấn chỉnh các lò mổ gia súc  (24/08/2009)
Cơn "sốt" giá đường sẽ còn kéo dài  (24/08/2009)
6 tháng đầu năm 2009: Tập đoàn Prudential đạt mức thặng dư vốn 3 tỷ bảng Anh  (24/08/2009)
Lãi suất huy động bằng đồng VN tiếp tục tăng  (24/08/2009)
16 hãng hàng không ký biên bản mở đường bay đến Huế  (24/08/2009)
Một năm thực hiện đề án 1816: Rút ngắn khoảng cách vùng miền  (24/08/2009)
Thêm 118 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1  (24/08/2009)
Thêm vốn ngoại vào chứng khoán  (24/08/2009)
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xây dựng Trường học thân thiện-Học sinh tích cực”  (24/08/2009)
Thủ tướng quyết định khung học phí đại học mới  (23/08/2009)
Quảng Trị: Phát hiện dấu tích 14 phòng biệt giam khu nhà tù Lao Bảo  (23/08/2009)
Khởi công xây dựng Nhà máy bọc ống đầu tiên của Việt Nam  (23/08/2009)
Doanh nghiệp sản xuất 1 ca được giảm 20% giá điện giờ cao điểm  (23/08/2009)